Trong hội họa Việt Nam có một dòng tranh mang nhiều ý nghĩa hơn một tác phẩm nghệ thuật thông thường, đó chính là dòng tranh cổ động. Tranh cổ động hiện diện trên mọi nẻo đường kháng chiến, kiến quốc, trong mọi thời khắc lịch sử cam go, hào hùng của dân tộc. Đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nghệ thuật tranh cổ động của Việt Nam đã tự hoàn thiện để hoành thành nhiệm vụ mà dòng tranh này mang trọng trách truyền tải.
Theo lời kể của họa sĩ Thục Phi, người đồng hành cùng Xưởng tranh cổ động Trung ương trong suốt gần hai thập kỷ tồn tại, sau “sự kiện vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ tăng cường chiến tranh phá hoại miền bắc, Đảng và Chính phủ đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền và cổ động tinh thần chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xây dựng vững chắc hậu phương, trong đó đề ra nhiệm vụ: “Phải cổ động thường xuyên bằng các hình thức tuyên truyền nhẹ nhàng, có tính quần chúng rộng rãi” để “nhà nhà đều biết, người người đều nghe”. Từ đó, ý tưởng thành lập Xưởng tranh cổ động, trực thuộc Tổng cục Thông tin ra đời.
Xưởng tranh cổ động Trung ương bắt đầu đi vào hoạt động năm 1966. Nhân sự của Xưởng lúc đầu chỉ có 3 người, đó là ba người bạn đồng môn Lê Lam, Đặng Đức, Thục Phi thuộc khóa Mỹ thuật kháng chiến, sau đó được bổ sung dần dần. Lúc đầu ai cũng bỡ ngỡ khi bắt tay vào công việc mới, ai cũng vừa làm vừa học, người đi trước truyền kinh nghiệm cho người tới sau. Nhưng tất cả đã làm việc tận tuy, hết mình, để những bức tranh cổ động hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử được giao phó.
Tranh cổ động về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tác giả Lai Thành. Ảnh: BTHCM
Kế hoạch làm việc hàng năm của Xưởng được thực hiện theo đúng kế hoạch của Cục Tuyên truyền đề ra. Cách làm việc của Xưởng giống như cách làm của nhà xuất bản: Xưởng tranh cổ động Trung ương làm chủ, tuyển cộng tác viên, thông báo cho cộng tác viên kế hoạch tuyên truyền của năm, nhận tranh, in tranh, phát hành và trả nhuận bút. Từ năm 1974, Xưởng tranh cổ động Trung ương bắt đầu có nhà trưng bày tranh ở Tràng Tiền. Mỗi năm có 1 triển lãm, kéo dài khoảng một tháng. Quãng thời gian Xưởng tranh cổ động Trung ương tồn tại cũng chính là thời kỳ hoàng kim của tranh cổ động Việt Nam.
Mặc dù trong thời kỳ kháng chiến, đời sống vô cùng khó khăn, những vật liệu để vẽ như giấy, màu, toan, lụa là những thứ xa xỉ. Nhưng tranh cổ động vẫn phát triển mạnh mẽ, bởi tranh cổ động có thể dùng mọi chất liệu sẵn có để vẽ. Với tài năng và ngòi bút sắc bén, các họa sĩ đã thổi tinh thần lạc quan, yêu nước, ý chí quyết chiến quyết thắng vào từng tác phẩm. Có thể khẳng định tranh cổ động không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật thông thường mà nó còn mang giá trị lớn lao cổ vũ tinh thần yêu nước, niềm tin vào kháng chiến.
Trong năm đầu hoạt động, Xưởng đã chọn ra được năm bộ tranh của các tên tuổi họa sĩ như Phan Thông, Lê Thanh Đức, Trường Sinh, Thái Sơn..., với những tác phẩm gây tiếng vang như Này tổng thống Johnson, Không có gì quý hơn độc lập tự do... Sau đó, làng tranh cổ động có thêm nhiều cây cọ nổi tiếng tham gia như Huỳnh Văn Gấm, Xuân Hồng, Huỳnh Phương Đông, Cổ Tấn Long Châu, Lê Lam, Huỳnh Văn Thuận, Đặng Đức, Phạm Lung... với nhiều tác phẩm có giá trị như Thừa thắng xông lên, Giặc phá ta cứ đi, Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân, Chung một ngọn cờ…
Thời gian sau đó, vẽ tranh cổ động trở thành phong trào khuấy động toàn giới mỹ thuật. Các thầy giáo như Nguyễn Ngọc Cảnh, Đỗ Hữu Huề, Nguyễn Thụ, Nguyễn Nùng của hai trường Mỹ thuật Công nghiệp và Đại học Mỹ thuật … vừa vẽ vừa vận động rất đông học sinh của mình tham gia vẽ tranh cổ động. Họa sĩ địa phương cũng tham gia nhiệt tình. Phong trào lan tỏa lớn, quy tụ được rất đông các họa sĩ mọi miền tham gia. Họ vừa sáng tác, vừa chép tranh. Các họa sĩ nổi tiếng góp thêm một vũ khí hữu hiệu cho kháng chiến. Cũng từ đó, các triển lãm tranh cũng được mở rộng đưa về trưng bày ở các địa phương.
Ngày nay, Tranh cổ động được giữ gìn và trưng bày như những tác phẩm nghệ thuật giá trị. Không phải ngẫu nhiên mà dòng tranh này luôn được các nhà sưu tập trong và ngoài nước săn lùng rất nhiều. Bởi cùng với giá trị nghệ thuật tất yếu, tranh cổ động còn mang một thông điệp khác vô cùng lớn lao, đó là câu chuyện về lịch sử, về cuộc kháng chiến hào hùng bảo vệ đất nước của cả dân tộc Việt Nam, là lời kêu gọi, khuyến khích tinh thần lao động và yêu nước của người dân, cùng nhau phấn đấu vì một xã hội phát triển.
Bà Thục Phi cũng cho biết thêm, cùng với các hình tượng người chiến sĩ, nông dân, phụ nữ…, hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tranh cổ động cũng được rất nhiều các họa sĩ quan tâm thể hiện, như các họa sĩ Phạm Lung, Lai Thành, Trần Từ Thành, Đỗ Mạnh Cương, Lê Huy Trấp, Huy Thụ, Nguyễn Oánh, Minh Phương, Dương Ánh, Trần Mai… với những bức tranh thể hiện những câu nói, tình cảm, những lời động viên, khích lệ, chỉ bảo của Người - vị lãnh tụ vĩ đại, vị cha già của dân tộc Việt Nam. Năm 1979, nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày sinh Bác Hồ, Xưởng tranh cổ động trung ương đã hợp tác với Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm về Người.
Nhân dịp Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 – 2019), tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 – CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và hướng tới kỉ niệm 129 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/05/1890 - 19/05/2019). Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề “Chân dung Hồ Chí Minh – Góc nhìn từ tranh cổ động” (1969 – 2011). Lễ khai mạc sẽ diễn ra 9h30, ngày 10 tháng 5 năm 2019 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, số 19 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội. |
Họa sĩ Thục Phi kể
Nguyên Giám đốc Xưởng tranh cổ động Trung ương
Hoàng Thanh Tâm ghi