Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Sưu tập ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết ở Hà Nội lưu tại Kho cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh
Ngày đăng: 03:00 01/02/2019
Lượt xem: 11.723
Trong thời gian sống và làm việc tại Hà Nội, mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng những ngày Tết nguyên đán của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian để đến từng ngôi nhà, ngõ xóm và những khu phố ở Hà Nội thăm và chúc Tết những người dân lao động, các cán bộ, chiến sĩ Thủ đô.

Những hình ảnh về hoạt động của Người đã được các nghệ sĩ nhiếp ảnh Phủ Chủ tịch ghi lại và hiện nay, sưu tập ảnh sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết ở Hà Nội đang được Bảo tàng Hồ Chí Minh trân trọng lưu giữ, bảo quản và trở thành kho tư liệu vô cùng quý giá.

Tết đầu tiên sau khi trở lại Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành trọn thời gian lên thăm Thái Nguyên, vì vậy đến Tết Nguyên đán năm 1956, Người mới chính thức ở Thủ đô đón Tết. Sưu tập ảnh gồm 12 sự kiện với 601 ảnh.

1. Ảnh chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh đón Tết Nguyên đán Bính Thân năm 1956 (31 ảnh)

Sáng ngày 11/2/1956 (tức ngày 30 Tết), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm cơ quan Thủ tướng phủ và Ban kế hoạch Nhà nước; tối cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết các đồng chí thương binh ở Trường Thương binh hỏng mắt và nói chuyện thân mật với các chiến sĩ, khen ngợi những thành tích công tác của nhân dân ta trong năm vừa qua, nêu ra những nhiệm vụ công tác trong năm 1956. Tại đây, Người căn dặn: “Có Trường Thương binh hỏng mắt này, các chú được học chữ, học nghề để tiếp tục phục vụ nhân dân, như vậy các chú “tàn mà không phế”, các chú tùy theo sức của mình mà học tập và công tác. Các chú phải học hết lớp 7, sau đó thích nghề gì thì tham gia”. Sau khi chụp ảnh chung với các thương binh để làm kỷ niệm, Người giơ tay bắt nhịp cho toàn thể anh em thương binh cùng hát bài Kết đoàn trong giờ phút chia tay. Câu nói “tàn mà không phế” cùng bức ảnh Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn tại buổi gặp gỡ này đã được sử dụng thường xuyên trong trưng bày, tuyên truyền giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn cũng như động viên tinh thần anh chị em thương binh trong trong cuộc sống, lao động và sản xuất.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết các đồng chí thương binh ở trường Thương binh hỏng mắt, ngày 11/2/1956 (30 Tết Nguyên đán Bính Thân).
Ảnh: BTHCM

 
Trong ngày 12/2/1956 (tức ngày mùng 1 Tết Bính Thân), Người đi thăm, chúc Tết đại biểu nhân dân Hà Nội, anh chị em miền Nam tập kết, học sinh Trường Cán bộ dân tộc thiểu số, bà con Hoa kiều đang họp mặt mừng năm mới tại phòng khách của Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội, học viên Trường bổ túc văn hóa cán bộ miền Nam. Tại buổi gặp gỡ, Người nói chuyện với các học viên và căn dặn: Năm ngoái, các cô, các chú học tập có tiến bộ hoặc nhiều hoặc ít, như thế là tốt. Năm nay phải tiến bộ hơn, phải sửa chữa khuyết điểm, phải đoàn kết hơn nữa, củng cố lòng tin tưởng ở thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh chính trị…không nên có tư tưởng hòa bình, yên nghỉ, phải cảnh giác, yên tâm học tập và công tác” .

2. Ảnh chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh đón Tết Nguyên đán Tết Đinh Dậu năm 1957 (49 ảnh)

Ngày 30/1/1957 (tức ngày 30 Tết Đinh Dậu), Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một số gia đình ở phố Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội, thăm các gia đình cán bộ, công nhân ở khu lao động Nhà máy điện Yên Phụ, Nhà máy điện Bờ Hồ (Hà Nội), mới xây dựng trên bãi Nghĩa Dũng cũ. Người thăm hỏi tình hình sắm Tết, chúc Tết các gia đình và chia kẹo cho các cháu nhỏ.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết gia đình cụ Nguyễn Thị Khánh,
phố Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội, ngày 30/1/1957 (30 Tết Nguyên đán
Đinh Dậu). Ảnh: BTHCM

Sáng ngày 31/1/1957 (tức mùng 1 Tết Đinh Dậu), Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và chúc Tết một số gia đình là cơ sở cách mạng cũ ở thôn Phú Gia, xã Phú Thượng, Từ Liêm, Hà Nội. Nói chuyện với nhân dân trong thôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc đồng bào đoàn kết, đoàn kết quân và dân, cố gắng thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Rời Phú Gia, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và chúc Tết Tiểu đoàn 650 thuộc sư đoàn 350 bộ đội bảo vệ Thủ đô. Người căn dặn: anh em phải thực hiện đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân; luôn cảnh giác, giữ vững ý chí chiến đấu, tác phong và kỷ luật quân đội; tiết kiệm; tùy theo khả năng để giúp đỡ nhân dân; cố gắng học tập và rèn luyện. Ngoài ra còn có một số bức ảnh chụp sự kiện: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm trại Kim Đồng, công trường Nhà máy cơ khí Hà Nội (công trường xây dựng số 4) .
 
3. Ảnh chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh đón Tết Nguyên đán Tết Mậu Tuất năm 1958 (16 ảnh)

Ngày 17/2/1958 (tức đêm Giao thừa), Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Tổng hội Liên hiệp Hoa Kiều ở phố Hàng Buồm, Hà Nội.
 
Ngày 18/2/1958 (mồng 1 Tết), Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết cán bộ, công nhân Nhà máy cơ khí Hà Nội, Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội. Người yêu cầu các chi bộ Đảng, Công đoàn và Đoàn thanh niên cần quan tâm cải thiện nhiều hơn nữa đời sống của công nhân, phối hợp chặt chẽ vận động công nhân thi đua thực hiện tốt kế hoạch nhà nước năm 1958. Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Khu học xá (nay là cơ sở của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội). Người nói với các sinh viên: “Các cô các chú học để mà hành, học để phục vụ nhân dân không phải để làm quan. Các cô các chú phải trau dồi cả đức cả tài, không có đức thì vô dụng, không có tài thì làm việc gì cũng khó”. 
 
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy cơ khí Hà Nội, Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội,
ngày 18/2/1958 (Mồng 1 Tết Nguyên đán Mậu Tuất). Ảnh: BTHCM

Ngoài ra, trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 1958 còn có một số ảnh chụp các sự kiện: Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc Tết nhân dân xã Việt Hưng, huyện Gia Lâm và gặp gỡ đầu Xuân với cán bộ miền Nam tập kết tại Câu lạc bộ Thống Nhất; một số cơ quan đơn vị bộ đội tại Thủ đô. Đặc biệt là những bức ảnh chụp sự kiện gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến chúc Tết Người tại Phủ Chủ tịch.

Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam dự Đại hội lần thứ 21 Đảng Cộng sản Liên Xô.

4. Chủ tịch Hồ Chí Minh đón Tết Nguyên đán Canh Tý năm 1960 (114 ảnh)

Ngày 27/1/1960 (tức đêm Giao thừa), Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm, chúc Tết và tặng quà 5 gia đình cán bộ, nhân dân ở Hà Nội.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết gia đình ông Trần Công Tốt, công nhân Nhà máy Đèn Hà Nội,  27/1/1960 (Đêm Giao thừa Tết Nguyên đán Canh Tý). Ảnh: BTHCM

Trong sưu tập ảnh Tết Nguyên đán năm 1960 còn có ảnh chụp các sự kiện: Chủ tịch Hồ Chí Minh đón tiếp gia đình Luật sư Loseby tại Phủ Chủ tịch, thiếu nhi Hà Nội múa hát chúc thọ Chủ tịch Hồ Chí Minh và chào mừng Luật sư Loseby cùng gia đình sang thăm Việt Nam. Trong số đó, có bức ảnh Người quàng khăn đỏ cho đại biểu thiếu nhi là bức ảnh rất nổi tiếng được sử dụng phổ biến trong trưng bày, triển lãm, làm sách, áp phích treo trong các trường học trong và ngoài nước...

Một số hoạt động khác của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được ghi lại qua các bức ảnh như: Người đến thăm và tiễn phó Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Đức Hai-rích Rao, tiếp đoàn đại biểu Việt kiều ở Thái Lan mới về nước đến thăm và chúc Tết Người, thăm Văn Miếu  Quốc Tử Giám và đọc bia tiến sĩ , gặp gỡ và chuyện trò thân mật với các cháu đội thiếu niên Võ Thị Sáu trường Phan Chu Trinh tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, tiếp đoàn điện ảnh Liên Xô.

5. Ảnh chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh đón Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 1961 (74 ảnh)
 
Ngày 14/2/1961 (tức đêm Giao thừa), Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm và chúc Tết một số gia đình cán bộ, công nhân và nhân dân Hà Nội.

Trong những ngày Tết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi thăm và chúc Tết tại một số đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, xí nghiệp, nhà máy….
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết gia đình ông Trần Văn Dung,
Việt kiều Thái Lan  mới  về nước, ngày 14/2/1961 (Đêm Giao thừa Tết
Nguyên đán Tân Sửu). Ảnh: BTHCM

 
6. Ảnh chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 1962 (68 ảnh)

Ngày 4/2/1962 (tức 30 Tết Nguyên đán), buổi chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự liên hoan tất niên với con em cán bộ Văn phòng Trung ương Đảng. Buổi tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí: Nguyễn Lam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Khai, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng; Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội, đến Câu lạc bộ Thiếu nhi vui Tết với các em .

Sau đó, Người cùng đoàn đi chúc Tết gia đình một số gia đình tại Hà Nội, đến thăm cán bộ, công nhân Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam đang chuẩn bị cho chương trình phát thanh đặc biệt đêm Giao thừa. Đúng đêm Giao thừa, qua đài phát thanh tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Thơ mừng năm mới gửi đồng bào cả nước.  

Trong ngày mồng một Tết Nhâm Dần, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến chúc Tết tại công trường xây dựng Nhà máy bê tông đúc sẵn Chèm, hợp tác xã nông nghiệp Đại Thắng, Đông Ngạc, huyện Từ Liêm; thăm và chúc Tết một số đơn vị bộ đội ở Hà Nội như: Đại đoàn 109, Trung đoàn phòng không 220. Người chúc mọi người năm mới vui vẻ, mạnh khỏe, đoàn kết, thi đua tăng năng suất, giành vụ sản xuất đông - xuân thắng lợi. Chiều, Người đến thăm phòng trưng bày văn hóa và dự cuộc ngâm thơ mừng xuân của các cụ phụ lão và văn nghệ sĩ tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám . Người mừng tuổi các cụ 2 câu thơ:
“Tuổi già nhưng chí không già
Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh”.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc ngâm thơ mừng xuân của các phụ lão và
văn nghệ sĩ tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ngày 5/2/1962
(Mồng 1 Tết Nguyên đán Nhâm Dần). Ảnh: BTHCM

 
7. Ảnh chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh đón Tết Nguyên đán Quý Mão năm 1963 (44 ảnh)

Đêm giao thừa Tết Nguyên đán Quý Mão, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm và chúc Tết một số gia đình tại Hà Nội.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết gia đình ông Nguyễn Văn Thức,
nhà tư sản dân tộc, ngày 24/1/1963 (Đêm Giao thừa Tết Nguyên đán
Quý Mão). Ảnh: BTHCM

 
Trong các ảnh còn lưu giữ về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong dịp Tết Nguyên đán này còn có một số hoạt động như: Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chủ tịch Antônin Nôvốtni tiếp các vị đại diện Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến chúc Tết tại Phủ Chủ tịch; chúc Tết cán bộ, công nhân Nhà máy ô tô Hòa Bình, bà con xã viên Hợp tác xã nông nghiệp Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp, Thanh Trì, một đơn vị bộ đội bảo vệ Thủ đô (thuộc sư đoàn 350), một đơn vị cảnh sát nhân dân quận Hoàn Kiếm, một đơn vị trực thuộc Cục cảnh vệ thuộc Bộ Công an; Chủ tịch Hồ Chí Minh dự tiệc do Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ, Mặt trận tổ chức chiêu đãi Chủ tịch Antôni Nôvốtni và các đại biểu trong đoàn cùng đi.

8. Ảnh chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 1964 (57 ảnh)

Ngày 12/2/1964 (tức ngày 30 Tết Giáp Thìn), Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Thanh niên tự do Cộng hòa Dân chủ Đức sang thăm Việt Nam. Cùng ngày, Người thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Sở Công an Hà Nội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết gia đình ông Nguyễn Văn Tá, trưởng Ban bảo vệ
khu phố Đống Đa, ngày 12/2/1964 (Đêm Giao thừa). Ảnh: BTHCM

 
Đêm giao thừa, Người đi thăm và chúc Tết cán bộ công nhân khu tập thể các nhà máy cao su, xà phòng, thuốc lá, khu tập thể cán bộ miền Nam tập kết ở phố Phan Đình Phùng và một số gia đình ở Hà Nội: công nhân Nhà máy nước Đồn Thủy Phan Huy Nhật, gia đình ông Nguyễn Văn Tá, trưởng ban bảo vệ khu phố Đống Đa; gia đình ông Nguyễn Xiển, Tổng thư kí Đảng Xã hội, gia đình Giáo sư bác sĩ Trần Hữu Tước, giám đốc bệnh viện Bạch Mai; gia đình Việt kiều Phan Văn Chúc, Lê Thị Hồ. Sau đó Người đến thăm tòa soạn báo Tân Việt Hoa và gia đình ông Ngô Liên, Chủ nhiệm Tổng hội Liên hiệp Hoa kiều tại Việt Nam, thăm và chúc Tết các chuyên gia Trung Quốc đang họp mặt mừng Xuân.

Ngoài ra, còn có ảnh chụp các sự kiện ngày mùng 1 Tết Giáp Thìn (ngày 13/2/1964) .
 
9. Ảnh chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 1965 (25 ảnh)

Sáng 31/1/1965 (tức ngày 28 Tết), Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và tham gia trồng cây với hơn 1.500 cán bộ và đồng bào khu vực Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội. Sau đó Người thăm và tham gia trồng cây với bà con nông dân Hợp tác xã Phú Diễn, xã Trần Phú, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Người chúc Tết bà con xã viên; nghe chủ nhiệm hợp tác xã báo cáo tình hình sản xuất và đời sống của nhân dân địa phương. Người nhắc nhở Hợp tác xã cần phải đẩy mạnh sản xuất hơn nữa và chỉ dẫn tỉ mỉ cách đào giếng nước, xây dựng công trình vệ sinh cho bà con nông dân. 
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng cây với bà con nông dân Hợp tác xã Phú Diễn, xã Trần Phú, huyện Từ Liêm, Hà Nội, ngày 31/1/1965 (28 Tết Nguyên Đán Ất Tỵ). Ảnh: BTHCM
 
Ngoài ra còn có ảnh chụp sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc thơ chúc Tết để Đài phát thanh ghi âm phát đêm giao thừa .
 
10. Ảnh chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh đón Tết Nguyên đán Bính Ngọ năm 1966 (31 ảnh)
 
Các ảnh ghi lại hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các ngày 20/1/1966 (tức ngày 30 Tết) và ngày 21/1/1966 (mùng 1 Tết Bính Ngọ). Trong đó, có sự kiện Người đến thăm trường Kim Đồng, thăm nơi ăn ở, học tập của các cháu và vui mừng khi thấy các cháu đã có nhiều tiến bộ. Người căn dặn các cháu đoàn kết, thương yêu nhau, cố gắng học tập tốt, lao động tốt để trở thành những người có ích cho xã hội.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm trường Kim Đồng nhân dịp Tết Nguyên đán Bính Ngọ,
ngày 21/1/1966 (Mồng 1 Tết). Ảnh: BTHCM

 
Cùng ngày, Người thăm Hợp tác xã nông nghiệp Văn Phú, huyện Hoài Đức, Hà Tây (Hà Nội ngày nay), chúc Tết, khen ngợi thành tích sản xuất, nâng cao đời sống văn hóa, giáo dục và chỉ ra những mặt yếu của hợp tác xã.
 
11. Ảnh chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh đón Tết Nguyên đán Đinh Mùi năm 1967 (64 ảnh)

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp hai nhà báo Hungari thăm Việt Nam tại phòng khách nhà 54 khu 41 Phủ Chủ tịch, ngày 8/2/1967 (tức ngày 30 Tết Đinh Mùi). 19h30’, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và chúc Tết Phái đoàn thường trực Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hà Nội. Người thăm hỏi và chia quà Tết cho các cháu và anh chị em trong phái đoàn, khen ngợi đồng bào và chiến sĩ miền Nam chiến đấu anh dũng, thông minh, tài trí và khẳng định: “Nhất định miền Nam sẽ giải phóng… Bắc Nam sẽ sum họp một nhà”.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết phái đoàn thường trực Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hà Nội, ngày 8/2/1967 (30 Tết Nguyên đán Đinh Mùi). Ảnh: BTHCM
 
Sưu tập ảnh còn có một số ảnh chụp ghi lại các sự kiện diễn ra trong ngày 9/2/1967 (tức mùng 1 Tết Nguyên đán Đinh Mùi). Trong đó, có sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm và chúc Tết một số đơn vị phòng không và không quân bảo vệ Thủ đô: Trung đoàn không quân tiêm kích 921 (Đoàn Sao Đỏ). Người khen ngợi thành tích của các cán bộ, chiến sĩ và căn dặn: “Các chú phải chăm học tập và rèn luyện hơn nữa. Càng học tập càng tiến bộ, càng tiến bộ thì đánh địch càng giành thắng lợi”. Người tặng quà Tết cho các cán bộ, chiến sĩ và chúc Không quân nhân dân: “Đoàn kết, học tập tiến bộ, đánh giỏi, đạt nhiều thắng lợi mới”. Ngoài ra, còn có ảnh chụp các sự kiện ngày 10/2/1967 (tức sáng mùng 2 Tết): 8h30’ sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Hợp tác xã Tảo Dương, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, Hà Tây (Hà Nội ngày nay). Người nói chuyện với đông đảo cán bộ, các xã viên hợp tác xã.

Tết Nguyên đán Mậu Thân 1968, Người sang Trung Quốc chữa bệnh. 

12. Ảnh chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh đón Tết Nguyên đán Kỷ Dậu năm 1969 (28 ảnh)

 
Đây là cái Tết cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi Người đi xa mãi mãi. Mặc dù sức khỏe của Người không được tốt, nhưng Người vẫn đi thăm và chúc Tết đồng bào và chiến sĩ. Những bức ảnh do các nhà nhiếp ảnh Phủ Chủ tịch chụp đã ghi lại những khoảnh khắc cuối cùng của Người vui đón Xuân cùng đồng bào và chiến sĩ Thủ đô.
 
Ngày 16/2/1969 (tức sáng mùng 1 Tết): 6h30’ sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng đến thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Phòng không, Không quân tại sân bay Bạch Mai, Hà Nội. Tại Hội trường lớn, Người đã gặp gỡ, nói chuyện với đại biểu các anh hùng, chiến sĩ thi đua, đại biểu các đơn vị có thành tích trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu. 11h, Người đến thăm và chúc Tết nhân dân xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Tây (Hà Nội ngày nay). Người cùng nhân dân xã Vật Lại khai xuân trồng cây trên đồi của xã. Buổi trưa, dưới bóng cây bạch đàn trên đồi Vật Lại, Người thân mật nói chuyện và chúc Tết nhân dân địa phương. Người nói: “Các cụ thì biết chuyện cũ, chuyện mới, nhưng các cháu ngày nay chỉ biết chế độ dân chủ cộng hòa. Đất nước ta bây giờ là của ta, cho nên cần phải thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi”. Cây đa ở Vật Lại là cây cuối cùng do Bác trồng đã trở thành kỷ vật thiêng liêng, niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, nhân dân Vật Lại nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Người dân xã Vật Lại luôn coi cây đa là biểu tượng được "rợp mát trong tình thương của Người".
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng cây ở xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Nội, mở đầu Tết trồng cây lần thứ 10, nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Dậu, ngày 16/2/1969 (mồng 1 Tết).
Ảnh: BTHCM

Trở lại Thủ đô sau 9 năm trường kỳ kháng chiến ở Việt Bắc, trải qua 15 năm sống và làm việc tại Hà Nội, cứ mỗi dịp đón Tết cổ truyền của dân tộc, Người luôn dành trọn những ngày nghỉ của mình để đi thăm và chúc Tết đồng bào, chiến sĩ. Đặc biệt là những đêm Giao thừa, Người thường ghé thăm những người lao động nghèo mà không có sự chuẩn bị từ trước. Những lần gặp Người đó là kỷ niệm không bao giờ phai nhạt trong ký ức của người dân cũng như các cán bộ và chiến sĩ Thủ đô.

Sưu tập ảnh Chủ tich Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết ở Thủ đô Hà Nội hiện đang lưu giữ tại kho Cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh là một trong những sưu tập ảnh có giá trị lịch sử mang đậm tính nhân văn. Qua những hình ảnh trong sưu tập, chúng ta cảm nhận được tấm lòng nhân ái, sự quan tâm chu đáo và tình thương bao la vô bờ bến của Người dành cho các tầng lớp nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Thủ đô Hà Nội nói riêng. Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam suốt đời hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, tên Người sống mãi với non sông đất nước và trong lòng người dân Thủ đô Hà Nội.
Giang Hà
(Đặc san thông tin tư liệu, số 57, tháng 12/2018)
 
Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi