2. Về các chính sách của nhà nước đối với "vấn đề phụ nữ" và vai trò, vị trí của phụ nữ trong xã hội (từ sau Cách mạng Tháng Mười đến năm 1991).
Một chính sách đặc biệt của nhà nước liên quan đến phụ nữ đã xuất hiện trong thời chính quyền Xô viết. Nhằm giải quyết "vấn đề phụ nữ", nhà nước Xô viết đã thiết lập các quyền bình đẳng về chính trị và dân sự của phụ nữ với nam giới. Trong những năm 1920, một số sắc lệnh và nghị định đã được thông qua liên quan đến luật lao động, bảo vệ lao động nữ, đảm bảo quyền bình đẳng của vợ chồng trong gia đình. Nước Nga Xô viết đã đi trước thời đại khi thực hiện các biện pháp để “giải phóng” phụ nữ, cũng như đưa ra các hướng dẫn cho phong trào nữ quyền quốc tế. Dù sao, việc giải quyết "vấn đề phụ nữ" đã phụ thuộc vào lợi ích của nhà nước ở các giai đoạn phát triển khác nhau.
Khi bắt đầu các cuộc cải tạo cách mạng, trong điều kiện của Nội chiến và sự phục hồi của nền kinh tế quốc dân sau đó, những người bônsêvích ngầm ý rằng để “giải quyết vấn đề phụ nữ” thì trước hết là “giáo dục cộng sản” một cách cấp tốc cho phụ nữ. Lao động nữ và nữ nông dân đã tích cực gia nhập hàng ngũ của Đảng, tham gia vào lĩnh vực xây dựng kinh tế và hành chính công. Tất cả các tổ chức phụ nữ "tư sản" chủ trương bảo vệ quyền phụ nữ đã bị giải thể.
Năm 1919, để thu hút lao động nữ và nữ nông dân vào Đảng, một bộ máy nhà nước đặc biệt được thành lập để giải quyết công việc giữa phụ nữ và các đoàn thể phụ nữ. Ban Phụ nữ trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng do những người bônsêvích nổi tiếng và những người đứng đầu của phong trào phụ nữ vô sản như I. F. Ácmanđơ và A.M. Côlôntai lãnh đạo. Phong trào của các đại biểu do các đoàn thể phụ nữ tổ chức, được những nữ nông dân và lao động nữ bầu lên đã tạo điều kiện giáo dục phụ nữ thành người công dân, “người lao động tích cực” và “người mẹ thành công”. Trong nỗ lực thu hút phụ nữ tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhà nước tuyên truyền đầy đủ việc giải phóng phụ nữ và sự độc lập của họ trong kinh tế và đời sống. Hệ thống hạn ngạch bí mật từ năm 1919 đã thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ trong cơ cấu tổ chức của Đảng và các cơ quan Chính phủ. Tuy nhiên, vai trò thực sự của họ chỉ bị giảm khi tham gia phê chuẩn các quyết định của giới cầm quyền. Nam giới vẫn chiếm ưu thế trong các cơ quan của Đảng và cơ quan kinh tế của Liên Xô.
Trong những năm 1920 - 1930, trước mối đe dọa ngày càng tăng của một cuộc chiến tranh thế giới mới, nhiều công trình công nghiệp khổng lồ được xây dựng và đây cũng là thời điểm khó khăn trong việc vận động phụ nữ tham gia xây dựng kinh tế và sự chuẩn bị của họ để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Ngay trong năm 1934, I.V. Xtalin đã tuyên bố “vấn đề phụ nữ” ở Liên Xô đã được giải quyết. Trong những năm tiếp theo, tất cả các sáng kiến xã hội của phụ nữ đều chịu sự kiểm soát của nhà nước. Sau khi giải thể các đoàn thể phụ nữ và loại bỏ các khái niệm như: “phong trào của phụ nữ”, “các mối quan tâm của phụ nữ”, “các quyền lợi của phụ nữ” khỏi các chiến dịch tuyên truyền trong một thời gian dài, Chính phủ Liên Xô đã phá vỡ truyền thống bảo vệ phụ nữ bằng các quyền của họ. Bây giờ, việc tuyên truyền về cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng của phụ nữ được dựa trên những lời kêu gọi họ tham gia vào các ngành nghề mang đặc thù của “nam giới” và “quân đội”. Đồng thời, giống như một nghĩa vụ xã hội, phụ nữ phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện nghĩa vụ làm mẹ. Trong những năm 1930, một loạt các biện pháp đã được đưa ra để giúp đỡ một bà mẹ đang làm việc. Nhà nước một lần nữa bắt đầu phát huy ý tưởng của “gia đình bền vững”. So với những năm 1920, thủ tục ly hôn đã được thắt chặt, việc phá thai bị cấm.
Đội khúc côn cầu nữ của Hội thể thao “ Dynamo”, Leningrad, năm 1935
Cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại trở thành một thử thách khó khăn đối với phụ nữ. Phụ nữ Xô viết đảm trách nhiều chuyên ngành mang đặc thù “nam giới” trong sản xuất quốc phòng ở hậu phương và trong việc bảo vệ Tổ quốc trên chiến trường: họ là bác sĩ, phi công, lính bắn tỉa, trinh sát, lái xe, lái máy kéo, thợ luyện kim. Phụ nữ đã giữ một vai trò to lớn trong thời kỳ hậu chiến, trong những năm phục hồi nền kinh tế quốc dân bị tàn phá.
Kể từ giữa những năm 1950, nhằm chống lại sự suy giảm đáng kể về tỷ lệ sinh của đất nước, nhà nước đã đặc biệt chú ý đến việc hỗ trợ và thúc đẩy việc làm mẹ. Đồng thời, lao động nữ tiếp tục chiếm một vị trí quan trọng trong nền kinh tế Liên Xô. Việc cổ động và tuyên truyền trong những năm 1950 - 1980 đã tạo ra hình ảnh người phụ nữ Xô viết vừa làm tốt vai trò của người mẹ lại vừa tham gia tích cực vào đời sống sản xuất và chính trị - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, sự kết hợp các chức năng của một người lao động và người mẹ đã trở thành gánh nặng đối với người phụ nữ, và sự bình đẳng nam, nữ trên thực tế đã không đạt được. Người phụ nữ kết hợp các hoạt động nghề nghiệp của mình với công việc nội trợ, chăm sóc gia đình và trẻ em thì lại có ít cơ hội phát triển trình độ nghiệp vụ và thăng tiến. Nam giới thường nắm giữ các vị trí lãnh đạo trong các lĩnh vực sản xuất khác nhau và nữ giới thường bị buộc phải tham gia vào các công việc không đòi hỏi tay nghề cao và được trả lương thấp. Lương của nữ giới trong những năm 1950 - 1980 tính trung bình chỉ bằng 2/3 so với nam giới.
Một nhóm nữ đại biểu tham dự Đại hội lần thứ 24 Đảng Cộng sản Liên Xô, Moskva, năm 1971
Những người phụ nữ Liên Xô, theo như tuyên bố của của cơ quan tuyên truyền thì đã được trao tất cả các quyền và mọi con đường đều được mở ra cho họ. Trong những năm 1950 - 1980, tỷ lệ phụ nữ là đảng viên của Đảng Cộng sản tăng dần: đến cuối những năm 1980, họ chiếm khoảng một phần ba số đảng viên. Tuy nhiên, trong các cơ quan hàng đầu của Đảng, số lượng của họ không đáng kể: trong Ban Chấp hành Trung ương - khoảng 3-4%. Thành phần của Đoàn Chủ tịch (Bộ Chính trị) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô trong toàn bộ giai đoạn từ năm 1953 đến năm 1991 chỉ có hai phụ nữ là Ủy viên, đó là E. A. Phurơxeva (1957 - 1961) và G.V. Xemenôva (1990 - 1991). Theo quy định, phụ nữ được đảm nhiệm các vai trò thứ yếu trong các cơ quan chính quyền và cơ quan lãnh đạo, để không cho phép họ tác động đến việc thông qua các quyết định quan trọng của nhà nước. Hình thức duy nhất của hoạt động xã hội đặc biệt mang tính “nữ giới” là tham gia các chiến dịch tuyên truyền để đấu tranh vì hòa bình quốc tế. Hoạt động này do Ủy ban Phụ nữ Xô viết chỉ đạo và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng kiểm soát toàn bộ.
Từ năm 1985 đến năm 1991, thời kỳ cải tổ, trong bối cảnh bắt đầu cải cách dân chủ ở Liên Xô, phụ nữ đã có cơ hội để tham gia các hoạt động chính trị và xã hội một cách thực sự. Họ tích cực tham gia vào công việc của nhiều tổ chức công cộng, các đảng chính trị, các tổ chức phi lợi nhuận, các đoàn thể và hội đồng phụ nữ, cũng như trong các hoạt động của các cơ quan chính quyền và cơ quan lãnh đạo. Trong nước đã xuất hiện trở lại các nữ chính trị gia sáng giá như G.V. Xtarôvôitôva, V.I. Nôvốtvôrskaia. Đồng thời, tình cảnh của hàng triệu phụ nữ Xô viết được thể hiện một cách tiêu cực trong bối cảnh gia tăng những khó khăn kinh tế vào cuối những năm 1980 - đầu những năm 1990.
3. Về "vấn đề phụ nữ" ở nước Nga hiện đại:
Ở nước Nga hiện đại, phụ nữ chiếm đa số với khoảng gần 53,6% dân số và 48,6% lực lượng lao động của đất nước - chính thức được ban cho quyền bình đẳng với nam giới. Lao động nữ có mặt trong mọi lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế hiện đại gồm có: 6% giữ vị trí lãnh đạo trong các cơ quan và doanh nghiệp, 31% giữ các chức vụ đòi hỏi trình độ nghiệp vụ cao (giáo viên, bác sĩ, nhân viên khoa học và văn hóa), 16% giữ các chức vụ yêu cầu trình độ nghiệp vụ thấp hơn, 22% làm việc trong các ngành dịch vụ và thương mại, khoảng gần 20% làm việc trong ngành công nghiệp và nông nghiệp. Phụ nữ đại diện trong các cơ quan lập pháp gồm có: 17,8% trong Hội đồng Liên bang, 15,9% trong Đuma Quốc gia, 12,5% tham gia trong Chính phủ Liên bang Nga.
Cuộc mít tinh bảo vệ quyền phụ nữ. Xanh Pê téc pua, năm 2019
Qua nội dung triển lãm, chúng ta nhận thấy mặc dù về mặt pháp lý, phụ nữ Xô viết (trước đây) và phụ nữ Nga hiện nay đã hoàn toàn bình đẳng về mọi mặt so với nam giới. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn đang còn tồn tại những lực cản đối với việc thực hiện các quyền của phụ nữ trên phương diện là người công dân, người lao động và người mẹ. Chính vì vậy, để thực thi đầy đủ và trọn vẹn các quyền dân sự và chính trị của mình, đòi hỏi phụ nữ phải tiếp tục có hành động tích cực, can đảm, hiểu biết lẫn nhau và đoàn kết hơn nữa.
Lê Hoàng Lê
Bảo tàng Hồ Chí Minh