Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Cần định kỳ đổi mới nội dung thuyết minh về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày đăng: 03:38 12/03/2020
Lượt xem: 2.726

Theo nguyên tắc bảo tàng học, cứ định kì 5 đến 10 năm cần đổi mới nội dung và hình thức trưng bày, nhằm phục vụ và thu hút khách tham quan. Mà đã đổi mới hiện vật và giải pháp mỹ thuật thì đương nhiên phải đổi mới nội dung hướng dẫn tham quan. Tuy nhiên, điều tưởng như tất yếu ấy lại không dễ đối với trưng bày di tích và cả đối với trưng bày cố định của Bảo tàng Hồ Chí Minh. Lý do là vì hàng nhiều chục năm, trưng bày bảo tàng và trưng bày di tích không mấy thay đổi. Vậy thì có cần thiết định kì đổi mới thuyết minh về Chủ tịch Hồ Chí Minh hay không? 

Là người đã theo dõi các bảo tàng và di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh mấy chục năm, tôi xin đề nghị như sau:
Do đặc thù của trưng bày bảo tàng và di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, quả là khó có thể định kì thay đổi trưng bày. Tuy vậy, dù chưa thay đổi trưng bày, nhưng trong các bài hướng dẫn truyền tải đến khách tham quan, để phù hợp với xu thế mới, nhận thức mới, thông tin mới, kết quả nghiên cứu mới về Hồ Chí Minh, các cán bộ thuyết minh vẫn cần lưu ý đến việc xây dựng những nội dung thuyết minh mới. Trước mắt, tôi xin đề xuất một số ý kiến cụ thể như sau:

1. Về gia cảnh nhà Cụ Nguyễn Sinh Sắc 

Do ảnh hưởng của “Chủ nghĩa thành phần” mà khoảng 50-60 năm trước đây, khi viết về tiểu sử lãnh tụ, các tác giả thường có xu hướng làm cho gia đình các đồng chí lãnh đạo“nghèo đi”. Tại một cuộc hội thảo về Tổng Bí thư Lê Hồng Phong mà tôi có may mắn được tham dự, đồng chí Bí thư Huyện ủy quê hương Lê Hồng Phong đã phải đề nghị: “các nhà khoa học viết Lê Hồng Phong xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo là không chính xác. Tôi đang giữ gia phả và bằng sắc của gia đình. Bố Lê Hồng Phong là Chánh Tổng… Đây là một Chánh Tổng yêu nước”.
 
Rất may khi viết về tiểu sử Hồ Chí Minh, các nhà khoa học ngay từ những tập sách đầu tiên đã có một cách tiếp cận đúng. Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tiểu sử và sự nghiệp do Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương biên tập và xuất bản, tái bản hàng chục lần, viết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước”[1] .           
Sách Hồ Chí Minh Tiểu sử do tập thể cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh biên tâp, xuất bản lần đầu năm 2008, đến năm 2017 đã được nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật tái bản lần thứ tư, mỗi lần hàng nghìn bản, viết rõ hơn: Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra “trong một gia đình nhà Nho, nguồn gốc nông dân”[2] .
 
 

Cán bộ hướng dẫn tham quan thuyết minh giới thiệu về các tài liệu, hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: BTHCM

     
Cụ Nguyễn Sinh Nhậm, ông nội Chủ tịch Hồ Chí Minh, là đời thứ 10 của họ Nguyễn Sinh ở Kim Liên. Ông Nguyễn Sinh Tuấn, là cháu đời thứ 4 của Cụ Nguyễn Sinh Nhậm (tức đời thứ 14 của dòng họ Nguyễn Sinh ở Kim Liên) có tặng tôi một cuốn sách kể về Cao tổ Nguyễn Sinh Nhậm. Theo sách thì Cụ Nguyễn Sinh Nhậm đã từng làm Lí trưởng làng Kim Liên. Có “gia thế 15 mẫu ruộng, 5 mẫu vườn, nhà ngói, sân gạch”[3] . Cụ Nguyễn Sinh Nhậm trước khi qua đời cũng làm chúc thư giao tài sản cho vợ hai là bà Hà Thị Hy và con trai Nguyễn Sinh Sắc: “hai ngôi nhà tranh, 5 sào vườn, 3 mẫu ruộng”[4] .
Như thế, các sách tiểu sử nêu trên viết về gia cảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tôn trọng sự thật và viết liều lượng vừa phải, song đâu đó, trong khi thuyết minh, một số bạn hướng dẫn viên vẫn theo tư duy cũ, cố gò gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh như một gia đình nông dân nghèo. Xin các bạn lưu ý là nhà Nho, nguồn gốc nông dân thì không thể được coi là giàu có, nhưng cũng đừng gán cho là nghèo khó so với mặt bằng chung của thôn quê. Cái ta cần khai thác từ gia cảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự thanh bạch, gần gũi, chia sẻ, đồng cam cộng khổ với xóm giềng.

2. Về việc ông Nguyễn Sinh Sắc ở trong nhà Cụ Hoàng Xuân Đường

Lâu nay, các bài thuyết minh thường dẫn dắt người nghe từ chỗ ông Nguyễn Sinh Sắc bị mồ côi cha mẹ từ rất sớm. Sau khi mẹ mất, Nguyễn Sinh Sắc ở với vợ chồng anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Sinh Trợ (tức Nguyễn Sinh Thuyết), nhưng anh Trợ nhà nghèo, đông con nên ông Sắc thất học và phải đi ở cho nhà thầy giáo Hoàng Xuân Đường. Trên cơ sở nội dung chung đó, có hướng dẫn viên còn làm cho sinh động hơn khi mô tả chị dâu đông con, nghèo khó, làm lụng vất vả nên có khi cay nghiệt với em chồng! 
Sách Hồ Chí Minh Tiểu sử do GS. Song Thành chủ biên viết: Nguyễn Sinh Sắc lên 3 tuổi mồ côi cha, lên 4 tuổi mồ côi mẹ. “Do cha mẹ mất sớm, từ nhỏ Nguyễn Sinh Sắc đã phải chăn trâu, cắt cỏ, lao động giúp anh. Mặc dù cuộc sống khó khăn vất vả nhưng Nguyễn Sinh Sắc rất ham mê học tập, trong làng ai cũng khen. Tiếng đồn lan khắp xã. Cụ Hoàng Xuân Đường thương một thiếu niên mồ côi, quý đức tính cần cù, ham học, lại hiểu rõ gia cảnh của Nguyễn Sinh Sắc, bèn bàn với người anh Nguyễn Sinh Thuyết xin đem về nuôi, cho ăn học”[5] . 
Chúng tôi tán thành cách viết như GS. Song Thành, bởi thực tế chúng tôi tìm hiểu việc ông Nguyễn Sinh Sắc đến ở trong nhà thầy giáo Hoàng Xuân Đường đúng như GS. Song Thành trình bày. Còn việc ông Sắc chăn trâu, cắt cỏ, lao động giúp anh chị từ khi còn bé là điều bình thường ở nông thôn Việt Nam. Nhà nào có giáo dục đều như vậy.
Đề nghị các bạn thuyết minh đừng diễn giải việc ông Nguyễn Sinh Sắc đến ở nhà Cụ Hoàng Xuân Đường như kiểu đi ở đợ, làm thuê, mà nên làm rõ đây như là một sự nhận con nuôi. Cũng không nên để người nghe hiểu lí do việc đến làm con Cụ Đường là vì mồ côi, không tài sản, không nơi nương tựa. Nói như thế, vừa không đúng sự thật, vừa vô tình xúc phạm tình cảm của dòng họ Nguyễn Sinh. 

3. Về những sở thích riêng của Bác Hồ

Đúng là có khi: “Người thường để lại đĩa thịt gà mà ăn trọn mấy quả cà Xứ Nghệ” như nhà thơ Việt Phương xúc động kể. Nhưng chúng ta đừng bao giờ cường điệu những chất thơ ấy, đừng bao giờ cố tình mô tả Hồ Chí Minh như một người cộng sản khổ hạnh. Đúng là Người vô cùng giản dị, vô cùng tiết kiệm, luôn đồng cam cộng khổ với mọi người. Chúng ta chỉ cần thuyết minh đúng như cuộc đời thực của Bác, tránh cường điệu, tránh cực đoan. Thực tế đúng là Bác rất thích những món ăn truyền thống quê hương: Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn, cà Xứ Nghệ, cá bống kho gừng… song để đảm bảo dinh dưỡng, Văn phòng Phủ Chủ tịch không thể chỉ phục vụ Bác những món ăn truyền thống ấy. Hồi chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, khi mọi người mua lương thực, thực phẩm theo chế độ tem phiếu, Bác cũng có tem phiếu và trong khuôn viên Phủ Chủ tịch các nhân viên văn phòng và anh em cảnh vệ luôn chăm chỉ tăng gia. Vườn lúc nào cũng đủ rau xanh, gà trong chuồng, cá dưới ao… mùa nào thức ấy, không hề thiếu. Cái chúng ta cần khai thác tuyên truyền không phải chỉ là sự tiết kiệm (nhưng tuyệt đối tránh diễn giải đến mức cực đoan), mà là sự không lợi dụng, không lạm dụng quyền lực, thậm chí sử dụng phương tiện ăn, ở, đi lại... dưới mức tiêu chuẩn cho phép, luôn xa lạ với thói xa hoa, lãng phí… của vị Chủ tịch nước liên tục 25 năm trên đỉnh cao quyền lực, điều mà mọi người, đặc biệt người có chức quyền cần học tập.
Trong các khu di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh, có muôn vàn câu chuyện mà mọi khách tham quan muốn được nghe. Do đó, việc chọn câu chuyện phù hợp với thành phần, lứa tuổi,... là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, cũng nên lưu tâm là mỗi câu chuyện lại rất cần phù hợp với bối cảnh xã hội chung. Đừng bao giờ chạy theo thị hiếu, lại càng đừng bao giờ để câu chuyện trở nên lạc lõng. Tôi rất tâm đắc và trân trọng lời phát biểu của đồng chí Vũ Kỳ với đoàn cán bộ văn nghệ sĩ do đồng chí Nguyễn Đình Thi dẫn đầu vào thăm nhà Bác Hồ năm 1970: “Sau khi Bác qua đời, cả nước thương tiếc, thế giới chia buồn, tất cả những tình cảm trìu mến, kính phục được nói lên bằng những lời tốt đẹp nhất, cho nên bây giờ nói và viết thêm một mẩu chuyện không phải để làm cho Bác của chúng ta vĩ đại hơn, càng không nên để thỏa mãn tò mò cho một số người nào đó, mà cốt để thúc đẩy cán bộ và nhân dân, nhất là đông đảo những người đang sản xuất và chiến đấu noi gương Bác hăng hái tiến lên”.

4. Nên khai thác nội dung Bác Hồ quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường

Một nội dung rất quan trọng để kết nối thế giới hôm nay chính là tầm nhìn đi trước thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường sinh thái. Chúng ta đều biết chuyện Người tự tay nâng niu chăm sóc những cây giống do đồng bào miền Nam gửi tặng. Người tôn trọng từng cây xanh sẵn có nơi Người ở. Đi công tác nước ngoài Người cũng dặn xin giống cây xanh bốn mùa về gieo trồng, để vừa đỡ sức lao động của các cháu lao công, vừa giữ cho không gian bốn mùa tươi tốt. Từ năm 1959, Người đã phát động Tết trồng cây, chỉ đạo ngành Lâm nghiệp thực hiện chương trình phủ xanh đất trống, đồi trọc và đến những lời dặn lại trong Di chúc, bên cạnh những điều lớn lao nói về Đảng, về giải phóng miền Nam, về chăm sóc nhân dân, về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, về phong trào Cộng sản quốc tế... khi nói về việc riêng, Bác cũng không quên dặn: sau khi hỏa táng Bác: “Tro xương thì tìm một quả đồi mà chôn. Gần Tam Đảo và Ba Vì như hình có nhiều đồi tốt. Trên mộ, nên xây một cái nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi.
Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”[6] .

5. Về quan hệ quốc tế

Trong mười lăm năm sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có các hoạt động quốc tế cực kì phong phú và hiệu quả. Song, 50 năm sau ngày Người về cõi vĩnh hằng, thế giới đã có sự thay đổi chóng mặt. Thế giới không còn hai phe. Liên Xô đã sụp đổ. Trung Quốc hết gây ra chiến tranh xâm lược phía Bắc 1979, kích động chiến tranh Tây Nam, sau khi bình thường hóa năm 1991, năm 2008 đã thiết lập với Việt Nam quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, hiện nay lại đòi hỏi chủ quyền vô lí ở Bãi Tư Chính thuộc thềm lục địa Việt Nam. Hoa Kỳ từ một kẻ đi xâm lược, năm 2013 đã trở thành đối tác toàn diện... Vậy phải đổi mới thuyết minh ra sao trong khi vừa phải tôn trọng lịch sử, vừa phải phù hợp với tình hình quốc tế sôi động hàng ngày. Hơn bao giờ hết, những nguyên lí chúng ta đã được trang bị trong các bài học về duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, nhất là quan điểm lịch sử cụ thể cần được vận dụng sát hợp. Tôi chưa rõ các bạn đã đổi mới nội dung thuyết minh về quan hệ quốc tế ra sao, nhưng chắc chắn vẫn phải lên án tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai, vẫn phải nêu khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vẫn phải nêu tình cảm của Bác Hồ với bè bạn năm châu, với nhân dân Liên Xô, Trung Quốc... Tuy nhiên liều lượng đến đâu, nói với đối tượng nào, cần hết sức cân nhắc. Các hướng dẫn viên cần quán triệt sâu sắc quan hệ Đối tác - Đối tượng được Ban Chấp hành Trung ương thông qua tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI); Nghị quyết số 28-NQ/TW ban hành ngày 25-10-2013, về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới: “Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác; bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng. Mặt khác, trong tình hình diễn biến nhanh chóng và phức tạp hiện nay, cần có cách nhìn biện chứng: Trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong mỗi đối tác có thể có mặt mâu thuẫn với lợi ích của ta cần phải đấu tranh”[7] .
Chúng ta cần liên hệ với Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao để thường xuyên cập nhật các kiến thức về quan hệ quốc tế. Ðến nay, Ðảng ta có quan hệ với 245 chính đảng ở 111 quốc gia, trong đó có 96 Đảng cộng sản, 63 Đảng cầm quyền, 28 Đảng tham gia liên minh cầm quyền, tham chính. Xét ở góc độ hệ tư tưởng, việc mở rộng quan hệ với các lực lượng chính trị không phân biệt ý thức hệ phản ánh quá trình đổi mới tư duy về đối ngoại. Chính yếu tố cụ thể này đã và đang góp phần mở rộng không gian đối ngoại của Ðảng ta, góp phần củng cố mạnh mẽ nền tảng chính trị quan hệ đối ngoại nói chung và quan hệ hợp tác với từng đối tác cụ thể, trên cả kênh đối ngoại Ðảng và ngoại giao Nhà nước[8] .
Hiện nay, Ðảng ta tiến hành quan hệ với nhiều đối tác quan trọng, có mối liên hệ chặt chẽ với lợi ích quốc gia - dân tộc và quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống. Có thể phân tách các đối tác quan hệ Ðảng theo từng nhóm như sau: Nhóm các đảng ở nước láng giềng có chung biên giới với Việt Nam; nhóm các đảng có quan hệ hữu nghị truyền thống; nhóm các đảng cộng sản, công nhân, cánh tả, cách mạng tiến bộ; nhóm các đảng ở các nước phát triển. Thông qua các cơ chế hợp tác, nền tảng chính trị trong quan hệ đối ngoại với các đối tác không ngừng được củng cố và phát triển.
Lúc sinh thời, đồng chí Vũ  Kỳ thường nhắc chúng tôi mỗi khi nói, viết về điều gì, đều phải tự trả lời 3 câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? và Viết như thế nào? 
Chúng tôi đã chứng kiến nhiều lần các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình tới đề nghị đồng chí Vũ Kỳ thẩm định các tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có lần tôi mạnh dạn hỏi vui: “Nếu sau này Bác Hồ gọi Chú đi rồi, các cơ quan nhờ Bảo tàng thẩm định, thì chúng cháu làm thế nào?”. Ông nhìn tôi nheo mắt cười, trả lời rất giản dị: “Mình cho các cậu một cái cẩm nang, đó là phải đọc kĩ, rồi đánh giá tư liệu đó theo 3 tiêu chí: có hợp lí không? có logic không? và có tác dụng giáo dục không? Trong đó, tiêu chí thứ 3 là quyết định nhất”.  
Đối chiếu với những chỉ dẫn của đồng chí Vũ Kỳ, tôi cho rằng nhất định phải thường xuyên, kịp thời căn cứ tình hình mới, kết quả nghiên cứu mới hay nói rộng hơn là xu thế xã hội mà điều chỉnh nội dung trưng bày, hoặc ít nhất cũng phải bổ sung hoặc thay đổi nội dung thuyết minh cho phù hợp. Tôi nghĩ rằng các bạn thuyết minh cần định kỳ bổ sung các bài thuyết minh chuẩn, để không bị động, lạc lõng với xu thế phát triển, phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế. Đây là việc tất yếu, vì xã hội luôn biến đổi và phát triển không ngừng, chúng ta làm bảo tàng - di tích không có nghĩa chỉ phục vụ khách tham quan một sản phẩm không biến đổi. Tuy nhiên, đây là việc cực khó, vì làm sao vừa phải tôn trọng sự thật lịch sử, vừa đảm bảo tính Đảng, tính khoa học. Song tôi tin rằng, với một người thì có thể khó, nhưng với cả tập thể, nhất định sẽ làm được.
 Làm được như thế, bảo tàng - di tích sẽ không xơ cứng, sẽ không đơn điệu cũ kĩ. Tuy nhiên, cũng chính đồng chí Vũ Kỳ đã cảnh báo: `Không nên để thỏa mãn tò mò cho một số người nào đó, và trên hết là tuyệt đối không được chạy theo thị hiếu tầm thường, phi chính trị, phi lịch sử./. 
---
 [1] Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tiểu sử và sự nghiệp, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.14.
 [2] Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh Tiểu sử, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr.9. 
 [3] Nguyễn Sinh Tuấn - Hoàng Chỉnh: Chuyện kể về Cao Tổ Nguyễn Sinh Nhậm, Ông nội Chủ tịch Hồ Chí Minh và hậu duệ với nhiều tấm gương rèn luyện giáo dục con cái, Bản thảo in vi tính lưu hành nội bộ, 2016, tr.18.
[4] Nguyễn Sinh Tuấn - Hoàng Chỉnh: Chuyện kể về Cao Tổ Nguyễn Sinh Nhậm, Ông nội Chủ tịch Hồ Chí Minh và hậu duệ với nhiều tấm gương rèn luyện giáo dục con cái, Sđd, tr.22.
[5] Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Song Thành chủ biên, Hồ Chí Minh Tiểu sử, Nxb. Lý luận chính tri, Hà Nội, 2006, tr.18.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr. 613.
[7] Trích Ban Chấp hành Trung ương thông qua tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI)  - Nghị quyết 28NQ/TW (25-10-2013).
Theo Bách khoa Toàn thư mở Wkipedia, đến nay, Việt Nam đã ký quan hệ đối tác với 30 nước, như sau: 
- Đối tác chiến lược toàn diện với 3 quốc gia gồm: Trung Quốc (2008), Liên bang Nga (2012), Ấn Độ (2016);
- Đối tác chiến lược với 13 quốc gia gồm: Nhật Bản (2006), Hàn Quốc (2009), Tây Ban Nha (2009), Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (2010), Đức (2011), Ý (2013), Pháp (2013), Indonesia (2013), Thái Lan.(2013), Singapore (2013), Malaysia (2015), Philippines (2015), Úc (2018); 
- Đối tác toàn diện với 14 quốc gia, gồm Nam Phi (2004), Venezuela, Chile, Brasil (2007), New Zealand (2009), Argentina (2010), Ukraina (2011), Hoa Kỳ, Đan Mạch(2013), Myanmar, Canada (2017), Triều Tiên (2018), Brunei, Hà Lan (2019).
[8] Lê Tùng, Ban đối ngoại Trung ương, Những dấu ấn đối ngoại của Đảng năm 2018, Nhandan online, Thứ bảy, 29-12-2018.

 

TS. Chu Đức Tính

Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh

 
Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi