Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến dịch Điện Biên Phủ
Ngày đăng: 12:44 08/05/2020
Lượt xem: 31.154

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của cả dân tộc; trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, Người cũng là vị chỉ huy tối cao. Trong suốt thời gian chỉ huy chiến dịch, Bác Hồ đã tham dự và chủ tọa nhiều cuộc họp của Bộ Chính trị để nhận định, đánh giá tình hình diễn ra trên mặt trận, chỉ đạo sát sao không chỉ trên chiến trường Điện Biên Phủ mà trên cả các chiến trường phối hợp trong cả nước nhằm phục vụ cho việc giành thắng lợi ở Điện Biên Phủ.

 
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trước hết là thắng lợi của đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn và sáng tạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh là linh hồn của Đảng ta trong việc vạch ra đường lối, chủ trương kháng chiến đúng đắn, sáng tạo và là người chỉ đạo sát sao, giáo dục động viên, cổ vũ kịp thời quân dân ta trong suốt cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 và trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
 

Chiều 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến-Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, đánh dấu thời khắc của chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.” (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

 
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trước hết là thắng lợi của đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn và sáng tạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Tháng 10/1953, trong buổi họp của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ở Tỉn Keo, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên bàn về kế hoạch chiến lược Đông Xuân 1953-1954, do Bác Hồ chủ trì, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày về ý đồ táo tợn của tướng Pháp H.Nava là tập trung một lực lượng cơ động rất lớn ở đồng bằng Bắc Bộ để khiêu chiến, làm tiêu hao chủ lực của ta, tạo điều kiện để giành quyền chủ động và tiến tới giành một thắng lợi quyết định trong vòng 18 tháng.
 
Bác nghe chăm chú rồi nói: “Địch tập trung quân cơ động để tạo sức mạnh. Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn.” Bàn tay Bác mở ra, mỗi ngón trỏ về một hướng. Theo tư tưởng chỉ đạo ấy, ta đã nghiên cứu kế hoạch Đông Xuân, cho những bộ phận chủ lực của ta tiến về 5 hướng chiến lược nhằm những nơi hiểm yếu và tương đối yếu của địch, chọn hướng chính là Lai Châu ở Tây Bắc.
 
Tháng 1/1954, Bác đã căn dặn thêm Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước ngày đồng chí ra mặt trận: “Cần nắm chắc nghị quyết của Trung ương và chủ trương của Bộ Chính trị là: “Đánh chắc thắng.”
 

17h30 phút ngày 13/3/1954, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra lệnh nổ súng tấn công Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

 
Bác đã tặng cờ “Quyết chiến Quyết thắng” làm giải thưởng luân lưu để khích lệ mọi người, lập công trong chiến dịch. Tết đến, Bác đã gửi tặng mỗi cán bộ, chiến sỹ ở mặt trận một chiếc ca rất đẹp có in đậm hai hàng chữ đỏ tươi: “Kiên quyết làm tròn nhiệm vụ.”
 
Chiến dịch Điện Biên Phủ là một trận quyết chiến chiến lược, một cuộc đọ sức toàn diện nhất, quyết liệt nhất giữa ta và địch. Thắng, bại của quân dân ta trong chiến dịch này sẽ có ảnh hưởng lớn đối với dân tộc ta và nhân dân thế giới đang chiến đấu vì độc lập, tự do. Vì vậy, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải có quyết tâm và nỗ lực rất cao.
 
Trong thư gửi đồng chí Võ Nguyên Giáp tháng 12/1953, Bác Hồ viết: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà cả đối với quốc tế. Vì vậy toàn dân, toàn quân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được.”
 
Đầu tháng 1/1954, trước khi lên đường ra mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến Khuổi Tát chào Bác. Bác hỏi: “Chú ra mặt trận lần này có khó khăn gì không?” Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời: “Chỉ khó khăn là xa hậu phương nên khi có vấn đề quan trọng và cấp thiết thì khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị.”
 
Bác nói: “Tổng tư lệnh ra mặt trận, tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền.” Khi chia tay, Bác nhắc: “Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng; chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh.”
 
Những lời dặn dò của Bác là tư tưởng chỉ đạo giúp Đại tướng Võ Nguyên Giáp có căn cứ để xử trí trong quá trình chỉ huy trận đánh.
 

Chủ tịch Hồ Chí Minh họp với Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới (1950). (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp theo tư tưởng Bác Hồ - đã gọi điện cho các binh chủng thông báo chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” và các đơn vị tùy điều kiện cụ thể mà sử dụng binh lực tiêu diệt, tự giải quyết hậu cần…
 
Cũng vào thời gian trên, trong thư gửi cán bộ và chiến sỹ Mặt trận Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: các cán bộ và chiến sỹ ta “Phải chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh: Quyết tâm tiêu diệt địch; Quyết tâm giữ vững chính sách; Quyết tâm giành nhiều thắng lợi.”
 
Quyết tâm chiến lược của Đảng, của Bác Hồ, tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ, đã biến thành ý chí và hành động của toàn quân và dân ta.
 
Đúng 17 giờ ngày 13/3/1954, pháo binh quân đội ta bắn dồn dập vào khu sân bay Mường Thanh và cả 3 cứ điểm của Trung tâm đề kháng ở Him Lam, mở đầu cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
 
Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành chiến dịch Điện Biên Phủ, Bác Hồ đã đặc biệt chăm lo giáo dục tinh thần quyết tâm chiến đấu cho bộ đội.
 

 Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường đi công tác ở Việt Bắc (1951). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

 
Ngay sau Hội nghị Bộ Chính trị bàn về chủ trương tác chiến Đông-Xuân 1953-1954 và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, Bác đã huấn thị cho cán bộ, chiến sỹ tham gia chiến dịch: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng. Các chú phải đánh cho thắng. Tất cả các chú, cán bộ cũng như chiến sỹ đều phải: Quyết tâm chiến đấu, triệt để chấp hành mệnh lệnh; Bền bỉ dẻo dai, vượt qua mọi gian khổ, khắc phục mọi khó khăn; Tiêu diệt thật nhiều địch, giành cho được toàn thắng.”
 
Sức mạnh chiến đấu của quân đội được tạo thành bởi tổng hợp các yếu tố giữa con người và vũ khí, giữa các nhân tố chính trị tinh thần với trình độ tổ chức chỉ huy... trong đó nhân tố chính trị tinh thần, trước hết là ý chí quyết tâm chiến đấu, đóng vai trò rất to lớn.
 
Bác phân tích một cách sâu sắc rằng: “Quyết tâm của Trung ương chưa đủ, còn phải để cho các chú cân nhắc kỹ thấy rõ cái dễ và cái khó để truyền cái quyết tâm đó cho các chú. Trung ương và các chú quyết tâm cũng chưa đủ, mà phải làm cho quyết tâm đó xuống đến mọi người chiến sỹ... Quyết tâm đó phải thành một khối thống nhất từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên.”
 
Đồng thời, Bác cũng luôn thể hiện sự quan tâm, động viên, dạy bảo ân cần đối với cán bộ, chiến sỹ ta từ những vấn đề rộng lớn của chiến tranh và xây dựng vũ trang nhân dân, đến từng việc làm, cách ứng xử cụ thể trong chiến đấu và trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
 

Bộ chỉ huy Chiến dịch Việt Bắc-Thu Đông 1947 báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh kế hoạch tác chiến. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

 
Còn cán bộ, chiến sỹ ta - những người đã trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và cũng là những người đã từng được gặp gỡ và tiếp xúc cùng Bác cũng luôn thể hiện những tình cảm chân thành, lòng biết ơn sâu sắc của mình đối với Bác Hồ muôn vàn kính yêu.
 
Để kịp thời động viên, cổ vũ và tiếp thêm sức mạnh cho quân ta vượt qua khó khăn và đánh thắng quân địch ở Điện Biên Phủ ngay từ trận mở đầu, ngày 11/3/1954, nghĩa là trước khi quân ta nổ súng tiến công trung tâm đề kháng Him Lam 2 ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho các chiến sỹ Mặt trận Điện Biên Phủ.
 
Người căn dặn: “Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang… Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới.”
 
Và, ngay sau khi quân ta tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam và đập tan đợt phản kích của địch hòng chiếm lại Him Lam, ngày 15/3/1954, Bác Hồ lại gửi điện khen ngợi, cổ vũ và căn dặn toàn thể cán bộ và chiến sỹ ở Mặt trận Điện Biên Phủ: “Bác và Trung ương Đảng được báo cáo về hai trận thắng đầu tiên của quân đội ta ở Điện Biên Phủ. Bác và Trung ương Đảng có lời khen các đồng chí. Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng. Địch sẽ ra sức đối phó, ta phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan, khinh địch, giành toàn thắng cho chiến dịch này.”
 
Trong suốt thời gian diễn biến của chiến dịch Điện Biên Phủ (từ 13/3 đến 7/5/1954) Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự và chủ tọa nhiều cuộc họp của Bộ Chính trị để nhận định, đánh giá tình hình diễn ra trên mặt trận, chỉ đạo sát sao không chỉ trên chiến trường Điện Biên Phủ mà trên khắp các mặt trận nhằm phục vụ cho thắng lợi Điện Biên Phủ.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần to lớn cho chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ từ việc hoạch định đường lối cứu nước chung đến việc chỉ đạo từng trận đánh, từng chiến dịch.
 

Chủ tịch Hồ Chí Minh theo dõi chặt chẽ diễn biến trận đánh các cứ điểm địch ở Đông Khê, mở màn Chiến dịch Biên giới (16/9/1950). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

 
Là lãnh tụ của dân tộc, đồng thời là người chỉ huy tối cao của chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ ân cần dạy bảo cán bộ chiến sỹ ta những vấn đề rộng lớn, nói lên những chân lý lớn nhất của thời đại, những quan điểm cơ bản về chiến tranh nhân dân và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, mà còn động viên, chỉ bảo cán bộ, chiến sỹ trong từng chiến dịch, từng trận đánh, từng việc làm và cách cư xử cụ thể.
 
Người đã truyền cho quân và dân ta sức mạnh phi thường của tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” - một niềm tin sắt đá, một ý chí “quyết chiến thắng” vượt qua mọi khó khăn nguy hiểm để giành thắng lợi hoàn toàn.
 
Khi quân ta toàn thắng, Bác đã điện khen ngay và quyết định tặng huy hiệu “Chiến sỹ Điện Biên Phủ ” cho các đồng chí tham gia chiến dịch lịch sử này.
 
Trong các bức thư và điện gửi cán bộ và chiến sỹ ở Mặt trận Điện Biên Phủ, Người xác định rõ: “Điện Biên Phủ là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng.” Người rất vui lòng vì những thắng lợi về tư tưởng và chiến thuật, kỹ thuật, vì bộ đội ta đã anh dũng chiến đấu tiêu diệt nhiều địch ngoài mặt trận.
 

 Đảng ta đã huy động được một lực lượng lớn dân công, đảm bảo hậu cần cho chiến thắng Ðiện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

 
Người động viên bộ đội “Phải chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh.” Và như thường lệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh bao giờ cũng “chờ tin thắng lợi để khen thưởng.”
 
Theo dõi Điện Biên Phủ, nắm tin tức từng ngày, từng giờ, Hồ Chí Minh đã đem tới cho cán bộ và chiến sỹ ngoài mặt trận một sức mạnh lớn lao và niềm tin vào thắng lợi, niềm tin bắt nguồn từ chính Người và lòng tin con người, những cán bộ chiến sỹ ngoài mặt trận: dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc, đồng bào vùng địch tạm chiếm…
 
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và anh dũng của nhân dân cả nước ta, chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp của đế quốc Mỹ. Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. (Chủ tịch Hồ Chí Minh)
 
Người tin ở sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, sự chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Mặt trận. Người có niềm tin tất thắng vì cuộc chiến đấu của chúng ta là một cuộc chiến tranh chính nghĩa để bảo vệ nhân phẩm con người, vì nền độc lập, tự do, hoà bình của nhân loại.
 
Phấn khởi trước sự động viên, cổ vũ của Trung ương Đảng và Bác Hồ, ngày 30/3/1954, quân ta bước vào đợt tiến công thứ hai của chiến dịch Điện Biên Phủ, một đợt tiến công kéo dài và ác liệt. Biết bao nhiêu khó khăn, trở ngại lớn mà quân và dân ta đã gặp phải trong đợt này.
 

Tàu chiến của Pháp bị quân, dân ta đánh đắm trên sông Lô trong chiến dịch Việt Bắc-Thu Đông 1947. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

 
Để khắc phục mọi khó khăn, trở ngại, bảo đảm cung cấp cho tiền tuyến, Bộ Chính trị và Bác Hồ kịp thời ra Nghị quyết, chỉ rõ: “Toàn dân, toàn Đảng, và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện cho Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này.”
 
Được sự chỉ đạo sát sao và được sự giáo dục, động viên, cổ vũ kịp thời của Trung ương Đảng và Bác Hồ, ngày 7/5/1954, quân và dân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ sau 56 ngày chiến đấu liên tục đánh thắng hoàn toàn thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ.
 
Lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng cho quân đội ta tung bay hiên ngang trên nóc hầm sở chỉ huy của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ, báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới.
 
Hết sức phấn khởi trước thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta, ngày 8/5/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc - những người trực tiếp làm nên chiến thắng vĩ đại này.
 

Những lính Pháp cuối cùng lên tàu tại Đồ Sơn để rút khỏi Hải Phòng, ngày 15/5/1955, đánh dấu mốc lịch sử miền Bắc hoàn toàn được giải phóng. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

 
Trong thư, Bác viết: “Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ. Bác và Chính phủ thân ái gửi lời khen ngợi cán bộ, chiến sỹ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang. Thắng lợi tuy lớn, nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để tranh lại độc lập, thống nhất, dân chủ hòa bình. Bất kỳ đấu tranh về quân sự hay ngoại giao cũng đều phải đấu tranh trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn, Bác và Chính phủ sẽ khen thưởng những cán bộ, chiến sỹ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương có công trạng đặc biệt.”
 
10 năm sau, tại Hội nghị Chính trị đặc biệt (3/1964), Bác Hồ đã nói: “... Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và anh dũng của nhân dân cả nước ta, chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp của đế quốc Mỹ. Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Marx-Lenin trong thời đại ngày nay: chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công...”
 

Bác Hồ tặng Huy hiệu “Chiến sỹ Điện Biên” cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. (Ảnh: TTXVN)

 
Việt Nam-Hồ Chí Minh-Điện Biên Phủ - nhân loại tiến bộ đã từng hô vang như vậy. Sợi dây bền chặt liên kết Việt Nam-Hồ Chí Minh-Điện Biên Phủ là tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” - tư tưởng giải phóng con người, lòng tin vào con người và một niềm tin tất thắng không có gì phá vỡ nổi.
 
Hồ Chí Minh là linh hồn của chiến dịch Điện Biên Phủ. Tư tưởng “Tướng quân tại ngoại và đánh chắc thắng” là hành trang của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp nơi chiến trường, đem lại một niềm tin-sức mạnh, nguồn cổ vũ lớn lao, là bó đuốc soi đường đi tới thắng lợi trọn vẹn, vẻ vang.
 

 Ngày 20/7/1954, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ký Hiệp định đình chiến ở Việt Nam. Ngay sau đó, Hiệp định đình chiến ở Lào và Campuchia cũng được ký kết, tại Hội nghị Geneva (Thụy Sĩ). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

 
Ngày 21/7/1954, Hiệp định đình chiến ở Đông Dương được ký kết tại Hội nghị Geneva (Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao của một số nước họp từ 26/4 đến 21/7/1954 tại Geneva, Thụy Sĩ).
 
Để chấm dứt chiến tranh và lập lại hoà bình ở Việt Nam, Hiệp định quy định: Cả hai bên tham chiến cùng thực hiện ngừng bắn tập kết chuyển quân và chuyển giao khu vực; lấy vĩ tuyến 17 (dọc sông Bến Hải) làm ranh giới giữa hai miền. Giới tuyến quân sự chỉ có tính chất tạm thời hoàn toàn không thể coi là ranh giới về chính trị và lãnh thổ.
 
Việt Nam sẽ thực hiện thống nhất bằng Tổng tuyển cử tự do trong cả nước tổ chức vào tháng 7/1956 dưới sự kiểm soát của một ủy ban quốc tế (gồm Ấn Độ, Ba Lan, Canada, do Ấn Độ làm Chủ tịch).
 
Hiệp định Geneva đã chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp có Mỹ giúp sức ở Việt Nam và Đông Dương. Công lao đó là của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, trong đó công lao trước hết thuộc về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Người không chỉ biết tập trung mọi nỗ lực để ngăn chặn chiến tranh khi nó chưa xảy ra mà cả khi chiến tranh đã bùng nổ, Người đã tài tình chỉ đạo, động viên, cổ vũ toàn quân và toàn dân ta ra sức chiến đấu để giành thắng lợi, Người vừa dàn xếp thương lượng vừa tích cực chuẩn bị kháng chiến.
 
Và để có một Hội nghị Geneva thắng lợi, Hồ Chí Minh đã cùng với nhân dân Việt Nam làm nên một Điện Biên Phủ có sức chấn động toàn thế giới./.
 

 Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với một đơn vị bộ đội tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. (Ảnh: TTXVN)

TTXVN

Các bài viết khác

Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi