Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Chuyện kể của một nữ Đại tá Công an về những lần gặp Bác Hồ
Ngày đăng: 03:11 12/03/2020
Lượt xem: 2.649

Ai đó đã nói: "Phía sau thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ". Người phụ nữ tôi từng tiếp xúc đã cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho cách mạng, thành đạt trong sự nghiệp và chăm lo xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc, cháu con trưởng thành, bà là Đại tá Nguyễn Thị Bích Thuận, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh vệ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ) Bộ Công an. Bà còn là người bạn đời, phu nhân của đồng chí Lê Văn Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, bà Nguyễn Thị Bích Thuận vinh dự nhiều lần được gặp và phục vụ trực tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà sinh năm 1922 trong một gia đình công nhân nghèo ở làng Yên Lãng, nay là phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Mẹ mất sớm, cô bé Thuận hồi nhỏ được nuôi dạy trong sự thương yêu của bà nội và bố. Cuối năm 1944, Bích Thuận tham gia Mặt trận Việt Minh và sinh hoạt cùng với các đồng chí Hà Giang, Hoàng Mười. Thoạt đầu, bà là nữ điện thoại viên của Bưu điện Hà Nội, rồi được giao nhiệm vụ làm Bí thư hoạt động trong phong trào Phụ nữ Cứu quốc Liên khu II (trực thuộc Thành uỷ Hà Nội). Đầu năm 1947, bà công tác tại Văn phòng Xứ uỷ Bắc Kỳ. Tại đây, bà gặp và kết hôn với đồng chí Lê Văn Lương. Sau đó, bà được điều lên Việt Bắc, công tác tại Văn phòng Trung ương Đảng…Từ đó, nhiều lần bà được gặp Bác Hồ. 

Gặp Bác Hồ trên chiến khu Việt Bắc

Chúng tôi (cán bộ sưu tầm) gặp bà Nguyễn Thị Bích Thuận đến nay đã mấy năm nhưng tôi còn ấn tượng về bà bởi dáng người thấp đậm, mái tóc bạc trắng như cước và đặc biệt ở giọng nói sang sảng. Khi đó, bà Bích Thuận tuổi đã cao nhưng trí nhớ vẫn minh mẫn. Sau chén trà xanh, bà đưa chúng tôi xem cuốn album, bên trong là nhiều bức hình quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà gia đình bà còn lưu giữ được hơn nửa thế kỷ qua. Cầm bức ảnh lên, bà dần đưa chúng tôi trở về với kỳ Đại hội đại biểu Phụ nữ lần thứ Nhất, bà bồi hồi nhớ lại: Đây là bức ảnh Bác Hồ chụp với Ban trù bị Đại hội đại biểu Phụ nữ lần thứ Nhất, họp vào tháng 4 năm 1950 ở Chiến khu Việt Bắc. Tại Đại hội, Bác đồng ý để chị em đưa câu hỏi để Người trả lời. Những câu hỏi đó, Bác cho viết lên giấy rồi thu lại. Có một ít câu hỏi về công tác phụ vận, nhưng phần lớn các chị hỏi: “Thưa Bác, tiêu chuẩn của bác gái?”. Bác đọc từng tờ câu hỏi, rồi trả lời tiêu chuẩn của bác gái là “tốt” và “đẹp”. Khi vừa nói xong, dưới Hội trường một số chị em nhao lên: Thưa Bác, đã đẹp thì không tốt, đã tốt thì không đẹp. Tìm bác gái như vậy rất khó ạ!
Dừng lại một lát, giọng bà trầm xuống: Tôi ở gần Bác nhiều, được biết ở Việt Bắc, các anh lãnh đạo đều quan tâm đến Người. Tất cả các anh đã có gia đình riêng, mong muốn Bác cũng có bác gái. Nhưng tìm bác gái theo tiêu chuẩn như thế nào thì các anh không dùng từ “tốt” và “đẹp”. Tìm trong phụ nữ những chị có trình độ về chính trị, văn hoá, ngoại ngữ, hay có chị về ngoại hình hơn hẳn một số chị em nhưng khi giới thiệu thì Bác đều im lặng, không trả lời. Như vậy “tốt” và “đẹp” theo tôi hiểu không phải Bác kén chọn mà Bác muốn dành thời gian, trí tuệ và sức lực của mình cho độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
 

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp với các đại biểu dự Đại hội đại biểu Phụ nữ lần thứ nhất họp tại Việt Bắc, năm 1950 (Bà Nguyễn Thị Bích Thuận là người được đánh dấu X). Ảnh:Bảo tàng Hồ Chí Minh

 
Cũng tại Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khuyên bảo các chị em dạy con ngoan, luôn thương yêu nhau, không ích kỷ và giữ gìn cho con có sức khoẻ tốt. Chính lời nói của Người, đã giúp bà Bích Thuận trong việc giáo dục con cháu “dạy con từ thuở còn thơ!”. Thời gian trôi đi, bà hiểu: “tốt và đẹp mà Bác dành để tìm bác gái, không phải là cái tốt và cái đẹp dành riêng cho mình mà “tốt” và “đẹp” đó là sự dũng cảm, hy sinh của các chị, trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc!” - bà Bích Thuận chia sẻ. 
Gần một năm sau đó, gia đình bà Bích Thuận bất ngờ được Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm, đó là vào một buổi trưa tháng 2 năm 1951, trước khi diễn ra Đại hội Đảng lần thứ II. Bà nhớ lại: Vừa bước vào nhà, nhìn thấy mâm cơm đạm bạc, Bác hỏi luôn: “Cháu ăn thế này thôi à?”. Rồi Người hỏi thăm sức khoẻ của tôi sau khi sinh và tình hình các cháu. Người dặn dò giữ gìn cho các con khỏi muỗi đốt và cách đối nhân xử thế với anh chị em trong cơ quan: “Trong mối quan hệ với anh chị em, cháu nên giữ mối quan hệ thân thiện, không nên có khoảng cách và phải đoàn kết”. 
Lật giở tiếp cuốn album, đó là bức ảnh đã đi vào lịch sử, hiện kho cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh đang lưu giữ, kí hiệu TN.73.Q.1. Bà Bích Thuận hồ hởi kể về bức ảnh này: Cũng vào một buổi sáng tháng 2 năm 1951, Bác vẫy gọi cháu Minh Thu lên nhà, lúc đó cháu mới được 2 tuổi. Ban đầu, cháu lạ Bác, không dám lại gần. Bác để Minh Thu vào trong xe cút kít, Bác chỉ cho cháu nhìn vào túi áo ngực có cài bút, khi thì chỉ cây, chỉ hoa ở trên cho cháu trông theo. Minh Thu dần quen Bác. Anh Cẩn đưa ca xôi để Bác đút cho Minh Thu ăn. Chiếc ca Bác cho con ăn chính là cái ca nhôm - đồ dùng mỗi khi Bác cầm đi công tác. Xôi Bác ăn sáng hôm đó, Bác dành cho Minh Thu. Hình ảnh này đã được đồng chí Vũ Năng An, nghệ sỹ nhiếp ảnh chụp được. Sau này, có lần Bác hỏi tôi: “Cháu còn giữ được những bức ảnh đó không?”. Tôi thưa: “Cháu còn giữ được ạ!”. Bác dặn: “Cháu phóng to lên treo giữ kỷ niệm cho Minh Thu”. Nghe lời Bác, tôi bảo quản cẩn thận, dù chuyển nhà hay chuyển đổi cơ quan bức ảnh vẫn còn nguyên vẹn.
 

Chủ tịch Hồ Chí Minh và cháu Minh Thu tại Việt Bắc, năm 1951. Ảnh:Bảo tàng Hồ Chí Minh

 
Bà Bích Thuận cũng cho biết thêm: Chiếc xe cút kít là do đồng chí Lê Tất Đắc đã thu gom một số mảnh gỗ thừa sau khi hoàn thành các công trình để đóng chiếc xe này, dùng để đẩy các cháu đi chơi quanh sân. Khi ấy, ông Lê Tất Đắc trong Ban Tổ chức Đại hội Đảng, sau này là Thứ trưởng Bộ Nội vụ.
Trong thời gian bà Bích Thuận công tác ở Văn phòng Trung ương, mỗi lần sang làm việc, Bác đều kiểm tra nơi ăn, ở của anh em. Người luôn quan tâm đến sức khoẻ của cán bộ, có lần Bác dặn: “Anh em trong Văn phòng không nên ăn nhiều măng vì trong măng có chất độc”. Hàng năm, khi mùa đông đến không đủ chăn, Bác khuyên nên lấy rơm đánh ổ để nằm cho ấm. Chính lời khuyên dạy của Người, năm đó bà đã tự làm được ổ rơm góp phần tránh rét.

Nữ cận vệ bảo vệ Bác Hồ

Hòa bình lập lại, theo chủ trương trí thức hóa công nông nhằm đào tạo lớp cán bộ trước yêu cầu nhiệm vụ mới, Văn phòng Trung ương Đảng cử bà Bích Thuận đi học tại Đại học Y dược. Năm 1961, tốt nghiệp với tấm bằng đỏ chuyên ngành Hóa độc chất, bà được điều động về Cục Cảnh vệ, Bộ Công an. Sau đó, bà được Bộ trưởng cử bà sang Liên Xô học các phương pháp bảo vệ lãnh tụ. Trở về nước, bà Thuận được phân công công tác tại Cục Cảnh vệ, làm nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ và trở thành nữ cận vệ đầu tiên của Bác.
Nhận nhiệm vụ bảo vệ vị lãnh tụ mà mình vô cùng kính yêu, bà Bích Thuận vừa mừng vừa lo. Bà luôn cẩn trọng, tỉ mỉ, đảm trách công việc sao cho tốt nhất. “Tất cả thực phẩm Bác dùng, tôi đều kiểm tra kỹ lưỡng. Khi phát hiện thức ăn của Bác không đảm bảo, tôi kiên quyết yêu cầu thay. Thư, quà gửi đến Bác cũng được kiểm tra tỉ mỉ. Tôi còn kiểm tra xe ô tô và lốp xe trước khi Bác lên xe. Nơi nào Bác đến cũng được rà soát nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn” - Bà Bích Thuận bộc bạch.
Từ khi nhận nhiệm vụ tham gia trong Đội cận vệ bảo vệ Bác cho đến lúc Bác Hồ mất, bà được tháp tùng Bác đi nhiều nơi, chuyến đi nào cũng để lại những kỷ niệm khó quên. Ấn tượng khó quên nhất về Bác với bà là sự giản dị, gần gũi, là tình cảm ấm áp của người cha già đối với con cháu, với nhân dân. Được sống và làm việc gần Bác Hồ, bà Bích Thuận luôn được Bác động viên, dạy bảo, nhất là trong công tác. Mỗi lần Bác góp ý là một bài học để bà trưởng thành. Bà kể lại kỷ niệm có dịp được Bác bảo ngồi ăn cơm cùng và được khuyên bảo như một người cha. “Biết tôi đi học ở Liên Xô về, Bác dặn, học ở nước ngoài nhiều cái hay, nhưng không nên bắt chước một cách rập khuôn, mà phải tùy tình hình thực tế mà áp dụng cho phù hợp” - Bà Bích Thuận trải lòng.
Gần 10 năm được đi theo bảo vệ Bác, bảo vệ các cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước bà Nguyễn Thị Bích Thuận và đồng đội đã không để xảy ra một trường hợp bất trắc nào ảnh hưởng đến sự an toàn và sức khỏe của Bác. Đây là chiến công thầm lặng góp phần vào chiến thắng chung của toàn dân tộc, bà coi đó là vinh dự của cuộc đời mình. Vinh dự nhất trong sự nghiệp bảo vệ ấy là được gần Bác, được Bác giáo dục trực tiếp. Sau này, bà vẫn ghi nhớ và làm theo lời dạy của Người, bởi bà luôn tâm niệm: Phải làm đúng theo lời Bác dạy và mỗi thế hệ đi trước, phải có trách nhiệm nêu gương sáng cho các thế hệ sau.

Người giữ lửa của gia đình

Vừa tham gia hoạt động cách mạng, bà Bích Thuận vừa làm tròn trách nhiệm của phu nhân đồng chí Lê Văn Lương - vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Dưới bàn tay chăm sóc dạy dỗ và sự yêu thương của người mẹ hiền, các con bà từng ngày khôn lớn trưởng thành. Đưa chúng tôi xem tấm ảnh chụp đại gia đình, bà Thuận cười hạnh phúc. Một nếp nhà do bàn tay bà vun đắp nay đã đơm hoa kết trái và cho đời quả ngọt. Bí quyết dạy con nên người của bà là dạy con từ những điều nhỏ nhất, như đôi dép lúc vào nhà cũng phải để quay ra, tới những việc lớn như đi đâu phải xin phép, làm việc gì phải báo cáo bố mẹ. Và, một nguyên tắc quan trọng, đó là phải kiên quyết với những việc làm sai của con…
Trong cuộc sống gia đình, bà luôn học tập tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để giáo dục các con, cháu trong gia đình: đức tính giản dị và tiết kiệm. Hiện 5 người con của ông bà đều thành đạt, thế hệ các cháu đã tốt nghiệp đại học và trên đại học. Cũng theo lời Bác dạy, ngoài góp phần đào tạo nhân cách, bà Bích Thuận còn xây dựng tình đoàn kết trong con cháu, họ tộc, giữ vững truyền thống cách mạng, hạnh phúc gia đình, xứng đáng với tình thương yêu Bác Hồ đã dành cho.
Hơn 40 năm phục vụ Đảng, Nhà nước, trong đó 8 năm đảm nhiệm chức vụ Phó Cục trưởng Cục Cảnh vệ và sau nhiều lần điều động công tác, dù ở cương vị nào, Đại tá Nguyễn Thị Bích Thuận cũng luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó. Với những cống hiến cho cách mạng, bà đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy chương Vì An ninh Tổ quốc, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng; Huy hiệu Bác Hồ... 
Mùa Xuân 2018, Đại tá Nguyễn Thị Bích Thuận đã ra đi về cõi vĩnh hằng theo quy luật của tạo hóa. Những hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh được ông bà và gia đình trân quý bao năm qua, cùng câu chuyện bà kể về nhiều lần gặp Bác Hồ, được các thế hệ của Bảo tàng Hồ Chí Minh lưu giữ và phát huy giá trị, mãi sẽ là những tư liệu quý cho thế hệ mai sau./

Ths. Phí Thị Hồng Vân

Bảo tàng Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Xuân về nhớ thơ Bác
11/02/2024
84 lượt xem
Mùa Xuân nghĩ về Đảng
08/02/2024
56 lượt xem
"Chỉ sợ lòng dân không yên"
16/03/2023
936 lượt xem
Nơi yên nghỉ của Bà Nội Bác Hồ
25/09/2022
3.321 lượt xem
Quê hương vọng mãi lời Người
14/06/2022
1.079 lượt xem
Bác Hồ với quê hương Nam Đàn
03/09/2021
3.345 lượt xem
Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi