Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc với quyết định ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành
Ngày đăng: 11:08 05/06/2025
Lượt xem: 65

Ngày 5-6-1911, người thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành lên con tàu Amiral Latouche Tréville từ bến cảng Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước. Sự kiện này đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh cũng như đối với tiến trình cách mạng Việt Nam.

Đã có rất nhiều quan điểm đưa ra để lý giải về quyết định đó. Song, có thể khẳng định rằng, đó không phải là sự tình cờ, một sự ngẫu nhiên hay một cách lập nghiệp kiếm sống như một số học giả phương Tây suy luận. Quyết định ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành là kết quả của sự kết hợp giữa các điều kiện khách quan và những yếu tố chủ quan. Trong đó, sự giáo dục và định hướng của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đối với con trai đóng vai trò hết sức quan trọng. Ảnh hưởng ấy thể hiện rõ qua hai vấn đề: Hun đúc quyết tâm và ý chí cứu nước, cứu dân; Gợi mở hướng đi tìm đường cứu nước cho Nguyễn Tất Thành.

1. Cụ Nguyễn Sinh Sắc hun đúc quyết tâm và ý chí cho Nguyễn Tất Thành tìm con đường cứu nước, cứu dân

Cụ Nguyễn Sinh Sắc sinh ra và lớn lên trong thời kỳ thực dân Pháp bắt đầu xâm lược và đặt ách thống trị ở Việt Nam. Tuy xuất thân trong một gia đình nhà Nho, nhưng do mồ côi cha mẹ từ sớm nên ngay từ khi còn rất nhỏ, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã phải sống cuộc sống khó khăn, vất vả. Tuy vậy, Cụ vẫn luôn ham mê học tập, giữ một phong cách sống trong sáng, liêm khiết.

Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân phụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu

Dù có những thời điểm rơi vào tình cảnh khó khăn, túng kiệt, nhưng Cụ không bao giờ xem học tập là con đường để vinh thân phì gia, mà luôn khẳng định “Học để hiểu đạo lý làm người”. Vì vậy, ngay cả khi đã đỗ đạt, được hưởng một chút bổng lộc làng nước ban cho nhưng cụ Nguyễn Sinh Sắc vẫn giữ nếp sống thanh bạch, đạm bạc và gần gũi với bà con láng giềng. Tư tưởng học tập để hiểu biết, để hành động, để làm được điều gì đó có ích cho đất nước, cho dân tộc trong cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân lầm than cơ cực chính là nguồn năng lượng trí tuệ khác biệt, là gốc rễ cho việc cụ Nguyễn Sinh Sắc hun đúc quyết tâm và ý chí tìm đường cứu nước, cứu dân cho người con trai thứ Nguyễn Tất Thành. Bởi Cụ cho rằng: “Con cái là tương lai của mình. Việc mình làm dở hôm nay hoặc chưa làm được, con cái sẽ tiếp tục nối bước”1 , đồng thời, với tư cách là người thầy dạy đầu tiên của các con, cụ Sắc đã sớm nhận ra sự đặc biệt trong phong cách và suy nghĩ của người con trai thứ Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành.

Ngay từ khi Nguyễn Tất Thành và hai anh chị của Người còn nhỏ, thông qua những câu chuyện, bài học, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã truyền cho các con sự thấu hiểu nỗi thống khổ của người dân mất nước cũng như ý thức phản kháng trước bạo lực của kẻ xâm lược. Dù bận rộn với công việc và cuộc sống, nhưng cụ Nguyễn Sinh Sắc luôn dành cho các con thời gian nói chuyện, trả lời mọi thắc mắc của các con một cách đầy đủ, thỏa đáng. Trong những câu chuyện đó, cụ Nguyễn Sinh Sắc đặc biệt nói cho các con về bối cảnh đất nước, về cuộc sống của người dân, đồng thời đưa ra những đánh giá, nhìn nhận sắc bén để các con hiểu được bản chất sâu sắc của các sự việc. Với sự thông minh và óc quan sát đặc biệt của bản thân, chính từ những bài học đầu tiên của người cha ấy đã hình thành trong tâm hồn cậu bé Nguyễn Sinh Cung (tên thuở nhỏ của Nguyễn Tất Thành) lòng yêu nước, thương dân và căm thù giặc sâu sắc.

Có nhiều bằng chứng cho thấy, cụ Nguyễn Sinh Sắc rất có chủ đích trong việc tạo điều kiện, môi trường để Nguyễn Tất Thành có cơ hội học tập, lắng nghe và trải nghiệm thực tiễn, từ đó hun đúc, bồi đắp cho người con trai thứ của mình một lý tưởng sống lớn lao, một quyết tâm đi tìm con đường cứu nước, cứu dân. Việc định hướng đầu tiên được thể hiện ở quyết định Cụ cho Nguyễn Tất Thành theo học một thầy giáo yêu nước, thương dân là thầy Vương Thúc Quý. Cho con theo học thầy Vương Thúc Quý, cụ Nguyễn Sinh Sắc không chỉ muốn con được học chữ mà quan trọng hơn, là học lòng yêu nước, thương dân cũng như những tư tưởng tiến bộ của thầy. “Thầy Vương Thúc Quý không dạy học trò theo lối “tầm chương trích cú” mà mượn những câu chữ tích cực trong sách vở để dạy cho học trò về đạo lý làm người, biết sống ích nước, lợi dân. Thầy cũng ca ngợi nghĩa khí của các vị anh hùng đã xả thân vì nghĩa lớn và nguyền rủa sâu cay bè lũ cướp nước và bán nước”2 . Cũng chính tại nơi đây, cậu thiếu niên mới lớn Nguyễn Tất Thành còn có cơ hội được tiếp xúc và nghe nhiều hơn về những chuyện xảy ra đương thời. Bởi “Nhà thầy Quý còn là nơi lui tới của các sĩ phu yêu nước trong vùng. Nhiều khi Nguyễn Tất Thành được thầy sai tiếp nước cho những vị khách đặc biệt ấy, nhờ đó cậu thiếu niên Tất Thành dần dần hiểu được thời cuộc và sự day dứt của các bậc cha chú trước cảnh nước mất nhà tan”3 . Từ những bài học thầy dạy và những lần tiếp trà cho thầy, tình hình nóng bỏng của đất nước đã ngày một thấm sâu vào trái tim, khối óc của cậu thiếu niên Nguyễn Tất Thành.

Việc định hướng, hun đúc ý chí tìm một con đường cứu nước, cứu dân của cụ Nguyễn Sinh Sắc dành cho Nguyễn Tất Thành còn thể hiện một cách sâu sắc ở việc chính bản thân Cụ cũng luôn tạo điều kiện cho người con trai thứ “nuôi chí lớn” tham gia vào các cuộc tiếp xúc của bản thân với các văn thân sĩ phu ở khắp nơi. Trong những năm từ chối không ra làm quan, cụ Nguyễn Sinh Sắc thường đến những nơi có phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp sôi nổi và anh dũng; Kết giao với những sĩ phu yêu nước, có tư tưởng “bài phong kiến”, chống Pháp. Điều đặc biệt là đi đến đâu cụ Nguyễn Sinh Sắc cũng thường cho Nguyễn Tất Thành đi cùng. Nhờ sự tạo điều kiện này của Cụ mà cậu thiếu niên Nguyễn Tất Thành đã được đến và tiếp xúc với những vùng đất và con người anh hùng, hiểu hơn về cuộc sống của người dân nô lệ cũng như tội ác của những thế lực cướp nước và bán nước, càng thôi thúc mạnh mẽ ý chí đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào của cậu thiếu niên Nguyễn Tất Thành. Cậu ngày đêm trăn trở, suy nghĩ về những điều mà các bậc sĩ phu đang bàn luận.

Bên cạnh năng lực, bản lĩnh cá nhân đặc biệt của Nguyễn Tất Thành thì yếu tố quan trọng để người thiếu niên trẻ chừng hơn mười tuổi đó củng cố thêm nhận định của mình chính là từ lập trường của người cha, cụ Nguyễn Sinh Sắc. Là một người chín chắn, thận trọng nên trong những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với những sĩ phu yêu nước đương thời, cụ Nguyễn Sinh Sắc thường giữ thái độ trung lập, không ủng hộ cũng không phản đối con đường mà những người bằng hữu, tâm giao của mình đã lựa chọn. Thái độ trung lập ấy hoàn toàn không phải là tư tưởng thủ cựu, bất mãn hoặc buông xuôi, mà ngược lại đã thể hiện rõ sự nhạy cảm và nhãn quan chính trị sắc bén của Cụ. Có thể bởi những hạn chế của thời cuộc, của xã hội, Cụ chưa xác định được chính xác ai và cái gì mới có thể cứu giúp được cho dân tộc, cho nhân dân, nhưng Cụ cũng không ủng hộ các con đường mà những người bạn Cụ đã lựa chọn. Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lại tâm trạng đó của các bậc sĩ phu, trong đó có cụ Nguyễn Sinh Sắc: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ”4 .

Cách suy nghĩ và thái độ của cụ Nguyễn Sinh Sắc với các phong trào đương thời đã có những ảnh hưởng sâu sắc tới Nguyễn Tất Thành, góp phần giúp anh có những nhận định sắc sảo về các khuynh hướng cứu nước của lớp cha anh. Trong Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Trần Dân Tiên đã kể lại: “Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người thiếu niên mười lăm tuổi. Người thiếu niên ấy đã sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào. Lúc bấy giờ, anh đã có chí đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào… Anh khâm phục cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu, nhưng không hoàn toàn tán thành cách làm của một người nào”. Bằng khả năng nhận định đặc biệt sâu sắc và nhanh nhạy của bản thân, Nguyễn Tất Thành dù còn trẻ tuổi nhưng đã có những nhận xét độc lập về ba con đường cứu nước thời kỳ đó. Theo Người, “cụ Phan Chu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương… điều đó là sai lầm, chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương. Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đánh đuổi Pháp. Điều đó rất nguy hiểm, chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”. Cụ Hoàng Hoa Thám còn thực tế hơn, vì trực tiếp đấu tranh chống Pháp. Nhưng theo lời người ta kể thì cụ còn mang nặng cốt cách phong kiến”5 .

Có thể nói, những bài học, những chuyến đi và những cuộc tiếp xúc với đông đảo tầng lớp thân sĩ lúc bấy giờ mà cụ Nguyễn Sinh Sắc tạo điều kiện cho Nguyễn Tất Thành tham gia đã góp phần quan trọng giúp cậu thiếu niên trẻ tuổi thông minh, nhạy bén hiểu rõ hơn về thời cuộc, về cuộc sống lầm than đói khổ của người dân nô lệ, về nỗi nhục mất nước, từ đó thôi thúc mong muốn, quyết tâm tìm một con đường khác để cứu dân, cứu nước.

2. Cụ Nguyễn Sinh Sắc gợi mở hướng đi tìm đường cứu nước cho Nguyễn Tất Thành

Cuối thế kỷ XIX, cùng ở huyện Nam Đàn, Nghệ An còn có cụ Phan Bội Châu, một đại diện tiêu biểu cho thế hệ tri thức yêu nước, nhiệt thành, có khát vọng hướng ngoại để tìm đường cứu nước, cứu dân. Sinh cùng một thế hệ với cụ Nguyễn Sinh Sắc, lại cùng là những người có trí tuệ mẫn tiệp, có tinh thần yêu nước, thương dân sâu sắc nên giữa cụ Phan Bội Châu và cụ Nguyễn Sinh Sắc có một mối quan hệ thân thiết đặc biệt. Khi đó, cụ Phan Bội Châu có chủ trương dựa vào Nhật, học tập Nhật, xin sự viện trợ của người “anh cả da vàng” để có thể vận động cuộc nổi dậy trong nước đánh đuổi Pháp bằng bạo lực. Con đường này của Cụ Phan được nhiều thanh niên chú ý và đặt niềm tin. Tuy nhiên, điều đáng chú ý đó là, trong khi cụ Phan Bội Châu đang hô hào Đông Du thì cụ Nguyễn Sinh Sắc không phản đối nhưng cũng không ủng hộ nhiệt thành. Điều này thể hiện ở sự kiện tháng 7-19056 , khi Phan Bội Châu cử Trần Trọng Khắc (tức Nguyễn Thức Canh) đến Kim Liên tìm Nguyễn Tất Thành để rủ đi xuất dương du học (sang Nhật) nhưng không gặp, vì khi đó cha con cụ Nguyễn Sinh Sắc đang ở Bắc kỳ. Trong cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Trần Dân Tiên cũng nhắc lại sự việc này: “Cụ Phan Bội Châu muốn đưa anh và một số thanh niên sang Nhật. Nhưng anh không đi”. Có thể nói, ở lứa tuổi mười lăm, việc Nguyễn tất Thành không sang Nhật, không theo phong trào Đông Du có sự ảnh hưởng và tác động không nhỏ từ cụ Nguyễn Sinh Sắc. Mặc dù rất quý trọng sự nhiệt thành và lòng yêu nước của cụ Phan Bội Châu, nhưng cụ Nguyễn Sinh Sắc đã có lựa chọn riêng cho những người con của mình, đặc biệt là Nguyễn Tất Thành. Ngay sau đó, tháng 9-1905, cụ Nguyễn Sinh Sắc cho hai người con trai theo học lớp dự bị (Préparatoire) Trường Tiểu học Pháp - bản xứ ở thành phố Vinh với chương trình đào tạo nặng về tiếng Pháp, chỉ còn một số ít giờ học chữ Hán. Rõ ràng, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã có suy nghĩ riêng cho những người con của mình, đặc biệt là người con thứ có phong cách tư duy đặc biệt Nguyễn Tất Thành.

Sự kiện này có thể coi là một quyết định khác biệt, táo bạo, thể hiện bản lĩnh vượt qua những giới hạn của ý thức hệ ở cụ Nguyễn Sinh Sắc. Bởi cụ Nguyễn Sinh Sắc xuất thân trong một gia đình Nho học, bản thân Cụ cũng là một nhà Nho được học hành bài bản, đỗ đạt và làm quan trong triều nên sẽ không dễ dàng để thoát khỏi sự chế ngự của hệ tư tưởng Nho giáo. Trong thực tế, vào thời kỳ đó, nhiều nhà nho lớn ghét Pháp cướp nước đã ghét luôn cả thành tựu văn hóa của Pháp, bài xích chữ Pháp, chữ Quốc ngữ. Họ kịch liệt phản đối, không cho con cháu đi học chữ quốc ngữ và chữ Pháp bởi họ cho rằng đó là hai thứ chữ của Tây, tức là chữ của giặc. Không chỉ đặc biệt về sự lựa chọn mà còn đặc biệt trong mục đích sự lựa chọn này của cụ Nguyễn Sinh Sắc. Với nhiều người đương thời, học trường Tây là để mưu cầu thân cận hoặc để được làm việc với chính quyền Pháp, nhưng cụ Sắc lại tán thành quan điểm của ông nghè Nguyễn Quý Song và lấy đó làm định hướng cho người con của mình, đó là: Muốn đánh Pháp phải hiểu nước Pháp, muốn hiểu nước Pháp phải học tiếng Pháp.

 Tại Trường Tiểu học Vinh, Nguyễn Tất Thành đặc biệt chú ý đến ba từ Pháp được sơn vào gỗ, gắn ở phía trên bảng đen “Liberté, Égalité, Fraternité” (Tự do - Bình đẳng - Bác ái). Nguyễn Tất Thành tìm hiểu và biết đó là khẩu hiệu nổi tiếng của Đại cách mạng Pháp năm 1789. Sự hiểu biết sơ đẳng ấy đã thôi thúc Nguyễn Tất Thành tìm hiểu những điều bên trong nó. Sau này, trả lời phỏng vấn của nhà thơ, nhà báo Nga Osip Mandelstam, Nguyễn Tất Thành khi đó là Nguyễn Ái Quốc đã nói: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thưở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy”7 .

Cụ Nguyễn Sinh Sắc vẫn tiếp tục duy trì định hướng này cho Nguyễn Tất Thành. Sau khi vào Huế nhậm chức, người con trai cả Nguyễn Tất Đạt làm thợ máy in tay ở Tòa Khâm sứ8 còn Nguyễn Tất Thành được Cha tiếp tục cho theo học lớp dự bị (Cours préparatoire) rồi lớp sơ đẳng (Cours élémentaire) tại Trường Tiểu học Pháp - Việt tỉnh Thừa Thiên. Đến năm 1908, cụ Nguyễn Sinh Sắc cho Nguyễn Tất Thành theo học lớp trung đẳng (Cours moyen) tại Trường Quốc học Huế. Tuy vốn tiếng Pháp còn ít ỏi, Nguyễn Tất Thành bắt đầu tiếp xúc với sách báo Pháp, bao gồm cả sách báo mượn của những người lính lê dương trong quân đội Pháp. Cũng trong thời gian này, Nguyễn Tất Thành được biết về những thành tựu dân chủ và văn minh phương Tây. Nhưng cũng chính tại đây, Nguyễn Tất Thành đã phải chứng kiến biết bao sự việc đau lòng, hoàn toàn trái ngược với khẩu hiệu đẹp đẽ mà cuộc Cách mạng tư sản Pháp nêu ra. Các thầy giáo người Pháp, tự cho mình là người mang “văn minh” nước Pháp đi “khai hóa” cho các dân tộc “nhược tiểu lạc hậu” như Việt Nam, nhưng trong hành động họ đối xử với người bản xứ chẳng khác nào tôi tớ. Điều đó càng kích thích sự tò mò tìm hiểu trong Nguyễn Tất Thành. Năm 1909, khi theo cụ Nguyễn Sinh Sắc vào Bình Khê nhậm chức tri huyện ở đó, Nguyễn Tất Thành được phụ thân dẫn đi thăm các sĩ phu trong vùng và thăm di tích lịch sử vùng Tây Sơn, nơi phát tích của anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ. Đặc biệt, để con trai tiếp tục việc học tập, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã gửi Nguyễn Tất Thành đến Quy Nhơn để học thêm tiếng Pháp với thầy giáo Phạm Ngọc Thọ dạy tại Trường Tiểu học Pháp - Việt Quy Nhơn theo chương trình lớp cao đẳng (Cours supérieur). Điều này phần nào cho thấy cụ Nguyễn Sinh Sắc đã thấu hiểu khả năng và chí hướng người con trai thứ của mình nên dù ở đâu Cụ cũng tạo điều kiện cho anh được tiếp tục học lên, được tiếp xúc nhiều hơn với nền văn minh, văn hóa phương Tây, cụ thể là Pháp.

Nhìn lại lịch sử Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, có thể khẳng định, không có nhiều người có tư tưởng cấp tiến như cụ Nguyễn Sinh Sắc. Thực tế lịch sử cho thấy, cụ Phan Bội Châu sang Nhật, cụ Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường… sang Pháp… nhưng đều không tìm được hướng đi đúng đắn cho dân tộc mình. Thất bại của họ có cả những nguyên nhân chủ quan và khách quan, cũng như việc quyết định cho Nguyễn Tất Thành theo con đường Tây học của cụ Nguyễn Sinh Sắc có thể không phải là yếu tố quyết định nhưng là gợi ý quan trọng để Nguyễn Ái Quốc nhận thức rõ điều mà Cụ vẫn thường dạy con đó là: muốn đánh Pháp phải hiểu Pháp, muốn hiểu nước Pháp phải học tiếng Pháp.

Được tiếp xúc với văn hóa phương Tây, bằng trí tuệ và năng lực đặc biệt của mình và đặc biệt được sự hậu thuẫn tư tưởng tiến bộ vượt khỏi tầm tư duy xã hội ở đất nước đô hộ lúc bấy giờ của Cha, Nguyễn Tất Thành càng nung nấu lòng yêu nước và chí căm thù bọn cướp nước và bán nước, từ đó, quyết chí đi tìm một con đường mới, khác với những con đường đã có để cứu nước, cứu dân, một con đường cần phải “đi ra nước ngoài để xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”9 . Nhưng là một người con có hiếu, Nguyễn Tất Thành chưa thể dứt lòng ra đi khi nhìn thấy Cha tuổi già, sức yếu. Khi Nguyễn Tất Thành qua Bình Khê thăm cha, ông Sắc bảo con trai rằng: “Nước mất không lo đi tìm, tìm cha phỏng có ích gì?”. Tinh thần ấy luôn được cụ Nguyễn Sinh Sắc giữ vững, cả đến khi tuổi cao, sức yếu, nhưng Cụ vẫn nhắn người con trai ở phương xa rằng: “Nước mất thì lo mà cứu nước, cứu nước, tức là hiếu với Cha rồi đó” 10. Cuộc gặp gỡ với người Cha và câu nói của cụ Nguyễn Sinh Sắc càng thôi thúc quyết tâm ra đi của Nguyễn Tất Thành.

Tàu Amiran Latusơ Tơrêvin, nơi Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp với tên Văn Ba, khi rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước, ngày 5-6-1911. Ảnh: Tư liệu.          

Những lời dạy bảo đầy yêu thương của Cụ đã tiếp thêm sức mạnh cho người thanh niên Nguyễn Tất Thành trên con đường cứu nước, cứu dân. Ngày 5-6-1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm một con đường mới để cứu nước, cứu dân. Cuộc hành trình ấy kéo dài 30 năm, và trong những năm tháng ấy, dù đã có nhiều lần cố gắng nhưng Nguyễn Tất Thành không một lần nào bắt lại được liên lạc với người cha kính yêu của mình: cụ Nguyễn Sinh Sắc.

Sau này, cả khi đã trở thành Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng do việc nước chưa trọn, Nguyễn Tất Thành - Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chưa một lần có dịp vào thăm mộ của cụ Nguyễn Sinh Sắc, thắp một nén hương cho người Cha kính yêu của mình. Đó là điều mà Người vẫn nặng lòng trăn trở.

Đã 96 năm từ thời điểm cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời (1929-2025), có thể nói, cuộc đời Cụ là tấm gương của một nhà nho cấp tiến có nhân cách cao thượng, giàu lòng yêu nước, thương dân. Nói như người Pháp, Nguyễn Sinh Sắc là “một nhà cách mạng theo kiểu riêng của mình. Cuộc đời ông là một sự phản kháng công khai và lặng lẽ chống người Pháp”11 . Vượt qua những khó khăn cũng như cản trở của thời thế, cảm nhận được chí lớn của con, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã từng bước bồi đắp lòng yêu nước, thương dân, hun đúc ý chí tìm đường cứu nước cứu dân và gợi mở con đường cứu nước mới cho người con trai thứ Nguyễn Tất Thành. Lịch sử càng lùi xa, sự đúng đắn của sự kiện Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước năm 1911 càng được khẳng định rõ qua thực tiễn lịch sử. Nhìn lại quá trình cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc chuẩn bị cho sự ra đi ấy giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về vai trò, ảnh hưởng và những đóng góp to lớn của cụ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất - cũng như đối với tiến trình cách mạng Việt Nam./.

TS. Phạm Thị Thanh Mai

----------------------------------

1. Nguyễn Đắc Hiền, Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, 1990, tr. 29.

 2. Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh ủy Nghệ Tĩnh, Những mẩu chuyện về thời niên thiếu của Bác Hồ, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985.

 3. Song Thành, Hồ Chí Minh tiểu sử, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2006, tr. 25. 

  4. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự  thật, Hà Nội, 2016, tập 1, tr. 30. 

  5. Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2012, tr. 13-14.

 6. Có một số tài liệu cho rằng, sự kiện này vào khoảng tháng 5-1905. Trong tham luận, tác giả sử dụng sự kiện theo Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, tập 1, tr. 16.

 7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 1, tr. 461.

  8. Theo lời khai của Nguyễn Tất Đạt ở Sở mật thám Huế ngày 19-3-1920.

  9. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, tập 1, tr. 30.

  10. Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ An, Những mẩu chuyện về thời niên thiếu của Bác Hồ, Sđd, tr. 98.

 11. Đánh giá về cụ Nguyễn Sinh Sắc của Jean Arnoux, Giám đốc Sở Chính trị - cơ quan được thành lập nhằm theo dõi mọi hành động của người An Nam tại Pháp. Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. 

 

Các bài viết khác

Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi