Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Lịch sử phát triển
Ngày đăng: 01:15 04/08/2018
Lượt xem: 34.790
A. Lịch sử hình thành và phát triển
1. Giai đoạn từ 1970 đến 1990
Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam, Người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào giải phóng dân tộc và công nhân quốc tế qua đời. Trong niềm tiếc thương vô hạn, thể theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định xây dựng Lăng và Bảo tàng về Người.
Ngày 25-11-1970, Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khóa III ra Nghị quyết số 206-NQ/TW thành lập Ban phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh. Từ ngày đó đến nay là cả một chặng đường dài.
  
Nghị quyết số 206-NQ/TW, ngày 25-11-1970 về việc thành lập Ban phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh
 
Chặng đường đầu tiên (1970-1990) là giai đoạn quyết định cho sự ra đời của công trình Bảo tàng.  
Ban phụ trách xây dựng Bảo tàng gồm đồng chí lão thành cách mạng Hà Huy Giáp, Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh; đồng chí Hoàng Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban; đồng chí Vũ Kỳ - thư ký lâu năm của Bác Hồ, là uỷ viên Ban phụ trách, đã tập trung xây dựng một kế hoạch toàn diện về Viện bảo tàng Hồ Chí Minh trình Bộ Chính trị và Chính phủ xét duyệt.
Việc xây dựng cơ cấu tổ chức, tuyển chọn cán bộ được đặt lên hàng đầu. Các cán bộ của cơ quan 41 (CQ41: Mật danh của cơ quan phục vụ Bác Hồ, lấy năm 1941 là năm Người về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam) đã tình nguyện ở lại làm nhiệm vụ giữ gìn và phát huy di sản Bác Hồ để lại. Một số cán bộ từ cơ quan khác, từ các trường đại học được tuyển chọn thêm. Trên cơ sở đó, tổ chức bộ máy của cơ quan dần được hình thành.
Những công việc được Ban phụ trách Bảo tàng Hồ Chí Minh lãnh đạo cơ quan thực hiện trong 7 năm đầu là tiền đề để xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh trong tương lai: Con người đã sẵn sàng, cơ sở vật chất như tài liệu, hiện vật, đề cương nội dung trưng bày... đã hình thành. Ngày 12-9-1977, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 04-NQ/TW về việc thành lập Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh: "Để tỏ lòng biết ơn và đời đời ghi nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để ra sức học tập tư tưởng, đạo đức và tác phong của Người, quyết tâm thực hiện Di chúc của Người, đào tạo con người mới, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người". 
 
   
Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 12-9-1977về việc thành lập Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh
 
Năm 1978, Hội đồng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ thiết kế Bảo tàng Hồ Chí Minh và ngày 15-10-1979, ban hành Nghị định số 375/CP quy định về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của Viện Bảo tàng là “Trung tâm nghiên cứu những tư liệu, hiện vật và di tích lịch sử có quan hệ đến đời sống và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng của Người và tuyên truyền, giáo dục quần chúng về sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức và tác phong của Người thông qua những tư liệu, hiện vật và di tích lịch sử đó".
 Ngày 31 tháng 8 năm 1985, nhân kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Lễ khởi công xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh được tổ chức. Trong lúc tòa nhà Bảo tàng Hồ Chí Minh đang được thi công thì tháng 11- 1987, UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc) đã ra Nghị quyết 18.65 khuyến nghị các quốc gia thành viên tham gia vào các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất. Từ đây, mọi hoạt động của cơ quan đều hướng về ngày 19-5-1990, với tình cảm và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân mong muốn hoàn thành việc xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người. 
 
Lễ khởi công xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh, ngày 31/8/1985
 
 Ý Đảng, lòng dân, chung một tấm lòng với Bác. 5 năm chạy đua với thời gian, công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh đã hoàn thành. Ngày 19-5-1990, Lễ khánh thành Bảo tàng Hồ Chí Minh được tổ chức trọng thể trong niềm hân hoan vui sướng của toàn Đảng, toàn dân. Ngắm nhìn tòa nhà như bông sen trắng, bình dị, thanh tao giữa mảnh đất Ba Đình lịch sử, chúng ta vô cùng xúc động và hiểu rằng, trong một thế giới đầy biến động, sự hiện diện của công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh có ý nghĩa to lớn biết bao. Thời gian trực tiếp xây dựng công trình tòa nhà Bảo tàng Hồ Chí Minh diễn ra trong gần 5 năm, nhưng quá trình chuẩn bị cho sự ra đời của Bảo tàng kéo dài tới gần 20 năm. 

 
Đồng chí Đỗ Mười, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước CHXHCN Việt Nam đọc diễn văn
tại Lễ khánh thành Bảo tàng Hồ Chí Minh, 19-5-1990.
 
Công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh vừa là quà tặng của nhân dân Liên Xô với tình cảm quý trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa là những đóng góp to lớn của nhân dân ta, của cán bộ, chiến sĩ, các họa sĩ, kiến trúc sư, các nhà khoa học, kỹ thuật, là công sức, tiền của và cả những sự động viên khích lệ của nhân dân. Lễ khánh thành Bảo tàng Hồ Chí Minh ngày 19 tháng 5 năm 1990, đánh dấu mốc quan trọng trong những chặng đường phát triển của Bảo tàng Hồ Chí Minh, đồng thời ghi nhận sự đóng góp và phấn đấu, trưởng thành của tập thể cán bộ Bảo tàng. Từ đây, hoạt động của Bảo tàng Hồ Chí Minh đã bước sang một giai đoạn mới. 
2. Giai đoạn từ 1990 đến nay
Từ khi chính thức mở cửa đón khách tham quan ngày 19-5-1990, cùng với Lăng Bác, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh - công trình văn hóa đặc biệt về Bác Hồ, đã trở thành một điểm hẹn thân thiết, nơi hành hương của đồng bào, đồng chí cả nước, của bạn bè khắp năm châu mỗi khi đến Thủ đô Hà Nội. 
Ngày 10-5-1990, theo Thông báo số 189-TB/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bảo tàng Hồ Chí Minh trực thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin (Nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Hòa nhập cùng với ngành Bảo tồn bảo tàng và văn hóa thông tin trong cả nước, Bảo tàng Hồ Chí Minh hoạt động trong điều kiện mới, cơ chế mới, nhưng vẫn thực thi những chức năng, nhiệm vụ do Bộ Chính trị Trung ương Đảng xác định từ ban đầu. Bảo tàng tiếp tục chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ để phát huy tác dụng những giá trị di sản Hồ Chí Minh. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn khách tham quan được xem như một trong những khâu quan trọng nhất của Bảo tàng. Bởi lẽ Bảo tàng Hồ Chí Minh là một trong những bảo tàng hiện đại nhất Việt Nam, có nội dung trưng bày phong phú với giải pháp mỹ thuật hợp lý, hiện đại đã tái hiện lại cuộc đời hoạt động cách mạng vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ, thể hiện sâu sắc tư tưởng, đạo đức tác phong của Người.
Thực hiện Nghị định 375/CP ngày 15/10/1979 của Hội đồng Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, trong đó: “Quy hoạch hệ thống các chi nhánh của Viện Bảo tàng và các nơi lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chỉ đạo và hướng dẫn về xây dựng, về nghiệp vụ cho các nơi đó”. Gần 50 năm qua, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã giữ vững vai trò của một bảo tàng đầu hệ, luôn hướng dẫn, giúp đỡ các đơn vị thực hiện các khâu công tác nghiệp vụ: Nghiên cứu, sưu tầm, xác minh, quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng các bảo tàng, di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh; Giúp thẩm định và đánh giá nội dung các công trình khoa học của bảo tàng và di tích lưu niệm. Bảo tàng Hồ Chí Minh kịp thời cung cấp những thông tin về kết quả nghiên cứu mới, về tài liệu, hiện vật mới sưu tầm tạo nên sự thống nhất trong toàn hệ thống về nội dung tuyên truyền về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hằng năm, Bảo tàng Hồ Chí Minh có kế hoạch tổ chức các lớp học bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao kiến thức về Hồ Chí Minh cho cán bộ các đơn vị; phối hợp với các đơn vị tổ chức các cuộc hội thảo để trao đổi về công tác chuyên môn, nghiệp vụ, về công tác nghiên cứu, xác minh tư liệu… Tất cả các công việc trên đã tạo nên sự gắn kết lâu bền thân thiết giữa các đơn vị trong hệ thống.
Đồng thời với việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trong nước, Bảo tàng Hồ Chí Minh không ngừng mở rộng hợp tác quốc tế; Nghiên cứu, phối hợp với các nước như: Trung Quốc, Nga, Pháp, Thái Lan,... phát huy tác dụng các di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài. Hiện có hàng chục di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài đang được bảo tồn và phát huy tác dụng.
Những năm gần đây, Bảo tàng Hồ Chí Minh rất chú trọng việc tổng kết công tác trưng bày, tuyên truyền, phát huy tác dụng của công trình và đã thay thế trang thiết bị kỹ thuật cũ, đưa công nghệ vào bảo tàng nhằm phục vụ khách tham quan ngày một tốt hơn. Đồng thời, kế hoạch nghiên cứu chỉnh lý, bổ sung trưng bày đang được đặt ra. Các cuộc hội thảo nhằm tranh thủ ý kiến đóng góp của các giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học về nội dung trưng bày được tiến hành và thu được nhiều chỉ dẫn quý báu. Cán bộ của Bảo tàng cũng đang ngày đêm trăn trở với những ý tưởng mới và những danh mục tài liệu, hiện vật để bổ sung cho trưng bày.  
Bảo tàng đã nhiều lần vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Đảng, Nhà nước như Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu, Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đều khen ngợi và đánh giá cao những đóng góp xứng đáng của Bảo tàng Hồ Chí Minh, khẳng định Bảo tàng đã và đang làm tốt công tác giới thiệu ngày càng rộng rãi hơn tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh để quần chúng học tập, noi theo. 
 
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm và cắt băng khai mạc triển lãm “Tổng Bí thư Lê Duẩn-cuộc đời và sự nghiệp” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, tháng 4/2017.
 
Hoạt động của Bảo tàng Hồ Chí Minh trong gần 50 năm qua toàn diện và phong phú, đặc biệt là sau gần 30 năm mở cửa đón khách tham quan. Nổi bật trong 10 năm gần đây là công tác chỉnh lý, bổ sung trưng bày một số chủ đề, công tác tổ chức triển lãm phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước; Tổ chức tốt công tác sưu tầm và sưu tầm được nhiều tài liệu hiện vật quý hiếm, nhất là tài liệu về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh đầu những năm 20, 30 của thế kỷ XX ở nước ngoài bổ sung cho trưng bày Bảo tàng Hồ Chí Minh, làm sáng tỏ thêm những giai đoạn hoạt động của Hồ Chí Minh ở nước ngoài, những khó khăn thử thách mà Người đã vượt qua để về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam...; Làm tốt công tác nghiên cứu, xuất bản. Kết quả nghiên cứu cùng với những ấn phẩm của Bảo tàng Hồ Chí Minh không chỉ góp phần phục vụ cho công tác tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp Hồ Chí Minh, cho cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mà còn cung cấp tài liệu giúp Ban Tuyên giáo Trung ương trong cuộc đấu tranh chống những quan điểm, luận điệu của các thế lực thù địch xuyên tạc về tiểu sử, cuộc đời, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Gần 50 năm xây dựng và trưởng thành, những nỗ lực, những cố gắng của Bảo tàng Hồ Chí Minh đã được ghi nhận bởi những tấm huân chương Nhà nước, bằng khen của Chính phủ, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch như: Huân chương Lao động hạng Nhất (1994), Huân chương Độc lập hạng Ba (2000), Huân chương Hữu nghị của Nhà nước CHDCND Lào (2012), Huân chương Độc lập hạng Nhì (2005), Huân chương Độc lập hạng Nhất (2010), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2014)…; sự trân trọng, tín nhiệm của các cơ quan hữu quan, các bảo tàng, di tích trong và ngoài hệ thống; cùng đó là những lời khen ngợi, tình cảm của nhân dân mọi miền đất nước, bạn bè quốc tế…
Và để đạt được những thành quả to lớn ấy, bên cạnh sự phấn đấu của mình, Bảo tàng Hồ Chí Minh luôn được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ, Ban, ngành; được sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị trong Cụm Di tích Lịch sử, Văn hóa Ba Đình, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Trung đoàn 375; sự chia sẻ hỗ trợ của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân quận Ba Đình, sự đoàn kết yêu thương của hệ thống Bảo tàng và di tích lưu niệm Hồ Chí Minh trong cả nước… và sự giúp đỡ của tất cả các đơn vị, tổ chức, các cá nhân trong, ngoài nước có liên quan. 
Bảo tàng Hồ Chí Minh luôn ghi nhớ và trân trọng cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan liên quan, bạn bè quốc tế, đồng chí, đồng nghiệp đã đồng hành giúp đỡ Bảo tàng trong suốt chặng đường gần 50 năm qua.
B. Lãnh đạo Bảo tàng Hồ Chí Minh qua các thời kỳ
 

Hà Huy Giáp (1907-1995)

Ủy viên Trung ương Đảng khóa III

Trưởng Ban phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh  (1970-1977)

Viện trưởng Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh  (1977-1987)

 

Hoàng Tùng (1920-2010)

Ủy viên Trung ương Đảng khóa III, IV, V

Bí thư Trung ương Đảng khóa V

Phó trưởng Ban phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh  (1970-1977)

 

Vũ Kỳ (1921-2005)

Ủy viên Ban phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh (1970-1977)

Phó Viện trưởng Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh  (1977-1987)

Đại biểu Quốc hội khóa VIII (1987-1992)

Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh  (1987-1990)

 

Đặng Xuân Kỳ (1931-2010)

Giáo sư 

Ủy viên Trung ương Đảng khóa VI, VII

Phó Viện trưởng Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh  (1981-1987)

 

Cù Văn Chước (1928-2007)

Phó Viện trưởng Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh (1983-1990)

Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh (1990-1999)

 

Hoàng Khắc Ưng (1948-1997)

Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh (1989-1997)


Nguyễn Huy Hoan (1935-2012)

Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh (1989-1997)

 

Đỗ Văn Trụ (1944)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh (1991-1998)


Nguyễn Thị Tình (1951)

Tiến sĩ

Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh (1997-1999)

Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh (1999- 2007)



Chu Đức Tính (1954)

Tiến sĩ

Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh (1998-2006)

Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh (2007-2014)

 

Phạm Duy Quế (1942)

Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh (1998-2003)


Đỗ Trọng Bằng (1950)

Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh (2004-2010)


Vũ Thị Nhị (1954)

Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh (2004-2010)


Nguyễn Thúy Đức (1961)
Thạc sỹ

Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh (2010-2014)

Q. Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh (2014-2016)


Nguyễn Anh Tuấn (1959)

Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh (2010-2019)


Phạm Thị Thu Hương (1969)
Tiến sĩ

Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh (2014-2016)

 

Vũ Mạnh Hà (1972)

Tiến sĩ

Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh (2016)

Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh (2016 đến nay)


Phạm Thị Thanh Mai (1977)

Tiến sĩ

Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh (2016 đến nay)

 

Đỗ Thị Thu Hằng (1978)

Thạc sỹ

Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh (12/2020 đến nay)

 
 
 
 
Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi