Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà báo cách mạng đã khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam. Người đã đã sáng lập ra nhiều tờ báo như Người cùng khổ (Le Paria năm 1922), Quốc tế nông dân (1924), Thanh niên (1925), Công nông (1925), Lính Kách mệnh (1925), Thân ái (1928), Đỏ (1929), Việt Nam độc lập (1941)... và trực tiếp vẽ tranh minh họa, biếm họa - những hình thức tiền đề của tranh cổ động chính trị - trên nhiều số báo, đầu báo. Giá trị tiên phong chứa đựng trong các tác phẩm biếm họa, minh họa chính trị do nhà báo Nguyễn Ái Quốc thực hiện từ những năm 1920 chính là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng và tạo ra thành quả rực rỡ của nghệ thuật tranh cổ động Việt Nam.
Đối với Báo Le Paria, trên 38 số báo xuất bản, Nguyễn Ái Quốc đã vẽ một số tranh biếm họa lên án trực diện chính sách bóc lột thuộc địa tàn bạo của thực dân Pháp, tiêu biểu như những bức Văn minh bề trên (Civilisation supérieure); Triển lãm thuộc địa (Exposition coloniale); Hội nghị An-giê (La Conférence D’Angier); Vi hành (Incognito!...). Những bức biếm họa này được Nguyễn Ái Quốc thể hiện bằng những thủ pháp cường điệu, tập trung vào các hình ảnh tương phản, đối lập rất lớn về kích thước và vị trí giữa phía trên là tầng lớp thống trị và phía dưới, tầng lớp bị trị. Đó là những hình ảnh các ông chủ thực dân giàu có to béo đang cưỡi trên lưng người dân thuộc địa gày gò, đói ăn, rách rưới, những hình ảnh đã vạch trần và tố cáo mạnh mẽ bản chất bóc lột tàn bạo, phi nhân đạo của chế độ thực dân đối với các dân tộc thuộc địa nói chung và với dân tộc Việt Nam nói riêng. Mặc dù những minh họa đó đã được thể hiện bằng các kỹ thuật sáng tác hội họa cường điệu, tuy nhiên chúng vẫn chuyển tải được những ấn tượng hiện thực mạnh mẽ, chân thực đúng như những gì đã diễn ra trong từng trang sử đen tối ở khắp các mảnh đất thuộc địa.
Báo Thanh niên, xuất bản lần đầu năm 1925 là tờ báo có vai trò lịch sử đặc biệt quan trọng mở đầu cho việc tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin. Trên tờ báo này, Nguyễn Ái Quốc cũng đã trực tiếp thể hiện nhiều minh họa, trong đó có những bức phê phán sự thỏa hiệp với với thực dân Pháp trong chính sách quốc gia cải lương. Bức minh họa vẽ hai người, một người Pháp cầm gậy đánh một người Việt Nam. Người Việt Nam này, mặc dù bị đánh vẫn gãi tai cam chịu và gắng trình ra một mảnh giấy ghi mấy chữ “Pháp Việt đề huề” bằng chữ Hán.
Minh họa tuyên truyền cổ động độc đáo của báo Việt Nam độc lập. Ảnh: VHT
Báo Việt Nam độc lập xuất bản từ tháng 8, năm 1941 là tờ báo cách mạng ra được nhiều số nhất trong thời kỳ bí mật. Sự ra đời của báo Việt Nam độc lập bên cạnh các tờ báo cách mạng khác đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng của thể loại đồ họa tuyên truyền cách mạng, tạo tiền đề cho sự hình thành dòng tranh cổ động chính trị Việt Nam trên nhiều phương diện. Với 127 số báo hiện còn được lưu giữ, đã có khoảng 20 số có tranh minh họa và 3 số họa bản riêng biệt. Trong nhiều hình minh họa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bức “Việt Nam độc lập thổi kèn loa” là một minh họa độc đáo, đặc sắc, có nhiều giá trị với thể loại tranh cổ động chính trị. Bác đã rất sáng tạo khi sử dụng chính các từ “Việt Nam độc lập” – tên của tờ báo và là một khẩu hiệu thiêng liêng, một mơ ước cháy bỏng của cả dân tộc ghép thành hình một người đội nón, thổi kèn nhịp bước quân hành. Hình ảnh này mang những đặc trưng cho người Việt, nó tượng trưng cho cả dân tộc, tượng trưng cho sự đoàn kết, quyết tâm chiến đấu, quyết tâm đi theo tiếng gọi thiêng liêng của độc lập, tự do, thoát đời nô lệ, thoát khỏi gông cùm thực dân, phát xít. Để củng cố thêm cho sức mạnh tuyên truyền của hình ảnh, phía dưới minh họa còn có bài thơ Thất ngôn tứ tuyệt do chính Bác sáng tác: “Việt Nam độc lập thổi kèn loa. Kêu gọi nhân dân trẻ lẫn già. Đoàn kết vững bền như khối sắt. Để cùng nhau cứu nước Nam ta!”. Bức minh họa này đã được một số tài liệu mỹ thuật đánh giá như một bức tranh cổ động chính trị hoàn chỉnh và là một trong số ít những tác phẩm cổ động chính trị đầu tiên của cách mạng Việt Nam. Ngoài bức “Việt Nam độc lập thổi kèn loa”, tờ báo còn có các minh họa đặc sắc khác về tình hình chiến sự quốc tế, về tình cảnh nhân dân Việt Nam bị áp bức “một cổ hai tròng Nhật, Tây” hoặc cổ động toàn dân đoàn kết tiêu diệt thực dân, phát xít.
Theo các tổng kết về tờ Việt Nam độc lập, trên 30 số đầu của tờ báo đều có dấu ấn trực tiếp của Hồ Chí Minh trong tất cả các khâu của nghề làm báo, từ ý tưởng cho mỗi số, trực tiếp viết bài, sửa bài, vẽ minh họa, đến thực hiện các kỹ thuật in ấn thủ công, tìm kiếm phương tiện, địa điểm tổ chức in ấn và phát hành hệt như lúc Người làm tờ báo Le Paria bên Pháp. Mặc dù báo Việt Nam độc lập xuất bản trong hoàn cảnh khó khăn nhiều mặt, tuy nhiên với số lượng ấn phẩm đã được xuất bản và với những hình ảnh minh họa độc đáo, trực quan của tờ báo, hiệu quả tuyên truyền cổ động cách mạng là vô cùng to lớn, đặc biệt trong bối cảnh tỉ lệ mù chữ rất cao trong đại bộ phận dân chúng lúc bấy giờ.
Như vậy, thông qua các tư liệu hình ảnh và văn bản lịch sử của báo chí cách mạng Việt Nam, chúng ta có thể thấy rõ tài năng và công lao vô cùng to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người không chỉ khai sinh nền báo chí cách mạng mà còn trực tiếp đặt nền móng cho dòng tranh cổ động cách mạng Việt Nam, một thể loại đã trở thành niềm tự hào của nền mỹ thuật cách mạng, một thể loại nghệ thuật đặc sắc, luôn kịp thời đồng hành cùng toàn dân tộc trên mỗi bước đường đấu tranh giành tự do, độc lập, chiến đấu, bảo vệ và xây dựng đất nước.
Nhân dịp Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 – 2019), tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 – CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và hướng tới kỉ niệm 129 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/05/1890 - 19/05/2019). Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề “Chân dung Hồ Chí Minh – Góc nhìn từ tranh cổ động” (1969 – 2011). Lễ khai mạc sẽ diễn ra 9h30, ngày 10 tháng 5 năm 2019 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, số 19 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội. |
Vũ Huy Thông,
Nhà nghiên cứu mỹ thuật, Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội