Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Nhớ lời kêu gọi toàn dân đi bầu cử của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày đăng: 02:46 22/05/2021
Lượt xem: 2.304

Tháng 5 này, chúng ta kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, và cũng là ngày Hội để cử tri cả nước tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ (2021 – 2026).  Sự kiện này là dấu mốc quan trọng trong nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

 

Cách đây 75 năm, ngày 06/1/1946 nhân dân ta đón chào ngày hội lớn – ngày Tổng tuyển cử. Lần đầu tiên mọi người được tự do thảo luận, bàn bạc và chọn lựa những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Nhớ lại không khí ngày đó cùng với không khí náo nức chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc Hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ (2021 - 2026) vào ngày 23/5/2021, ta lại nhớ đến lời kêu gọi toàn thể Quốc dân đi bầu cử của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày nào.
Sau khi nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Người đã đề ra một trong sáu nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện ngay là: Tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử, ứng cử không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống… để bầu ra Quốc hội.
Việc chuẩn bị cho Tổng tuyển cử đã diễn ra rất khẩn trương trong điều kiện thù trong giặc ngoài, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội hết sức khó khăn. Chúng ta vừa kháng chiến ở miền Nam, vừa phải giải quyết những nhiệm vụ rất cấp bách hàng ngày đặt ra, vừa thực hiện sách lược tạm hòa hoãn với quân Tưởng ở miền Bắc, đồng thời lại vừa phải đấu tranh để chống lại những hành động phá hoại điên cuồng của chúng.
Ngày 08/9/1945 Chính phủ ta đã ra sắc lệnh số 14/SL về việc Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội, thể hiện tính cấp thiết và ý nghĩa quan trọng của việc cần phải tổ chức ngay cuộc Tổng  tuyển cử trong cả nước.
Để cổ vũ, động viên nhân dân cả nước tích cực thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều bài viết đăng trên các báo nhằm để tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân các công việc liên quan đến bầu cử. Trong bài “Ý nghĩa Tổng tuyển cử” đăng trên báo cứu quốc số 130, ngày 31/12/1945 nêu rõ: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì có quyền đi bầu cử… vì lẽ đó cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng tức là dân chủ, đoàn kết…”.
Đặc biệt, một ngày trước khi diễn ra cuộc Tổng tuyển cử, Người đã có “Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu” đăng trên báo cứu quốc số 134 ngày 05/1/1946 với lời lẽ rất giản dị và dễ hiểu: “Ngày mai 06/01/1946, ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền làm chủ của mình…Ngày mai dân ta sẽ tỏ cho các chiến sĩ ở miền Nam rằng: Về mặt trận quân sự, thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn…, Ngày mai dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình và gánh vác việc nước. Ngày mai người ra ứng cử thì đông, nhưng số đại biểu thì ít, lẽ tất nhiên có người được cử, có người không được cử. Những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập cho tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung quên lợi riêng…phải làm cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với tổ quốc”. Còn những người không trúng cử, lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh như động viên, căn dặn nhưng chứa đựng tính nhân văn sâu sắc: “Người không trúng cử cũng không nên ngã lòng, mình đã tỏ lòng hăng hái với nước với dân thì luôn luôn phải giữ lòng hăng hái đó. Ở trong Quốc hội hay ở ngoài Quốc hội, mình cũng cứ ra sức giúp ích nước nhà. Lần này không được cử ta cứ gắng làm cho quốc dân nhận rõ tài đức của ta thì lần sau quốc dân nhất định sẽ cử ta. Ngày mai, tất cả các bạn cử tri đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập tự do”. Hồ Chí Minh toàn tập, trang 251, tập 4.
Theo Người, “Từ xưa đến nay, toàn quốc chưa bao giờ tuyển cử, vì xưa dân chưa bao giờ làm chủ mình, xưa dân phải nghe lời vua quan, sau thì phải nghe Thực dân Pháp, Nhật. Vừa rồi đây ta mới giành được độc lập… Ta đã phải hy sinh nhiều mới có cái quyền cầm lá phiếu ngày nay đó” Hồ Chí Minh toàn tập.
          Với lời lẽ giản dị, xúc động, lời kêu gọi toàn dân đi bầu cử của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấm vào trái tim của từng người Việt Nam, khích lệ, động viên toàn thể quốc dân, đồng bào vui vẻ hứng khởi đi thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của một dân tộc tự do, độc lập.
Trong số đặc biệt của báo cứu quốc Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi “Chúng ta hãy nghỉ việc để đến trước thùng phiếu. Chúng ta hãy thúc những người lừng khừng đến trước thùng phiếu, chúng ta hãy tỉnh táo để kiểm điểm công tác của Ủy Ban khu mình, đấy là một cách bảo vệ quyền hạn của mình. Ngay cả lần viết hộ chúng ta cũng nên có mặt để xem xét. Có quyền mà không tìm cách dùng quyền cho sáng suốt ấy là tự mình hủy quyền của mình. Hỡi các bạn cử tri ta chớ quên điều ấy”.
Sáng ngày 06/01/1946, khắp cả nước từ nông thôn đến thành thị, đâu đâu cũng rực rỡ cờ hoa, nhân dân không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai nô nức đi bỏ phiếu, sử dụng quyền làm chủ thực sự của mình. Mỗi người tự mình cầm lá phiếu của tự do giành được từ cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài gian khổ bằng cả máu, xương và nước mắt.
Hưởng ứng lời hiệu triệu thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của cách mạng tháng tám với ý chí sắt đá của một dân tộc quyết tâm bảo vệ nền độc lập tự do vừa giành được, toàn thể nhân dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, dân tộc, tôn giáo, từ Bắc chí Nam trên khắp mọi miền của tổ quốc đã nô nức tham gia bầu cử, giành trọn cho ngày lịch sử trọng đại, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của các lực lượng thù địch. Tinh thần đó đã mang lại kết quả 89% tổng số cử tri trên cả nước đi bỏ phiếu, nhiều địa phương có số cử tri đi bỏ phiếu đạt hơn 95%, cử tri cả nước đã bầu được 333 đại biểu vào Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với 98,4% số phiếu bầu, điều này minh chứng cho sự tin tưởng tuyệt đối của các tầng lớp nhân dân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
75 năm đã trôi qua, nhưng hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tổng tuyển cử bầu Quốc hội năm 1946 vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của hàng triệu trái tim Việt Nam. Những chỉ thị, sắc lệnh và hoạt động kêu gọi bầu cử của Người năm ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay với tinh thần và khí thế mới, chúng ta tin rằng ngày 23/5/2021 tới, nhớ lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh mỗi cử tri sẽ phát huy quyền và nghĩa vụ của mình, hăng hái đi bầu cử để lựa chọn những người thực sự có đủ đức và tài để cùng với Đảng, nhà nhước và Chính phủ gánh vác trọng trách đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vượt qua mọi thiên tai, dịch bệnh, xây dựng đất nước vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
 

Phan Thị Hằng

Khu di tích Kim Liên

Các bài viết khác

Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi