Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Nữ dân quân Nam Ngạn và kỷ niệm ba lần được gặp Bác Hồ
Ngày đăng: 09:54 23/10/2019
Lượt xem: 2.567

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chỉ Minh luôn quan tâm tới các tầng lớp nhân dân, trong đó có phụ nữ. Sự quan tâm và tình thương yêu của Người thật bình dị. Ai đã có dịp được tiếp xúc với Người dù chỉ một lần rất dễ nhận ra: từ cử chỉ ân cần, ánh mắt trìu mến hay lời nói thân mật như chính con người Bác. 

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng sự quan tâm ấy của Người vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của nữ dân quân Nam Ngạn - bà Nguyễn Thị Hằng (nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội). Sau nhiều lần hẹn, bà đã nhận lời tiếp chúng tôi tại trụ sở của Hội dạy nghề Việt Nam, nơi bà công tác sau khi nghỉ hưu. Trong câu chuyện, bà Nguyễn Thị Hằng xúc động đưa chúng tôi trở về những năm tháng hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, ba lần bà vinh dự gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, được chụp ảnh, xem phim và nhận Cờ Quyết thắng Người trao tặng cho quân, dân Tiểu khu Nam Ngạn...

Cùng đồng đội bảo vệ cầu Hàm Rồng - con đường huyết mạch

Bà Nguyễn Thị Hằng sinh năm 1944 trong một gia đình thuần nông tại làng Nam Ngạn, xã Đông Giang, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa (nay là phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Như bao bạn bè cùng trang lứa, Nguyễn Thị Hằng lớn lên tại làng quê, tham gia nhiệt tình vào các phong trào địa phương, được bầu làm Chi đoàn trưởng, Tiểu đội trưởng dân quân rồi tham gia Ban quản trị Hợp tác xã phụ trách về kỹ thuật. Chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ nổ ra, thanh niên của làng người lên phía Bắc làm đường, người được điều vào Nam chiến đấu, chị được cử làm Trung đội trưởng rồi Khu đội trưởng dân quân Nam Ngạn - Hàm Rồng ở độ tuổi 20. Tuy là phụ nữ nhưng chị đã vững vàng chỉ huy đơn vị, đánh trả máy bay Mỹ bảo vệ cầu Hàm Rồng - con đường huyết mạch chi viện từ miền Bắc vào miền Nam.
 

Bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

 

“Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, do nhận rõ vị trí trọng yếu của cầu Hàm Rồng, nên đế quốc Mỹ coi đây là một mục tiêu “ưu tiên” của không quân. Trước sự hiểm nguy, Trung ương chỉ đạo sơ tán hết người già và trẻ em, còn lực lượng nòng cốt ở lại chiến đấu bảo vệ cầu, đường và các khu công nghiệp tại Hàm Rồng. Vì thế, chúng tôi ở lại địa phương xác định rõ nhiệm vụ rất nặng là vừa chiến đấu, vừa sản xuất ngay trên chính mảnh đất liên tục bị bom Mỹ giày xéo.
Ngày 3 và 4/4/1965, không quân Mỹ đã xuất kích 454 lượt/chiếc máy bay, ném hàng nghìn tấn bom đạn xuống khu vực Nam Ngạn - Hàm Rồng. Có thể nói, đây là lần đầu tiên bộ đội chủ lực và dân quân tự vệ của chúng tôi giáp mặt chiến đấu với không quân Mỹ. Vì được tập luyện kỹ và sự quyết tâm cao nên quân, dân Thanh Hoá đã hợp đồng tác chiến, lập nên kỷ lục đầu tiên về thành tích bắn rơi 47 máy bay Mỹ. Ngoài việc ngày đêm bảo vệ dân, tổ chức cho dân quân hợp đồng chiến đấu, chúng tôi còn tham gia tải đạn, thay thế pháo thủ, bổ sung lực lượng chiến đấu cho hải quân, pháo cao xạ, đồng thời còn tham gia cứu thương, tải thương, xuống đồng sản xuất cấy cày...”, bà Hằng chia sẻ.
Trước hành động leo thang bắn phá của đế quốc Mỹ, các tầng lớp nhân dân Nam Ngạn đã biến quyết tâm thành hành động cách mạng “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Kết thúc chiến tranh, quân và dân Thanh Hóa đã bắn rơi 200 chiếc máy bay Mỹ, riêng Hàm Rồng bắn rơi trên 100 chiếc và bắt sống nhiều giặc lái. Có thể nói, chiến thắng Hàm Rồng đã làm nức lòng quân, dân cả nước, là nguồn động lực để tiếp tục tiến lên đánh thắng hoàn toàn đế quốc Mỹ, giành lại độc lập tự do, thống nhất đất nước.

Về ký ức ba lần gặp Bác

Sau chiến thắng, ngày 7/8/1965, bà Nguyễn Thị Hằng đại dện cho dân quân Nam Ngạn được ra Hà Nội dự Đại hội Thi đua “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” tại Hội trường Câu lạc bộ Quân nhân. Bà cho biết: “Hôm đó, gần đến giờ khai mạc Đại hội, chúng tôi đứng xếp hàng chào đón Người. Sau tiếng vỗ tay vang dội, vào đến hội trường, Người lần lượt bắt tay, thăm hỏi từng người đại diện cho 21 đơn vị. Đến lượt tôi, Bác đặt tay lên vai, rồi ân cần hỏi: “Cháu tên gì? Cháu ở đâu?”. Mừng rỡ và cảm động, tôi liền thưa: “Thưa Bác, cháu là Nguyễn Thị Hằng, cháu là Khu đội trưởng Khu dân quân Nam Ngạn - Hàm Rồng ạ!”. 
Cũng tại Đại hội, chị Nguyễn Thị Hằng đã được nghe báo cáo của các đồng chí Trung ương và Quốc phòng về tin chiến thắng từ các chiến trường, các khu và đơn vị. Sau đó, Người tặng cờ Quyết thắng cho 21 đơn vị, chị vinh dự thay mặt đơn vị Nam Ngạn lên nhận cờ và chụp ảnh lưu niệm cùng Người.
 

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp với đại biểu một số đơn vị và 21 cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc của các lực lượng vũ trang nhân dân toàn miền Bắc lần thứ nhất, ngày 7/8/1965. (Ảnh:  BTHCM)

 
Hiện nay, Kho cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh đang lưu giữ bức ảnh về sự kiện này, số KK: QĐ. 681/Q5. Trong ảnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số đồng chí Ủy viên Bộ Chính Trị: Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Lê Thanh Nghị… chụp với đại biểu một số đơn vị và 21 cá nhân (hàng ngồi) có nhiều thành tích xuất sắc của các lực lượng vũ trang nhân dân toàn miền Bắc lần thứ nhất, ngày 7/8/1965. Bà Hằng cho biết, đoàn hôm đó có 2 nữ là bà Hằng (ngồi thứ hai từ phải sang) và bà Lai ở thôn Bùi, xã Trịnh Xá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam (nay là Thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam).
Ngày hôm sau, đại diện của 21 đơn vị trên lại vinh dự được gặp Bác tại Hội trường Câu Lạc bộ Quân nhân lần thứ 2. Lần gặp này, Bác căn dặn đại diện các đơn vị sau khi trở về địa phương phải tiếp tục chiến đấu ngoan cường hơn nữa và cố gắng học tập để sau này phục vụ công cuộc xây dựng đất nước. 
Cũng trong năm 1965, bà Nguyễn Thị Hằng được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh lần thứ ba cũng là lần cuối cùng sau khi bà từ Liên Xô về nước. Bà Hằng nghẹn ngào nhớ lại khoảnh khắc khó quên: Khi đó, tôi còn nghỉ ở nhà khách của Bộ Quốc phòng, thì nhận được thông báo “6 giờ tối nay chị đi công tác và khi đi không được mang túi xách”. Hồi hộp xen lẫn sự lo âu, đúng hẹn tôi ra cổng Trạm 66 Bộ Quốc phòng thì có người đón và dẫn tới Phủ Chủ tịch. Đến nơi, bất ngờ tôi nhìn thấy Bác Hồ đã đứng đợi ở ngoài sân.
Tại buổi tiếp, Bác đã hỏi thăm sức khỏe của tôi sau khi về nước, rồi hỏi về cách đánh và bố trí trận địa cũng như kinh nghiệm vừa sản xuất, vừa chiến đấu của quân dân Nam Ngạn - Hàm Rồng... Tôi lần lượt trả lời các câu hỏi của Bác, rồi Người mời tôi ở lại xem phim cùng. Đến phòng chiếu phim, Bác liền hỏi các chú bộ đội: Các chú có biết ai đây không? Mọi người đang ngơ ngác, Bác giới thiệu luôn: Cô Nguyễn Thị Hằng là con cháu của bà Triệu đây!...
Kết thúc buổi chiếu phim, trước khi ra về, Người dặn: “Ngày mai cháu về, cho Bác gửi lời hỏi thăm Đảng bộ và bà con nhân dân Nam Ngạn, nhất định chúng ta sẽ thắng Mỹ, nhưng còn phải hy sinh gian khổ. Cháu báo cáo với Đảng bộ và bà con phải phòng tránh và bảo vệ lực lượng cho tốt để còn chiến đấu lâu dài. Cho Bác gửi lời hỏi thăm bố mẹ và gia đình, chiến tranh sẽ kết thúc nhưng các cháu phải học tập để xây dựng lại đất nước”...
Có thể nói ba lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, được nghe những lời căn dặn và cử chỉ ân cần của Người, thời gian dù có lùi xa nhưng sự quan tâm đó mãi luôn in đậm trong tâm khảm của bà Nguyễn Thị Hằng, đó là nguồn động lực để bà cố gắng vươn lên trong cuộc sống và công tác sau này.
Khắc sâu lời Bác dạy
Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trở về địa phương, bà Nguyễn Thị Hằng tiếp tục cuộc chiến đấu, bà được điều động vào quân đội giữ chức Thị đội phó Thị đội, thị xã Thanh Hóa và được cử đi học tại Quân Khu III. 
Cuối năm 1968, Chiến dịch Mậu Thân bước vào giai đoạn khốc liệt, cả nước tổng động viên lực lượng ra chiến trường, bà Nguyễn Thị Hằng được điều động về làm Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Thanh Hóa. Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IV năm 1974, bà được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đoàn và chuyển công tác ra Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Tại đây, bà liên tục phấn đấu trở thành Ủy viên Trung ương Đảng các khóa VI, VII, VIII, IX; Đại biểu Quốc hội các khóa IV, V, VI, VII, XI, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (1997 - 2008). Từ khi nghỉ hưu đến nay, bà Nguyễn Thị Hằng lại tiếp tục với công việc mới tại Hội dạy nghề Việt Nam với vai trò là Chủ tịch Hội.  
Kết thúc chặng đường 20 năm công tác phục vụ dài nhất ở Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nói về những bài học kinh nghiệm trong công tác, bà Nguyễn Thị Hằng dãi bày: Tôi đã kế thừa thành quả hoạt động của ngành từ các Bộ trưởng, Thứ trưởng tiền nhiệm và đội ngũ cán bộ của ngành để cùng tập thể xây dựng chính sách, cơ chế pháp luật… góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước luôn ổn định, phát triển. Với 75 tuổi đời và 55 tuổi Đảng, trải qua một quá trình phấn đấu liên tục, tôi tự hào đã thực hiện được những lời căn dặn của Bác, luôn học tập và làm làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ khi vào Đảng, vào Đoàn, đến khi gặp Bác và cho đến hôm nay hầu như tôi chưa bao giờ làm trái, tuy chỉ có mức độ không được đúng như yêu cầu của Bác, còn Đảng điều đi đâu tôi đều sẵn sàng. Tôi thấy rất vui, thanh thản và hạnh phúc./. 

Ths. Phí Thị Hồng Vân

 

 

Các bài viết khác

Xuân về nhớ thơ Bác
11/02/2024
84 lượt xem
Mùa Xuân nghĩ về Đảng
08/02/2024
55 lượt xem
"Chỉ sợ lòng dân không yên"
16/03/2023
936 lượt xem
Nơi yên nghỉ của Bà Nội Bác Hồ
25/09/2022
3.320 lượt xem
Quê hương vọng mãi lời Người
14/06/2022
1.079 lượt xem
Bác Hồ với quê hương Nam Đàn
03/09/2021
3.345 lượt xem
Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi