Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Bác Hồ trở lại Tuyên Quang lãnh đạo toàn quốc kháng chiến - Tầm vóc lịch sử và giá trị thời đại
Ngày đăng: 03:23 31/03/2022
Lượt xem: 1.419

Hội thảo khoa học “Bác Hồ trở lại Tuyên Quang lãnh đạo toàn quốc kháng chiến - Tầm vóc lịch sử và giá trị thời đại” tiếp tục bổ sung tư liệu, khẳng định và làm sâu sắc hơn nữa vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lãnh đạo toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp; khẳng định vai trò lịch sử của Tuyên Quang, thể hiện ý chí và khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc, cũng như quá trình Tuyên Quang phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang trong công cuộc đổi mới hiện nay.

 

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phát biểu đề dẫn tại Hội thảo.

 
Sáng 31/3, tại Tuyên Quang, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Tuyên Quang tổ chức Hội thảo khoa học: “Bác Hồ trở lại Tuyên Quang lãnh đạo toàn quốc kháng chiến - Tầm vóc lịch sử và giá trị thời đại”. Các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang; Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, chủ trì Hội thảo.
 
Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Trung ương; Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Vũ Minh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cùng đại diện một số ban, bộ, ngành trung ương và địa phương; các nhà khoa học.
 
Hội thảo khoa học với chủ đề “Bác Hồ trở lại Tuyên Quang lãnh đạo toàn quốc kháng chiến - Tầm vóc lịch sử và giá trị thời đại” là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ trở lại Tuyên Quang lãnh đạo kháng chiến (02/4/1947 – 02/4/2022) và hướng tới kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2022). Hội thảo nhằm tiếp tục bổ sung tư liệu, khẳng định và làm sâu sắc hơn nữa vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lãnh đạo toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp; đồng thời, khẳng định vai trò lịch sử của Tuyên Quang - nơi đặt cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến, thể hiện ý chí và khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc, cũng như quá trình Tuyên Quang phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang trong công cuộc đổi mới hiện nay.
 

 Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang, phát biểu khai mạc Hội thảo.

 
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang, cho biết: Tuyên Quang là vùng đất có truyền thống lịch sử lâu đời, có vị thế chiến lược quan trọng trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc. Từ xa xưa, Tuyên Quang là vùng đất “phên dậu” vững chắc che chắn kinh thành Thăng Long… Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, do hội tụ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, Tuyên Quang được chọn thủ đô của quân giải phóng, nơi Bác Hồ, Trung ương Đảng, chính phủ ở và lãnh đạo kháng chiến thành công, một mốc son chói lọi, biểu tượng khát vọng hòa bình, độc lập, tự do và bình đẳng trên toàn thế giới…
 
Đồng chí Chẩu Văn Lâm tin tưởng rằng kết quả Hội thảo sẽ là động lực to lớn để Tuyên Quang và các tỉnh trong vùng căn cứ địa Việt Bắc tiếp tục phát huy giá trị lịch sử, ý chí cách mạng, để giáo dục truyền thống yêu nước cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; là điều kiện thuận lợi để các tỉnh trong vùng phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế, phát triển du lịch, dịch vụ, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm.
 
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là quyết định lịch sử trở lại Tuyên Quang lãnh đạo công cuộc kháng chiến, kiến quốc, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, khẳng định: “Hành trình lịch sử từ Tân Trào về Hà Nội năm 1945 đã mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập, tự do. Hành trình lịch sử từ Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước, về Tuyên Quang - Thủ đô kháng chiến, đó là hành trình của cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính”.
 
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ: Bác Hồ trở lại Tuyên Quang lãnh đạo toàn quốc kháng chiến mở ra hành trình đưa kháng chiến đến thắng lợi, đã để lại nhiều bài học quý báu cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước ngày nay. Đó là bài học về lựa chọn địa bàn đứng chân, xây dựng căn cứ địa cách mạng, bảo đảm các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, trong đó “dân là gốc” để đưa cách mạng đến thắng lợi. Đó là bài học về phát huy chủ nghĩa yêu nước Việt Nam - truyền thống quý báu của dân tộc ta và là một cội nguồn của thắng lợi. Đó là bài học nêu cao ý chí quật cường của cả một dân tộc, nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ, vì độc lập của dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đó là bài học về xây dựng, chỉnh đốn Đảng xứng danh đảng cầm quyền, lãnh đạo kháng chiến và kiến quốc, được dẫn đường bởi một tư tưởng cách mạng và khoa học, bởi đường lối chính trị đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ.
 
“Kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ trở lại Tuyên Quang lãnh đạo toàn quốc kháng chiến, chúng ta càng có thêm niềm tự hào, ý chí, quyết tâm mới, vững tin vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, càng đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, xây dựng, phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai các cường quốc năm châu như nguyện ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại” – đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
 

 Hội thảo khoa học “Bác Hồ trở lại Tuyên Quang lãnh đạo toàn quốc kháng chiến - Tầm vóc lịch sử và giá trị thời đại”.

 
Hơn 40 tham luận của các đồng chí lãnh đạo một số ban, bộ, ngành trung ương, một số địa phương và tỉnh Tuyên Quang cùng các nhà khoa học tham gia Hội thảo đã tập trung phân tích, làm rõ nhiều nội dung.
 

Tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi quyết định trở lại Tuyên Quang lãnh đạo toàn quốc kháng chiến

 
Trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chọn Tuyên Quang làm “đại bản doanh” của cách mạng. Tháng 8/1945, nơi đây đã diễn ra những sự kiện lịch sử trọng đại, những quyết định lớn thể hiện sự nhạy bén, sáng suốt và ý chí, quyết tâm cao độ của Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh khi lãnh đạo dân tộc vùng lên tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám, đưa đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trước khi rời Tuyên Quang trở về Thủ đô Hà Nội, với sự nhạy cảm chính trị và tầm nhìn vượt trước thời gian, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên lượng “Biết đâu, chúng ta còn trở lên đây nhờ cậy đồng bào lần nữa...”.
 
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách, trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” khi cùng một lúc phải đối phó với thù trong, giặc ngoài; vừa kháng chiến vừa kiến quốc; vừa xây dựng vừa củng cố chính quyền cách mạng. Mặc dù đã ký Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946, nhưng thực dân Pháp không những không thi hành mà còn tìm cách phá hoại, ra sức chuẩn bị chiến tranh nhằm xâm chiếm nước ta một lần nữa. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, Chính phủ đã nỗ lực thực hiện những biện pháp đấu tranh mềm dẻo, linh hoạt và nhân nhượng có nguyên tắc để bảo vệ độc lập và giữ gìn hòa bình đất nước. Tuy nhiên, “chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!”. Trước tình thế đó, ngày 19/12/1946, Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định phát động đồng bào và chiến sĩ cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
 
Sau ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ, đầu năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương Đảng, Chính phủ, Thường trực Quốc hội quyết định trở lại căn cứ địa Việt Bắc với niềm tin son sắt: “Cách mệnh đã do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”. Ngày 02/4/1947, Người trở lại Tuyên Quang. Một lần nữa Tuyên Quang đi vào lịch sử khi trở thành “Thủ đô kháng chiến” của dân tộc.
 
Lựa chọn quay trở lại Tuyên Quang của Chủ tịch Hồ Chí Minh là quyết định thể hiện tầm nhìn chiến lược, bởi Tuyên Quang là nơi hội tụ đầy đủ những yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để trở thành căn cứ đầu não cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Đây là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, có vị trí chiến lược quan trọng. Trải qua các thời kỳ lịch sử, nhân dân Tuyên Quang đã cùng nhân dân cả nước anh dũng chiến đấu chống giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ của đất nước, góp phần làm nên những trang sử hào hùng của dân tộc.
 

Tuyên Quang trong hành trình Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn quốc kháng chiến giành thắng lợi

 
Nhân dân Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong điều kiện vô cùng khó khăn khi phải đối mặt với đội quân xâm lược chính quy, nhà nghề của thực dân Pháp, lại được các lực lượng đế quốc giúp sức, trong khi chúng ta vừa mới giành được độc lập, có Nhà nước nhưng chưa được nước nào công nhận về mặt ngoại giao; quân đội còn non trẻ, trang bị vũ khí, kỹ thuật còn thiếu thốn…
 
Trở thành nơi sống và làm việc chủ yếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi đứng chân của hầu hết các cơ quan lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Thường trực Quốc hội và các Ban, Bộ, Ngành Trung ương, Tuyên Quang chính là nơi in đậm dấu ấn Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội lãnh đạo toàn dân tộc vượt qua những khó khăn, thách thức, đưa kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi.
 
Để lãnh đạo kháng chiến thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm lãnh đạo xây dựng hệ thống chính trị, trong đó có xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng bộ máy nhà nước thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mặt trận dân tộc thống nhất. Người đã cùng Trung ương Đảng, Chính phủ, Thường trực Quốc hội chỉ đạo tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm; tiến hành giảm tô, giảm tức và tiến tới thực hiện “người cày có ruộng”, chia ruộng đất cho nông dân nghèo. Đồng thời, Người cũng chỉ đạo những chiến dịch lịch sử quan trọng như: Chiến dịch Việt Bắc (Thu Đông 1947), Chiến dịch Biên giới (1950), Chiến dịch Hòa Bình (Đông Xuân 1951 – 1952),... và đặc biệt là Chiến cục Đông Xuân 1953 – 1954, với đỉnh cao là Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
 
Tuyên Quang còn là nơi ghi dấu những hoạt động quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên lĩnh vực ngoại giao. Bằng đường lối và nghệ thuật ngoại giao tài tình, Người đã tranh thủ được cao nhất sự ủng hộ to lớn và rộng khắp của các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
 
Thời gian sống và làm việc tại Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo và tham dự những sự kiện lịch sử quan trọng của Đảng và dân tộc như: Đại hội lần thứ II của Đảng (2/1951), Đại hội thống nhất Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt (3/1951); Hội nghị liên minh nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia và sự thành lập khối liên minh chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương (3/1951); Quốc hội khóa I kỳ họp thứ ba (12/1953); các hội nghị của Bộ Chính trị, các phiên họp của Hội đồng Chính phủ…
 

Đảng bộ, nhân dân Tuyên Quang với sự nghiệp kháng chiến kiến quốc

 
Vinh dự và tự hào được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng trao cho sứ mệnh đặc biệt là nơi chủ yếu đặt các cơ quan đầu não kháng chiến, Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang đã phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của cách mạng.
 
Suốt 9 năm kháng chiến, Tuyên Quang đã cùng với các tỉnh trong vùng chiến khu Việt Bắc đã làm tròn nhiệm vụ xây dựng, chiến đấu, bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan đầu não của Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, tích cực đóng góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến.
 
Bước vào thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang đã đồng tâm, hợp lực đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, cùng nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam, thống nhất hai miền Nam Bắc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
 

Đảng bộ, nhân dân Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới

 
Sau khi kháng chiến thành công, đất nước thống nhất, cùng với cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang đã nỗ lực đạt nhiều thành tựu, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới, từng bước đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc.
 
Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang luôn xác định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là động lực quan trọng để vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng hơn nữa trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Với tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, sáng tạo, phát triển, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang tin tưởng sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, xây dựng Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc, xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng, “Thủ đô khu giải phóng”, “Thủ đô kháng chiến”.
 
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: 75 năm đã trôi qua kể từ ngày Bác Hồ cùng Trung ương Đảng và các cơ quan đầu não kháng chiến trở lại Tuyên Quang, căn cứ địa Việt Bắc, xây dựng căn cứ đầu não kháng chiến, lãnh đạo thắng lợi cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc chống thực dân Pháp xâm lược. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta càng tự hào và sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả hơn nữa giá trị di sản từ thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, phát huy sức mạnh tổng hợp trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Theo http://hochiminh.vn

 

Các bài viết khác

Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi