Ngày 08/5/2021, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học: “Đồng chí Phùng Chí Kiên với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An”. Website Bảo tàng Hồ Chí Minh trân trọng giới thiệu bài phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo
Thưa các đồng chí,
Với 16 năm hoạt động cách mạng liên tục, kể từ khi được giác ngộ lý tưởng đấu tranh giải phóng dân tộc cho đến hơi thở cuối cùng, đồng chí Phùng Chí Kiên - nguyên Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, phụ trách Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng, nguyên Chỉ huy trưởng Đội Cứu quốc quân 1 - một trong những đơn vị tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đã có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đồng chí là nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà chính trị, quân sự song toàn, người chiến sĩ kiên cường của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
1. Đồng chí Phùng Chí Kiên - từ người thanh niên yêu nước trở thành một trong những đảng viên thế hệ đầu tiên của Đảng
Đồng chí Phùng Chí Kiên tên khai sinh là Nguyễn Vĩ, sinh ra tại làng Mỹ Quan Thượng, nay thuộc xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Kế thừa tinh thần yêu nước, thương dân của một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, chứng kiến nỗi khổ cực của đồng bào dưới ách nô dịch của thực dân Pháp xâm lược, đồng chí đã sớm hình thành hoài bão cứu nước, cứu dân.
Trưởng thành trong quá trình tham gia sinh hoạt, lao động cùng với công nhân, thợ thuyền ở Diễn Châu, đồng chí Phùng Chí Kiên đã sớm giác ngộ, tiếp cận với nhiều tư tưởng yêu nước tiến bộ, trong đó đặc biệt là tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Năm 1926, đồng chí tham gia hoạt động cách mạng, được cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) tham dự lớp huấn luyện chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp đào tạo và đã trở thành một hội viên ưu tú, tích cực của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Sau khóa học, đồng chí được chính lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lựa chọn, giới thiệu vào học tại Trường Quân sự Hoàng Phố để chuẩn bị nguồn cán bộ quân sự cho cách mạng Việt Nam sau này. Khi quân đội Tưởng Giới Thạch tiến hành cuộc chính biến phản cách mạng, với tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, đồng chí Phùng Chí Kiên và nhiều cán bộ cách mạng Việt Nam đã sát cánh chiến đấu cùng lực lượng cách mạng Trung Quốc. Tháng 12-1927, đồng chí tham gia khởi nghĩa Quảng Châu, hoạt động tại khu Xô viết Hải - Lục - Phong; đến tháng 12-1929, đồng chí tham gia chiến đấu trong Hồng quân Trung Quốc và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tháng 12-1930, đồng chí trở lại Hồng Công hoạt động và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương - chiến đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập của dân tộc và tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Từ một thanh niên yêu nước, vượt lên mọi hoàn cảnh khó khăn, không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện và trưởng thành trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, đồng chí Phùng Chí Kiên đã trở thành người chiến sĩ cộng sản thế hệ đầu tiên của Đảng. Đặc biệt, trên hành trình đến với lý tưởng cộng sản cao đẹp và trở thành một người cộng sản, đồng chí là biểu trưng của tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, của tình đoàn kết chiến đấu giữa hai Đảng và nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc trong thời kỳ đầu của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.
2. Đồng chí Phùng Chí Kiên - nhà chính trị, quân sự tài ba, song toàn
Đồng chí Phùng Chí Kiên thuộc lớp thanh niên đầu tiên được vinh dự tham gia lớp huấn luyện chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức và trực tiếp giảng dạy ở Quảng Châu. Là một học viên xuất sắc, đồng chí đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lựa chọn cử sang học tập tại Trường Đại học Phương Đông - trường đào tạo cán bộ chính trị nổi tiếng của Quốc tế Cộng sản. Tại đây, đồng chí đã không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện, được đánh giá là người "có khả năng lớn về công tác, năng động, trình độ chính trị cao, kết quả học tập nói chung tốt" (1) và trở thành một trong những "hạt giống đỏ" của cách mạng Việt Nam.
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Phương Đông, tháng 3-1934, đồng chí Phùng Chí Kiên được Quốc tế Cộng sản cử về tăng cường cho Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng, tham gia khôi phục hệ thống tổ chức Đảng ở trong nước và chuẩn bị cho Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương. Vận dụng lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin và đường lối của Quốc tế Cộng sản vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, trên cương vị Ủy viên Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng, vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức của tình hình cách mạng lúc bấy giờ, đồng chí đã góp phần quan trọng chuẩn bị cho Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 3-1935) diễn ra tốt đẹp, đánh dấu sự khôi phục lại hệ thống tổ chức Đảng và phong trào cách mạng trong nước.
Đồng chí Phùng Chí Kiên đã có những đóng góp to lớn trong việc phát triển, hoàn thiện đường lối chiến lược, sách lược của Đảng, nhất là trong xây dựng đường lối và tổ chức chỉ đạo Cao trào cách mạng dân chủ (1936-1939); xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức Đảng ở khu vực biên giới Việt - Trung (1939-1941); tham gia xây dựng, bổ sung đường lối và tổ chức chỉ đạo Cao trào cách mạng giải phóng dân tộc trong năm 1941... Tháng 9-1937, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng mở rộng (họp ở Sài Gòn), đồng chí Phùng Chí Kiên được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Cuối năm 1937, khi đồng chí Lê Hồng Phong về nước hoạt động, đồng chí được cử giữ cương vị phụ trách Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng. Tháng 5-1941, tại Pác Bó, Cao Bằng, đồng chí Phùng Chí Kiên tham dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì và đã đóng góp tích cực cho chủ trương "thay đổi chiến lược" của Đảng ta đặt lên trên hết và trước hết nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Tại hội nghị, đồng chí đã được bầu lại vào Trung ương Đảng và sau đó, được phân công chỉ huy Khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai, là Chỉ huy trưởng Đội Cứu quốc quân 1.
Không chỉ là nhà hoạt động chính trị xuất sắc, đồng chí Phùng Chí Kiên còn là một nhà quân sự tài năng. Khẳng định điều này, nhà trường và cố vấn quân sự Liên Xô đã nhận xét: đồng chí "là người có năng lực chỉ huy về quân sự", "có đầu óc quân sự và kỹ thuật, có khả năng lớn về công tác và năng động" (2). Trong thời gian tham gia Hồng quân Trung Quốc, đồng chí Phùng Chí Kiên đã được tín nhiệm cử làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 4, Quân đoàn 2, Hồng Quân Đông Giang, trực tiếp tham gia chiến đấu và chỉ đạo chiến đấu khoảng 50 trận lớn nhỏ đánh bại quân Quốc dân Đảng.
Trong thời gian học ở Trường Đại học Phương Đông, ngoài những kiến thức chuyên sâu về lý luận chính trị, đồng chí Phùng Chí Kiên còn được đào tạo một khóa đặc biệt về mật mã quân sự và sử dụng vô tuyến điện. Với năng lực và trí tuệ sắc bén, đồng chí được các chuyên gia Liên Xô đánh giá "là người có trình độ quân sự và kỹ thuật vô tuyến điện giỏi" (3).
Thời gian chuẩn bị về nước cùng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, với tài năng quân sự nổi bật, đồng chí Phùng Chí Kiên được Người cử biên soạn tài liệu huấn luyện cán bộ nói chung và tham gia huấn luyện, đặc trách về lĩnh vực quân sự nói riêng. Trên cương vị chỉ huy Khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai và Chỉ huy trưởng Đội Cứu quốc quân 1, đồng chí đã chỉ đạo xây dựng và phát triển các đội tự vệ, du kích tại các địa phương, chủ động, khôn khéo phục kích, vừa tiến công địch, thu vũ khí, vừa bảo vệ an toàn khu căn cứ và các đồng chí cán bộ Trung ương Đảng về quán triệt nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 5-1941.
Đồng chí Phùng Chí Kiên là một trong những cán bộ cấp cao đầu tiên được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh phân công phụ trách lĩnh vực quân sự. Khẳng định tài năng chính trị - quân sự của đồng chí Phùng Chí Kiên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Đồng chí là một cán bộ có đức độ và tài năng cả chính trị và quân sự, được đào tạo cơ bản, nhạy bén phát hiện tình hình, sống gần gũi, hòa mình với đồng chí đồng bào... là một trong những lãnh đạo tiền bối đã có công lao to lớn đối với Đảng ta, quân đội ta, không chỉ về mặt tổ chức mà cả về đường lối cách mạng" (4).
3. Đồng chí Phùng Chí Kiên - tấm gương người cộng sản trọn đời phấn đấu, anh dũng, bất khuất trước kẻ thù, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
Mang trong mình nhiệt huyết của tuổi trẻ, phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước, đồng chí Phùng Chí Kiên đã sớm tham gia hoạt động yêu nước, lựa chọn con đường cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp làm mục tiêu, lý tưởng phấn đấu của cuộc đời. Gác lại tình cảm và hạnh phúc riêng của cá nhân, đồng chí đã dành tất cả tâm huyết và sức lực để cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, đặt lợi ích của đất nước, dân tộc lên trên hết và trước hết.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Phùng Chí Kiên đã vượt qua mọi gian khổ, hiểm nguy để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Hai lần bị bắt giam, đày ải trong chốn lao tù tàn bạo của chính quyền Tưởng Giới Thạch và thực dân Anh, đồng chí luôn vững vàng tinh thần cách mạng, giữ vững khí tiết của người cộng sản. Hoạt động trong hoàn cảnh bí mật, đầy gian nguy, đồng chí luôn kiên định với mục tiêu, lý tưởng và con đường đã chọn, hết mực trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, nêu tấm gương sáng về tinh thần kiên trung, bất khuất của người cộng sản.
Là một trong những học viên lớp huấn luyện chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy, có thời gian được sống, làm việc gần Người, đồng chí Phùng Chí Kiên đã được thấm nhuần những bài học sâu sắc về tư cách của người cán bộ và tấm gương đạo đức cách mạng rất mực trong sáng, cao đẹp của người thầy, vị lãnh tụ kính yêu. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, đồng chí luôn chú trọng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu cao tinh thần tận trung với đất nước, với Đảng, tận hiếu với dân; dựa vào dân và vì nhân dân; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập của dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân; chấp hành tuyệt đối sự phân công của tổ chức; nêu cao tinh thần quốc tế vô sản trong sáng.
Đồng chí Phùng Chí Kiên là tấm gương tiêu biểu về khí phách kiên cường, anh dũng, bất khuất của người chiến sĩ cách mạng trước kẻ thù. Trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, Khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai bị bao vây bởi số lượng lớn quân địch, với tài năng quân sự và sự nhạy bén chính trị, đồng chí Phùng Chí Kiên đã có một quyết định rất sáng suốt: bố trí một lực lượng bảo vệ các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương rút khỏi căn cứ về xuôi; một bộ phận lực lượng ở lại chiến đấu, giữ vững phong trào cách mạng; đồng thời một bộ phận chia thành hai cánh rút lui lên vùng biên giới để bảo toàn lực lượng. Khi trực tiếp chỉ huy đơn vị rút lui lên vùng biên giới phía bắc, bị kẻ địch phát hiện và tập trung lực lượng bao vây, đồng chí đã sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ kiên cường chiến đấu. Ngày 22-8-1941, trong một trận chiến đấu không cân sức với kẻ thù tại Ngân Sơn (Bắc Kạn), đồng chí đã anh dũng hy sinh.
Hình ảnh đồng chí Phùng Chí Kiên dù bị kẻ địch phục kích bắn trọng thương, vẫn kiên quyết ở lại đánh chặn địch để đồng đội rút lui, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng là biểu tượng cho bản lĩnh, khí phách và tình cảm cao đẹp của người chỉ huy, người chiến sĩ cách mạng. Đồng chí ngã xuống nhưng cuộc đời, hoạt động và cống hiến to lớn của đồng chí vẫn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đồng chí vẫn mãi là tấm gương ngời sáng cho các thế hệ cán bộ, đảng viên học tập, noi theo.
4. Đồng chí Phùng Chí Kiên - người con ưu tú của quê hương Nghệ An
Nghệ An là một vùng đất "địa linh nhân kiệt", giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng. Mạch nguồn truyền thống yêu nước nơi đây đã hun đúc, nuôi dưỡng nhiều danh nhân ưu tú của đất nước, trong đó có đồng chí Phùng Chí Kiên, hướng đồng chí đi theo con đường cách mạng đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Cuộc đời cách mạng vẻ vang và tấm gương đạo đức cao đẹp của đồng chí Phùng Chí Kiên đã góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, làm rạng danh thêm những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam và vùng đất xứ Nghệ.
Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, cùng cán bộ, đảng viên và đồng bào cả nước, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An không ngừng học tập và làm theo tấm gương đồng chí Phùng Chí Kiên, nỗ lực thi đua lập nhiều thành tích, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 (nhiệm kỳ 2020-2025), Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, quyết tâm hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía bắc, năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước.
Thưa các đồng chí!
Trong không khí toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; hướng tới kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và trong đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của cử tri cả nước tham gia bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, Đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Hội thảo hôm nay càng có ý nghĩa thiết thực để góp phần bồi dưỡng, giáo dục truyền thống và nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, đặc biệt là thế hệ trẻ, phấn đấu xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, hoàn thành tâm nguyện của các bậc anh hùng, những người đã cống hiến, hy sinh trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
---------------------------
(1) Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam: Phùng Chí Kiên - Tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.73.
(2) Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam: Phùng Chí Kiên - Tiểu sử, Sđd, tr.169.
(3) Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam: Phùng Chí Kiên - Tiểu sử, Sđd, tr.170.
(4) Thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Hội thảo khoa học về đồng chí Phùng Chí Kiên - một người cộng sản kiên cường, một nhà lãnh đạo cách mạng tiền bối xuất sắc, chính trị, quân sự song toàn. (Kỷ yếu Hội thảo, NXB, QĐND, H.2009, tr.9).