Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Bảo tàng Hồ Chí Minh, biểu tượng của tình hữu nghị Việt Xô - chuyện bây giờ mới kể
Ngày đăng: 04:36 13/11/2020
Lượt xem: 2.573

Tọa lạc ở vùng đất thiêng, giữa Trung tâm lịch sử văn hóa Ba Đình, Bảo tàng Hồ Chí Minh rực rỡ như một Bông sen trắng. Công trình bảo tàng là kết quả của sự đầu tư công sức, trí tuệ, kinh phí của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta và sự viện trợ chí tình, chí nghĩa của bạn bè quốc tế, trong đó chủ yếu của nhân dân Xô Viết.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, thể theo nguyện vọng của toàn dân, Đảng và nhà nước ta đã quyết định xây dựng Lăng và bảo tàng về Người tại quảng trường Ba Đình. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh khánh thành năm 1975. Còn nhà bảo tàng, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng phân công đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng nội dung trưng bày, nhưng về kiến trúc ngôi nhà bảo tàng và thiết kế mỹ thuật trưng bày? Việt Nam không có tiền và cũng chưa hề có kinh nghiệm. Hai việc khó khăn này đã được Liên Xô vui lòng đảm nhận. Năm 1978, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô A. Côxưghin có thư gửi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam Phạm Văn Đồng, thông báo Chính phủ Liên Xô nhận giúp đỡ Việt Nam xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh bằng vốn viện trợ không hoàn lại.
 

Ông Garold Grigorievich Isakovich (1931 -1992) - kiến trúc sư nổi tiếng người Nga, tác giả thiết kế công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ông cũng là tác giả thiết kế Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô ở Hà Nội.

 
Kiến trúc sư Việt Nam chưa có truyền thống thiết kế bảo tàng hiện đại, nên trải qua rất nhiều lần thi tuyển rộng rãi, nhưng không bản vẽ nào đáp ứng được yêu cầu, cuối cùng đến năm 1982, việc thiết kế nhà bảo tàng đã được giao cho Viện thiết kế Mêdenxép thuộc Ủy ban Xây dựng nhà nước Liên Xô đảm nhiệm. Kiến trúc sư Garon Ixacôvích, người đã thiết kế Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, được chỉ định làm chủ trì thiết kế công trình.
Có một việc không nhiều người biết, nhưng qua đó càng thấy tấm lòng của các bạn Liên Xô với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là khi ký Hiệp định ngày 2/2/1979 về việc Liên Xô giúp xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh chỉ gồm phần công trình, nhưng phía Việt Nam lại hiểu rằng sẽ gồm cả tòa nhà bảo tàng cũng như trang thiết bị cũng như nội thất trưng bày. Sau này, trong quá trình làm việc, chúng ta mới phát hiện ra điều đó. Với điều kiện kinh phí và trình độ Việt Nam thời điểm đó, nếu chỉ có tòa nhà mà chưa có trang thiết bị và trưng bày nội thất, thì không hiểu 10 năm, 20 năm sau, liệu Việt Nam có mở cửa trưng bày được không? Trước tình hình đó, ngày 17/11/1983, Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam gửi thư tới Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô xin tiếp tục giúp đỡ cả về phần trang thiết bị và thi công nội thất bảo tàng. Rất nhanh chóng, không đầy một tháng sau, ngày 15/12/1983, phía Liên Xô có công hàm trả lời đồng ý với đề nghị của phía Việt Nam và giao công việc này cho Liên hiệp trang trí Mỹ thuật Mátxcơva và Bảo tàng Trung ương Lênin trực tiếp thực hiện.
Có thể nói, công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh được những kiến trúc sư, kĩ sư, họa sĩ, chuyên gia trưng bày… giỏi nhất, tài hoa nhất của Liên Xô khi đó trực tiếp sáng tạo và thi công. Vật tư, thiết bị cũng là những thứ đứng đầu khi đó: vật tư dùng trong nội thất trưng bày là của hàng không vũ trụ Liên Xô, toàn bộ trang thiết bị nghe nhìn, khi Việt Nam bày tỏ muốn dùng hàng Nhật, Bạn cũng vui lòng chi đô la Mỹ ra để mua và thuê kỹ sư Tiệp Khắc lắp ráp cho công trình.
 

Thiếu nhi Hà Nội họp mặt tại Nhà sàn Bác Hồ, tặng 1.000.000đ thu được trong "Kế hoạch nhỏ" góp phần xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh, 5/1990.

 
Theo thông lệ, khi nhận viện trợ cho một công trình (dù sau phải trả tiền hay không hoàn lại), phía nước nhận viện trợ phải có vốn đối ứng. Song do đòi hỏi cao của vật tư đặc chủng, nên Việt Nam chỉ góp gỗ, cát sỏi và nhân lực trong quá trình thi công. (Tác giả bài viết này cũng xin ghi nhận sự đóng góp to lớn về hiện vật, về kinh phí cho việc xây dựng nội dung và hàng chục nghìn ngày công lao động cộng sản của các lực lượng thanh niên, học sinh, sinh viên, bộ đội, đồng bào Thủ đô và cả nước cho việc giải phóng mặt bằng, hoặc xây dựng khuôn viên bảo tàng). Ngay cả tiền trả lương cho công nhân Việt Nam, khi biết Công ty xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh, một đơn vị của Tổng công ty xây dựng Hà Nội nhận nhiệm vụ thi công, chưa được nhận tiền công, phía Bạn đã cho bán bàn là, quạt điện, phích đá, xe đạp… là khoản viện trợ bằng hàng của bạn cho công trình, để lấy tiền trả lương. 
Nhìn lại những năm 1980, Việt Nam đang ở đáy của cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội. Sự nghiệp Đổi mới do Đảng ta phát động năm 1986, vừa mới bắt đầu, phải nhiều năm sau mới đem lại thay đổi tích cực. Vào những năm đó, nội bộ Liên Xô bắt đầu lâm vào khủng hoảng và không khắc phục được dẫn đến sụp đổ năm 1991. Nhớ lại bối cảnh đó mới thấy tấm lòng hào hiệp, vô tư của nhân dân Liên Xô vĩ đại như thế nào.   
 

Đoàn cán bộ Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh tham quan và học tập tại Bảo tàng Trung ương Lênin (Liên Xô), 1978.

 
Dấu ấn Xô Viết với Bảo tàng Hồ Chí Minh không chỉ có vậy, trước đó hơn một thập kỉ, những cán bộ nghiệp vụ đầu tiên của Bảo tàng Hồ Chí Minh đã được gửi đi đào tạo trên đại học ở Liên Xô và Bungari. Từ năm 1975, hàng năm Bảo tàng Trung ương Lênin đón 5 cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh sang Liên Xô trao đổi nghiệp vụ một tháng (từ 1985 đến 1990, rút xuống nửa tháng để số người được tham gia các khóa học tăng lên 10). Không kể các đoàn lãnh đạo đi kí kết hợp tác hoặc phối hợp với họa sĩ Liên Xô thiết kế mỹ thuật trưng bày, riêng các đoàn đi trao đổi nghiệp vụ đã tới gần 20 đoàn với hơn một trăm người tham dự. Gọi là trao đổi nghiệp vụ là cách bạn nói cho có vẻ bình đẳng, thực tế với các cán bộ của Bảo tàng Hồ Chí Minh coi đó là các chuyến đi học về phương pháp làm việc - chứ đã có kinh nghiệm gì mà trao đổi. Là người tham gia đoàn đi học năm 1982, tôi ấn tượng mãi về đất nước và con người Xô Viết. Ấn tượng không chỉ bởi Thủ đô Mátxcơva hay thành phố Lêningrát đồ sộ, tươi đẹp, các công trình văn hóa hoành tráng, mà chính ở sự ân cần của mỗi người dân Xô Viết đối với người Việt Nam chúng ta. Chúng tôi là cán bộ cấp nhỏ - rất nhỏ, mà được thu xếp ở Khách sạn Tháng Mười- khách sạn dành cho cán bộ cao cấp người nước ngoài; đích thân được bà Giám đốc Bảo tàng Trung ương Lênin Onga Crivôsâyna, đồng chí Glarunốp - Vụ trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô tiếp và giảng bài. Chị Larítxa, cán bộ phòng đối ngoại của bảo tàng thì ân cần chăm sóc chúng tôi như lũ em. Tôi nhớ mãi sau bữa cơm trưa ngày thứ 29 của chúng tôi ở Liên Xô, chị bảo: "Sáng mai về, chiều nay được nghỉ tự do, các em có nguyện vọng gì không?”. Là phó đoàn nhưng được anh Trưởng đoàn giao cho phát ngôn hàng ngày, nên tôi đề đạt luôn: "Chúng em nghe nói Tháp truyền hình Mátxcơva rất đẹp, chị có thể cho chúng em lên được không?”. Chị băn khoăn: “Đúng đấy, rất đẹp, nhưng vé khá cao, lại không có trong chương trình được duyệt”. Bọn tôi chia sẻ: "Vậy thì thôi chị ạ". Dường như đọc được vẻ tiếc nuối trên khuôn mặt chúng tôi, chị quả quyết đứng dậy: "Để chị gọi điện báo cáo Ban Giám đốc". Nói là làm, chị ra quầy lễ tân khách sạn gọi nhờ điện thoại, một lúc sau thấy chị hớn hở quay lại: "Được rồi các em, 13 giờ chiều nay đi nhé. Đi sớm để thời tiết đẹp, mới ngắm được toàn cảnh thành phố".
Đến nay, sau 30 năm hoạt động, toàn công trình cũng như mọi trang thiết bị về cơ bản vẫn đáp ứng được nhu cầu sử dụng của Bảo tàng, tuy nhiên không tránh khỏi việc cần phải chỉnh lý, nâng cấp để đáp ứng được tốt hơn nhu cầu ngày càng tăng của khách tham quan đến với Bảo tàng. Với nền tảng là tình yêu giành cho đất nước và con người Việt Nam cũng như Chủ tịch Hồ Chí Minh, hy vọng rằng, trong thời gian tới, Bảo tàng Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục nhận được sự tư vấn, giúp đỡ của các bạn Nga, để đưa công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh lên một tầm cao mới.

TS. Chu Đức Tính

Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh thời kỳ 2007-2014

 

 

Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi