Sáng ngày 11/7, tại thành phố Huế, Bảo tàng Hồ Chí Minh Trung ương phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị hướng dẫn nghiệp vụ "Đổi mới công tác sưu tầm trong Hệ thống bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn hiện nay". Tham dự có TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, giảng viên của Hội nghị; đồng chí Bùi Công Vinh, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Nghệ An; TS. Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Trung ương và lãnh đạo các đơn vị thuộc Hệ thống bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước.
Toàn cảnh Hội nghị hướng dẫn nghiệp vụ "Đổi mới công tác sưu tầm trong Hệ thống bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn hiện nay". Ảnh: BTHCM
Công tác sưu tầm hiện vật của Bảo tàng Hồ Chí Minh Trung ương và các đơn vị thuộc Hệ thống bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh có vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động của bảo tàng, là yếu tố cốt lõi, có tính quyết định sự hình thành, tồn tại và phát triển của mỗi bảo tàng.
TS. Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Trung ương phát biểu khai mạc Hội nghị hướng dẫn nghiệp vụ "Đổi mới công tác sưu tầm trong Hệ thống bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn hiện nay". Ảnh: BTHCM
Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Trung ương chia sẻ: Trong thời gian qua, các Bảo tàng và Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ cũng như định hướng, nhu cầu của đơn vị mình để không ngừng sưu tầm bổ sung các hiện vật, tài liệu có giá trị làm phong phú kho cơ sở, đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn. Công tác sưu tầm hiện vật được tiến hành dưới nhiều hình thức khác nhau như: Mua bán, tiếp nhận hiến tặng, trao đổi, điều chuyển, chuyển giao. Đến nay, đã có nhiều hiện vật gốc, sưu tập hiện vật độc đáo liên quan tới Chủ tịch Hồ Chí Minh được lưu giữ, phục vụ cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô Hà Nội và các địa phương trong cả nước.
TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, giảng viên tại Hội nghị. Ảnh: BTHCM
TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, giảng viên tại Hội nghị đã chia sẻ những kinh nghiệm về công tác sưu tầm, đặc biệt là việc sưu tầm những hiện vật cung đình của Triều đình Nhà Nguyễn, những câu chuyện thành công trong việc xã hội hoá hoạt động sưu tầm đã giúp hồi hương các hiện vật quý như: Xe kéo tay của Vua Thành Thái, Ấn vàng Hoàng đế chi bảo, mũ quan đại thần và áo Nhật Bình cung tần triều Nguyễn,…
TS. Nguyễn Thị Hường, Trưởng phòng Sưu tầm của Bảo tàng Hồ Chí Minh Trung ương, giảng viên tại Hội nghị. Ảnh: BTHCM
Tại Hội nghị, TS. Nguyễn Thị Hường, Trưởng phòng Sưu tầm của Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng nêu ra những cơ sở lý luận, đối tượng và phạm vi sưu tầm của các bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong gia đoạn hiện nay, những nguyên nhân ảnh hưởng tới việc sưu tầm tài liệu, hiện vật về Bác như: Số lượng tài liệu, hiện vật có giới hạn, các cơ quan, tổ chức có ý thức sưu tầm tài liệu, hiện vật ngày càng nhiều đặc biệt là từ khi thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW năm 2016 của Bộ Chính trị, chủ tài liệu, hiện vật chưa hoặc không muốn hiến tặng,…đồng thời TS. Nguyễn Thị Hường cũng chia sẻ kinh nghiệm thực tế và những kết quả đạt được trong công tác sưu tầm của Bảo tàng Hồ Chí Minh trong những năm gần đây, đặc biệt là việc áp dụng những cách thức mới trong hoạt động sưu tầm, trong đó có cả việc sưu tầm những tài liệu, hiện vật đã được số hoá.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận những vấn đề mới đặt ra với công tác sưu tầm trong giai đoạn hiện nay như loại hình, phương thức sưu tầm, việc quản lý hồ sơ tư liệu, hiện vật tại các bảo tàng và di tích. Các đại biểu tham dự đã đề xuất nhiều giải pháp để công tác sưu tầm hiện vật đảm bảo được cả số lượng và chất lượng, đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quản lý hồ sơ tài liệu, hiện vật; đồng thời bảo quản, phát huy các hiện vật một cách tốt nhất cho công tác trưng bày, giáo dục tại các bảo tàng và di tích. Để đẩy mạnh công tác sưu tầm hiện vật về Bác Hồ, các bảo tàng và di tích cần tăng cường truyền thông; giải quyết mối quan hệ giữa hiện vật số và hiện vật gốc; kết hợp phương thức sưu tầm truyền thống (vận động hiến tặng và tiếp nhận) với việc mua hiện vật; huy động xã hội hóa trong công tác sưu tầm hiện vật.
ThS. Lê Thuỳ Chi Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế trao đổi về hoạt động sưu tầm của đơn vị. Ảnh: BTHCM
Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế Lê Thùy Chi chia sẻ, bảo tàng đang lưu giữ và trưng bày hơn 18.000 hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Công tác sưu tầm tư liệu, hiện vật luôn được bảo tàng nghiêm túc thực hiện và có kế hoạch cụ thể theo từng mốc thời gian. Ngoài việc sưu tầm các hiện vật liên quan trực tiếp đến Người, Bảo tàng còn triển khai xác minh và sưu tầm các di sản phi vật thể về Người tại Thừa Thiên Huế như tục đặt tên họ Hồ tại A Lưới, các bài thơ, ca, hò, vè mang tính truyền miệng, tục thờ cúng Bác Hồ trong các gia đình; sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật, tranh cổ động nhằm làm phong phú thêm các loại hình hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, ngoài huy động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân hiến tặng hiện vật, bảo tàng cũng thí điểm xây dựng nguồn kính phí để mua lại các tác phẩm nghệ thuật về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trung tá Thân Ngọc Huệ, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Quân khu V trao đổi về công tác sưu tầm của đơn vị. Ảnh: BTHCM
Trung tá Thân Ngọc Huệ, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Quân khu V cho biết trong những năm qua Bảo tàng cũng rất chú trọng công tác sưu tầm, tuy nhiên do đặc thù là một đơn vị quân đội vì vậy cũng có những khó khăn nhất định đặc biệt là việc bố trí kinh phí cho hoạt động này, gần đây Bảo tàng tập trung vào việc sưu tầm những tài liệu, hiện vật phục vụ Cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
ThS. Nguyễn Bảo Tuấn, Giám đốc Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên trao đổi về công tác sưu tầm của đơn vị. Ảnh: BTHCM
Đồng chí Nguyễn Bảo Tuấn, Giám đốc Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên cho biết Khu di tích Kim Liên được thành lập từ năm 1979, ngay từ rất sớm các đồng chí lãnh đạo Khu di tích đã chú trọng công tác sưu tầm các tài liệu, hiện vật về Bác và những người thân trong gia đình cùng những hàng xóm tại quê nội và quê ngoại để trưng bày và giới thiệu đến khách tham quan.
Hàng năm, Khu di tích Kim Liên đều bố trí kinh phí, tập trung cố gắng sưu tầm các tài liệu, hiện vật mới về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó vừa sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước và áp dụng xã hội hoá trong hoạt động sưu tầm.
Đại tá Nguyễn Thị Kim Loan, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Đồng bằng Sông Cửu Long trao đổi về công tác sưu tầm của đơn vị. Ảnh: BTHCM
Đồng chí Lý Mạnh Thắng, Phó Giám đốc Phụ trách Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang trao đổi về công tác sưu tầm của đơn vị. Ảnh: BTHCM
Kết luận Hội nghị, TS. Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Trung ương khẳng định: Hội nghị là cơ hội để các bảo tàng trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm giúp công tác sưu tầm các tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh đạt hiệu quả; để những tài liệu, hiện vật thực sự trở thành di sản văn hóa, là tài sản quốc gia, góp phần phát huy giá trị di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nước và mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế.
Đại biểu tham dự Hội nghị hướng dẫn nghiệp vụ "Đổi mới công tác sưu tầm trong Hệ thống bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn hiện nay" chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: BTHCM
Phòng Truyền thông, Bảo tàng Hồ Chí Minh