Nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 – 19/8/2023) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2023), sáng ngày 23/8/2023, tại Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức Lễ tiếp nhận hiện vật được trao tặng từ ông Đoàn Văn Đức, Phó Chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội và họa sỹ Nguyễn Văn Đức, con trai của họa sĩ Văn Giáo. Hiện vật được hiến tặng cho Bảo tàng là 03 tác phẩm nghệ thuật sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh của họa sĩ Văn Giáo.
Toàn cảnh Lễ tiếp nhận hiện vật. Ảnh: BTHCM
Tham dự Lễ tiếp nhận, về phía khách mời có đồng chí Phạm Thế Duyệt, Nguyên Thường trực Bộ Chính trị, Nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; đồng chí Hoàng Đạo Cương, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ VHTTDL; đồng chí Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL; đồng chí Tô Linh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ VHTTDL; PGS. NGND Lê Anh Vân, Nguyên Hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Việt Nam; đại diện Văn phòng Tổng Bí thư; đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; đại diện Văn phòng Thành ủy Hà Nội; Văn phòng Hội DSVH Việt Nam,… đại diện Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Trung đoàn 375 Bộ Tư lệnh cảnh vệ; các đồng chí lãnh đạo cơ quan đơn vị trong khối Bảo tàng, Di tích Trung ương và Hà Nội. Về phía Bảo tàng Hồ Chí Minh có TS. Vũ Mạnh Hà, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, các đồng chí trong Ban Giám đốc cùng toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động Bảo tàng. Đến dự và đưa tin về sự kiện có các phóng viên thông tấn, báo chí; phát thanh truyền hình của Trung ương và Thành phố Hà Nội.
Họa sĩ Văn Giáo (6/10/1916 - 10/1/1996) là một trong những họa sĩ thuộc thế hệ đầu của nền hội họa cách mạng Việt Nam. Ông là người đầu tiên vẽ chân dung Bác Hồ trực tiếp trong không khí cách mạng ở Hà Nội tháng 10 năm 1945. Với phương pháp trực họa giàu cảm xúc và lòng đam mê không mệt mỏi dành cho hội họa, Văn Giáo đã trực tiếp đến sống và vẽ ở những nơi Bác từng sống, làm việc như: Nghệ An, Cao Bằng... Họa sĩ đã để lại cho đời nhiều bức tranh đẹp đi vào lòng người, đi vào lịch sử mỹ thuật cách mạng Việt Nam về đề tài thiên nhiên cũng như Bác Hồ. Ngoài ra, các tác phẩm của ông chủ yếu mô tả phong cảnh nhiều vùng miền trong cả nước, cũng như cuộc sống, chiến đấu và lao động của các tầng lớp nhân dân trong chiến tranh.
Các hiện vật được hiến tặng tại Lễ tiếp nhận bao gồm 03 tác phẩm sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh của họa sĩ Văn Giáo, cụ thể: Tác phẩm Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập (1974), chất liệu sơn dầu, kích thước 110 x 81 cm, do ông Đoàn Văn Đức, Phó Chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội, hiến tặng Bảo tàng. Hai tác phẩm: Phác thảo Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập (1971), chất liệu màu nước, kích thước 34 x 26 cm và Giải đi sớm (1977), chất liệu bột màu khô, kích thước 51 x 65 cm, do con trai họa sĩ Văn Giáo là họa sĩ Nguyễn Văn Đức và gia đình hiến tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh.
TS. Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh phát biểu tại Lễ tiếp nhận hiện vật. Ảnh: BTHCM
Phát biểu tại Lễ tiếp nhận, TS. Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết: “Để có được những tác phẩm hết sức có giá trị trong Lễ tiếp nhận hôm nay, chúng tôi vô cùng trân trọng những tình cảm tốt đẹp của ông Đoàn Văn Đức và ông Nguyễn Văn Đức, đồng thời xin gửi tới các ông cùng gia đình lời chúc sức khỏe và những lời cảm ơn sâu sắc nhất. Ba tác phẩm được hiến tặng hôm nay chắc chắc sẽ làm phong phú thêm Bộ sưu tập tranh về Chủ tịch Hồ Chí Minh của Bảo tàng; sẽ được lưu giữ, bảo quản trong điều kiện tốt nhất và phát huy giá trị một cách sâu rộng trong các cuộc trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần thiết thực vào việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII và Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.”
Là những người sở hữu các tác phẩm nghệ thuật của họa sĩ Văn Giáo vẽ về Bác Hồ, với mong muốn những tác phẩm sáng tác Chủ tịch Hồ Chí Minh của họa sĩ Văn Giáo được bảo quản và phát huy giá trị một cách tốt nhất, ông Đoàn Văn Đức, Phó Chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội và ông Nguyễn Văn Đức con trai của họa sĩ Văn Giáo đã quyết định hiến tặng 3 tác phẩm tranh cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Tại Lễ tiếp nhận, ông Đoàn Văn Đức, Phó Chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội phát biểu: “Với tình cảm muôn vàn kính yêu Bác, tôi đã có may mắn, nhân duyên và phúc đức, được giữ gìn hơn 30 năm bản gốc bức tranh sơn dầu Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập do cố họa sỹ Văn Giáo sáng tác. Trong quá trình lưu giữ, bảo quản bức tranh đã có một số cơ quan đơn vị liên hệ, chiêm ngưỡng bức tranh. Tháng 7 năm 2023, TS. Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh đã gặp tôi và đề nghị mong muốn Bảo tàng Hồ Chí Minh được lưu giữ bức tranh. Sau nhiều ngày đêm suy nghĩ, tôi đã quyết định trao tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh. Tôi nghĩ rằng Bảo tàng Hồ Chí Minh được mang tên Bác, địa điểm tại khuôn viên Quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi hồn thiêng sông núi. Và chính tại nơi đây, 78 năm về trước, ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945, Bác Hồ đã đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam để giữ gìn, phát huy giá trị muôn đời. Vì thế, tôi hy vọng bức tranh sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh để đồng bào, chiến sĩ chúng ta ở 63 tỉnh thành, kiều bào nước ngoài, bạn bè có thể chiêm ngưỡng bức tranh, từ đó thể hiện lòng kính yêu Bác, nhớ đến Bác thì tinh thần, trí tuệ và đạo đức cách mạng trong sáng hơn!...”
Ông Đoàn Văn Đức, Phó Chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội phát biểu tại Lễ tiếp nhận. Ảnh: BTHCM
Tại Lễ tiếp nhận, họa sĩ Nguyễn Văn Đức, con trai họa sĩ Văn Giáo chia sẻ: Khi biết tin ông Đoàn Văn Đức quyết định hiến tặng bức tranh sơn dầu “Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập” cho Bảo tàng Hồ Chí Minh, tôi rất xúc động và quyết định sẽ hiến tặng 02 bức tranh của cha tôi, đó là Giải đi sớm và phác thảo “Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập. Được hiến tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh những tác phẩm về Người, do chính cha tôi vẽ nên, đó là một điều vô cùng vinh dự và tự hào. Tôi hy vọng Bảo tàng Hồ Chí Minh phát huy tối đa những giá trị của tác phẩm để giới thiệu đến công chúng”.
Họa sỹ Nguyễn Văn Đức, con trai họa sĩ Văn Giáo phát biểu tại Lễ tiếp nhận. Ảnh: BTHCM.
Bảo tàng Hồ Chí Minh tiếp nhận tác phẩm Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập. Ảnh: BTHCM
Bảo tàng Hồ Chí Minh tiếp nhận phác thảo Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập. Ảnh: BTHCM
Bảo tàng Hồ Chí Minh tiếp nhận tác phẩm Giải đi sớm. Ảnh: BTHCM
Tại Sự kiện, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đã thay mặt Bộ trưởng Bộ VHTTDL trao tặng ông Đoàn Văn Đức và họa sĩ Nguyễn Văn Đức Bằng khen của Bộ trưởng ghi nhận những đóng góp của 2 ông đối với sự nghiệp bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa Việt Nam. TS. Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng trao Thư Cảm ơn của Bảo tàng dành cho ông Đoàn Văn Đức và họa sĩ Nguyễn Văn Đức.
Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho ông Đoàn Văn Đức và ông Nguyễn Văn Đức. Ảnh: BTHCM
TS. Vũ Mạnh Hà, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh trao Thư cảm ơn của Bảo tàng cho các chủ sở hữu. Ảnh: BTHCM
Lễ ký kết biên bản giao nhận hiện vật giữa Bảo tàng Hồ Chí Minh và ông Đoàn Văn Đức, Phó Chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội. Ảnh: BTHCM
Lễ ký kết biên bản giao nhận hiện vật giữa Bảo tàng Hồ Chí Minh và họa sỹ Nguyễn Văn Đức, con trai họa sĩ Văn Giáo. Ảnh: BTHCM
Đại biểu tham dự Lễ tiếp nhận chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: BTHCM
Những tác phẩm nghệ thuật được tiếp nhận lần này có ý nghĩa quan trọng trong công tác nghiệp vụ của Bảo tàng Hồ Chí Minh, làm phong phú thêm kho hiện vật về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vĩ đại, tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng. Đồng thời đây chính là những tác phẩm nghệ thuật gốc mang nhiều giá trị, thể hiện tấm lòng kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh của họa sĩ Văn Giáo, là người đã dành cả cuộc đời để vẽ chân dung Bác Hồ. Bảo tàng Hồ Chí Minh rất trân trọng sự đóng góp và cống hiến của ông Đoàn Văn Đức, Phó Chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội và ông Nguyễn Văn Đức, con trai của họa sĩ Văn Giáo đã trao tặng các tác phẩm quý giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Bảo tàng. Những tác phẩm tranh này sẽ được Bảo tàng lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị lâu dài.
Phòng Truyền thông, Bảo tàng Hồ Chí Minh