Lách cách, lách cách, lách cách…tiếng máy chữ hòa trong tiếng chim hót và lẫn trong tiếng mưa rơi tí tách đã làm cho không gian trưng bày Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh trở nên thiêng liêng, gần gũi.
Bác Hồ ngồi đó, bức tượng sáp mô phỏng hình ảnh Người lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam đang ngồi viết Di chúc-văn kiện có giá trị và ý nghĩa đặc biệt đối với dân tộc thật bình dị, cao quý.
Hòa vào dòng người từ khắp mọi miền Tổ quốc và các quốc gia trên thế giới đến tham quan nơi này vào dịp cả dân tộc Việt Nam đang chuẩn bị kỷ niệm “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” (1969-2019), chúng tôi cảm nhận được tấm lòng thành kính mà thế hệ người Việt Nam và nước ngoài dành cho Người.
Không gian trưng bày Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Tượng sáp Bác Hồ đánh máy bản Di chúc.
Bà Jan bol well (New Zealand) cho biết: Anh rể của tôi là một lính Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam. Tôi đã nghe anh kể và đọc mọi thứ anh viết về Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do vậy, tôi rất mong ước được đến Việt Nam để khám phá cuộc sống ở đây sau chiến tranh. Đến Lăng Bác và bảo tàng, tôi đã gặp những đoàn người xếp hàng dài và gương mặt hạnh phúc của người Việt Nam mong muốn vào thăm Không gian trưng bày Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, họ đọc lại và xem chăm chú bản Di chúc và các hiện vật trưng bày ở đây. Tôi cảm nhận ra rằng, đối với người Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà chính trị gia mà còn là một nhà hiền triết, một người cha với tình yêu thương lớn lao dành cho đồng bào của mình.
Bà Jan bol well và bà Jan bol well trả lời phỏng vấn tại Không gian trưng bày Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Cùng đi với bà Jan bol well, bà Marion Sherley chia sẻ: Tham quan Không gian trưng bày Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thật thú vị, giúp cho cho khách du lịch nước ngoài như chúng tôi hiểu hơn về một Người lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam trong thế kỷ 20. Khi đọc bản Di chúc, tôi nghĩ rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một triết gia, bản Di chúc dành phần lớn để nói lên khát vọng hòa bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho dân tộc Việt Nam. Điều đó thật vĩ đại, một sự hy sinh lớn lao, một tinh thần mạnh mẽ và một tư tưởng lớn. Chính vì thế mà hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn sống mãi trong trái tim mỗi người dân Việt Nam.
Trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử, chị Nguyễn Thị Thu Huyền (Trưởng Phòng Giáo dục, Bảo tàng Hồ Chí Minh) cho biết: Ngay từ khi mở cửa, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã trưng bày bản Di chúc lịch sử. Đây là một văn kiện vô giá của Bảo tàng Hồ Chí Minh. Mỗi ý, mỗi lời trong Di chúc của Người đều rất trong sáng, giản dị. Qua nhiều năm nay, bản Di chúc đã trường tồn mãi với thời gian. Công chúng đến tham quan Bảo tàng được chiêm nghiệm những câu từ trong bản Di chúc và cảm nhận được tình cảm lớn lao của Bác Hồ đối với dân tộc, đất nước, nhân dân Việt Nam. Thời gian gần đây, Bảo tàng Hồ Chí Minh thực hiện không gian 3D, xây dựng lại hình ảnh Bác đang ngồi đánh máy Văn kiện cuối cùng trong cuộc đời, đó là không gian Bác Hồ viết Di chúc sau gian tưởng niệm. Tại không gian này, người xem được chứng kiến cả tiếng chim hót, máy chữ lách cách để khách tham quan như được sống lại khoảnh khắc Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa.
Đến tham quan Không gian Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có rất nhiều thế hệ trẻ của Việt Nam, chị Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết: Các thiếu niên, đoàn viên đến tham quan nơi này để hiểu rõ hơn công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự trăn trở của Người trước hậu thế và đặc biệt là lời căn dặn của Người để thế hệ thiếu niên, đoàn viên, thanh niên sau này trở thành những chiến sĩ cách mạng vừa hồng, vừa chuyên.
Chị Nguyễn Thị Thu Huyền đang thuyết minh với khách quan tham Không gian trưng bày Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Những bài học lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh và bản Di chúc Người đã được mẹ và các cô giáo ở trường kể cho nghe và thông qua các cuốn sách lịch sử. Để được tận mắt nhìn thấy bản Di chúc của Bác Hồ và xem những hiện vật, hình ảnh về Bác, em Nguyễn Quốc Cường (7 tuổi), học sinh lớp 2A Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (Quảng Ninh) đã được mẹ đưa lên Hà Nội tham quan không gian trưng bày này. Hình ảnh Bác Hồ đang ngồi đánh máy bản Di chúc đã khắc họa sâu đậm trong tâm trí cậu học trò này để ngày mai, khi em trở thành chủ nhân tương lai của nước nhà, những lời căn dặn của Bác Hồ trong bản Di chúc sẽ là hành trang để em vững bước xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Khách tham quan trong và ngoài nước tại Không gian trưng bày Di chúc.
Thay mặt những người làm công tác giữ gìn, bảo quản các tài liệu hiện vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Đào Tuấn Anh, Phó Trưởng phòng Truyền thông Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết: Thông qua các tài liệu hiện vật được trưng bày và những tài liệu, hiện vật hiện đang lưu giữ, chúng tôi muốn giới thiệu đến công chúng cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh-một vĩ nhân của thế kỷ 20, một con người đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người; một con người trọn vẹn trong tư tưởng, đạo đức và phong cách sống cao thượng, giàu lòng nhân ái. Sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực chính trị, vǎn hóa, giáo dục và nghệ thuật là kết tinh của truyền thống hàng nghìn nǎm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của cả dân tộc Việt Nam.
Là một cơ quan lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có bản Di chúc lịch sử, Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện đang quản lý hơn 170.000 tài liệu, hiện vật có liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, số lượng tài liệu hiện vật giấy chiếm một tỉ lệ đáng kể. Ngoài ra, Bảo tàng còn có một kho tư liệu ảnh đồ sộ, với hơn 36.000 phim, ảnh gốc, chủ yếu được chụp từ sau năm 1945 đến khi Người qua đời. Phần lớn những tài liệu, hiện vật và phim ảnh này được Văn phòng Phủ Chủ tịch chuyển giao cho Bảo tàng từ những năm 70 của thế kỷ 20.
|
Bài, ảnh: Khánh Huyền
Theo báo Quân đội Nhân dân