Sáng ngày 10/7, tại Thừa Thiên Huế, Đoàn đại biểu lãnh đạo của Hệ thống bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh do TS. Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Trung ương làm Trưởng đoàn đã dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người thân trong gia đình của Bác tại Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
TS. Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo các đơn vị thuộc Hệ thống bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh làm lễ dâng hương Bác Hồ tại Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ. Ảnh: BTHCM
Tại Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ, sau nghi lễ dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người thân trong gia đình của Bác, Đoàn đã nghe cán bộ thuyết minh của Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế giới thiệu về ngôi nhà và những năm tháng tuổi thơ của Bác Hồ khi Người theo cha là cụ Nguyễn Sinh Sắc đến làng Dương Nỗ dạy học.
Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trong cụm di tích lưu niệm về Người ở làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Cùng với Đình làng, Am Bà, Bến Đá, ngôi nhà đã góp phần tái hiện lại cuộc sống của Người và gia đình ở làng quê Thừa Thiên Huế những năm cuối thế kỷ XIX (1898 - 1900).
TS. Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo các đơn vị thuộc Hệ thống bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe thuyết minh giới thiệu về làng Dương Nỗ. Ảnh: BTHCM
Năm 1898, sau khi thi Hội lần thứ 2 không đỗ, ông Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) được ông Nguyễn Sĩ Độ mời về nhà dạy học (tại làng Dương Nỗ). Hai anh em Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung (Chủ tịch Hồ Chí Minh) theo cha về đây, vừa để đỡ gánh nặng kinh tế gia đình cho bà Loan, và cũng để ông Sắc có điều kiện dạy học cho hai con đã đến tuổi học chữ. Tại đây, ông Sắc được gia đình ông Độ giao cho ngôi nhà tranh ba gian hai chái làm chỗ ở cho ông và hai con, đồng thời cũng là nơi ông Sắc mở lớp dạy học. Tại ngôi nhà này, Nguyễn Sinh Cung và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm được chính người thầy và cũng là người cha của mình khai tâm bằng những bài học chữ Hán đầu tiên. Chữ “Nhân", chữ "Nghĩa” như một lời răn dạy về đạo đức làm người. Hai năm theo học cùng cha tại đây, Nguyễn Sinh Cung tiếp thu rất nhanh, trở thành cậu học trò thông minh xuất sắc của lớp. Những kiến thức mà Người tiếp thu được trong thời gian này là nền móng vững chãi cho sự phát triển về học vấn sau này.
Sống ở làng Dương Nỗ, một làng quê yên ả, thanh bình, giàu truyền thống văn hoá, Nguyễn Sinh Cung có điều kiện hoà nhập với đời sống cộng đồng làng xã, được đùm bọc bởi tình cảm yêu thương chan hoà, nhân hậu và bao dung của những người dân quê chất phác, thuỷ chung, được chứng kiến cuộc sống lao động cần cù của những người nông dân mộc mạc. Chính những điều này đã góp phần hình thành nên tình yêu quê hương đất nước sâu nặng của Nguyễn sinh Cung - Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
TS. Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo các đơn vị thuộc Hệ thống bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh tham quan và nghe giới thiệu về những tài liệu, hiện vật tại Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ. Ảnh: BTHCM
Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ đã được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia theo Quyết định 296/VH-QĐ ngày 26/3/1990.
Ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2280/QĐ-TTg xếp hạng Hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế là di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt. (gồm 4 di tích đã được xếp hạng Quốc gia trước đây là: Nhà lưu niệm Bác Hồ ở đường Mai Thúc Loan; Địa điểm Trường Quốc Học Huế; Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ và Đình làng Dương Nỗ)
Phòng Truyền thông, Bảo tàng Hồ Chí Minh