Tại Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Bảo tàng Hồ Chí Minh (25/11/1970-25/11/2020), TS. Nguyễn Thị Tình, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, giai đoạn 1999-2007 đã có bài phát biểu quan trọng, website Bảo tàng Hồ Chí Minh xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu này.
TS. Nguyễn Thị Tình, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, giai đoạn 1999-2007 phát biểu tại Lễ kỷ niệm ̀50 năm thành lập Bảo tàng Hồ Chí Minh (25/11/1970-25/11/2020)
Kính thưa đồng chí Tạ Quang Đông, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, các cơ quan Trung ương và hà Nội;
Kính thưa các vị khách quốc tế, thưa quý vị đại biểu
Kính thưa Ban Giám đốc, BCH Đảng ủy, BCH Công Đoàn và toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động Bảo tàng Hồ Chí Minh và Hệ thống chi nhánh của Bảo tàng trong cả nước!
Tôi rất sung sướng, vinh dự và tự hào hôm nay được về dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm, ngày có ý nghĩa lịch sử đối với Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ngày Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Nghị quyết về việc thành lập cơ quan có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch toàn diện về Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh để Bộ Chính trị và Chính phủ xét duyệt. Trung ương Đảng đã phân công các vị lão thành cách mạng là Ủy viên Trung ương làm Trưởng và Phó Ban phụ trách. Đó là các đồng chí Hà Huy Giáp, Trưởng Ban và đồng chí Hoàng Tùng làm Phó Trưởng Ban. Đồng chí Vũ Kỳ, nguyên là thư ký của Bác là Ủy viên làm nhiệm vụ thường trực, chỉ đạo công việc hàng ngày của Ban.
TS. Nguyễn Thị Tình, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh (giai đoạn 1999-2007) tiếp và hướng dẫn đoàn bà Raymonde Dien và ông Henri Martin (là hai người Pháp đã từng phản đối cuộc chiến tranh của thực dân Pháp tại Việt Nam tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh, ngày 28/8/2004
Sau này, vào đầu những năm 80, Trung ương Đảng lại bổ sung vào Ban lãnh đạo Viện đồng chí Đặng Xuân Kỳ, đồng chí Cù Văn Chước làm Phó Viện trưởng.
Trong niềm vui tổng kết 50 năm hoạt động của Bảo tàng Hồ Chí Minh hôm nay chúng ta thật tự hào về thế hệ lãnh đạo đầu tiên của Bảo tàng, một thế hệ lãnh đạo đã dày dạn kinh nghiệm trong quá trình đấu tranh cách mạng, nay lại nhận trách nhiệm lớn trước Trung ương, đoàn kết, toàn tâm, toàn lực triển khai các công việc nghiên cứu khoa học và xây dựng Bảo tàng về Bác, đặt nền móng cho mọi hoạt động của hệ thống Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Vì vậy hôm nay, trong niềm vui về sự lớn mạnh của Bảo tàng, điều đầu tiên tôi xin bày tỏ niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc tới các thế hệ lãnh đạo từ Ban Phụ trách xây dựng Bảo tàng, đến Ban lãnh đạo Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh và tất cả các đồng chí trong Ban Giám đốc qua các thời kỳ.
Kính thưa các đồng chí, các quý vị đại biểu và toàn thể các thế hệ cán bộ, viên chức Bảo tàng, Một điều rất đặc biệt trong quá trình triển khai công tác chuẩn bị toàn diện cho Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội, đó là song song với việc này, Ban lãnh đạo đã xin ý kiến và được Trung ương đồng ý để Ban phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh tiến hành ngay việc xây dựng hệ thống các di tích và chi nhánh Bảo tàng về Bác ở các địa phương và cả trong quân đội. Việc tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và giới thiệu về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các di tích và chi nhánh Bảo tàng ở các địa phương, đã góp phần xây dựng, bồi dưỡng được một đội ngũ cán bộ chuyên môn có trình độ, có tinh thần trách nhiệm cao đối với việc nghiên cứu, sưu tầm, gìn giữ và phát huy ngay các di tích, tài liệu hiện vật có liên quan đến cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đối với việc xây dựng Bảo tàng ở Hà Nội, hệ thống các di tích và chi nhánh đó có vai trò như một bên cánh tạo điều kiện vững chắc cho tiền đồ và sự phát triển của sự nghiệp Bảo tàng về Bác.
TS. Nguyễn Thị Tình, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh (giai đoạn 1999-2007) tặng Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cuốn sách ảnh "Chủ tịch Hồ Chí Minh", ngày 24/4/2004
Tôi xin chân thành chúc các cán bộ của cả hệ thống chúng ta tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết cùng gắn bó với nhau, đưa khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào hoạt động Bảo tàng để góp phần xứng đáng vào việc giáo dục tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, làm theo tấm gương của Người.
Thưa các quý vị đại biểu, thưa các bạn đồng nghiệp. Một bài học sâu sắc tôi không thể quên là từ giữa năm 1970 được về cơ quan, lúc đó cơ quan đang ở trong bối cảnh chuyển tiếp nhiệm vụ từ là cơ quan phục vụ giúp việc Bác Hồ chuyển sang thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học sưu tầm, gìn giữ, phát huy Khu di tích của Bác tại Phủ Chủ tịch và chuẩn bị toàn diện cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Trước nhiệm vụ và trách nhiệm lớn này, Ban lãnh đạo đã sáng suốt đề ra phương châm: Vừa học, vừa làm việc, vừa rút kinh nghiệm và yêu cầu từng bộ phận, từng cán bộ quyết tâm thực hiện phương châm này. Cơ quan đã tổ chức các lớp học chuyên môn nghiệp vụ ngay tại nơi làm việc, cử các cán bộ theo học tại Khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, rồi trao đổi vận dụng ngay lý thuyết vào công việc thực tế tại Khu di tích và rút kinh nghiệm. Phương châm làm việc này đã trở thành nền nếp làm việc, nhờ đó cơ quan vượt qua khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Kinh nghiệm của công việc này được áp dụng vào giải quyết các việc tiếp theo, bộ máy vận hành nhịp nhàng, hiệu quả ngay cả trong điều kiện tổ chức cơ quan nhiều lần thay đổi nhưng toàn cơ quan vẫn vững vàng tiến về phía trước, vẫn được đánh giá là một tập thể gương mẫu.
Kính thưa các đồng chí, thưa các bạn. Một trong những công tác được cơ quan đặc biệt quan tâm, đó là công tác rèn luyện, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ. Ngay từ những năm đầu thành lập các vị lãnh đạo tiền bối của Bảo tàng đã nhận thức rất sâu sắc rằng: Mỗi cán bộ của Bảo tàng Hồ Chí Minh sẽ là cầu nối giữa Bảo tàng với nhân dân và bạn bè quốc tế. Để làm tròn nhiệm vụ cầu nối đó, trước hết họ phải là những người được giáo dục và thấm nhuần tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh một cách đầy đủ nhất.
Được những tấm gương của các bậc tiền bối soi sáng, các thế hệ cán bộ của Bảo tàng Hồ Chí Minh đều được trưởng thành. Tôi rất tự hào trong đội ngũ đó, nhiều đồng chí đã được giao trách nhiệm quản lý, lãnh đạo nhiều cục, vụ, viện trong Bộ và các cơ quan bên ngoài, nhiều đồng chí trở thành giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ.
Thưa các quý vị, trong phong trào chung của tập thể tôi cũng đã được trưởng thành và là người rất may mắn được cơ quan giáo dục, bồi dưỡng từ là một cán bộ nữ nông thôn được đi nghiên cứu sinh và bảo vệ luận án tiến sỹ tại Trường Tổng hợp Quốc gia Mátxcơva (Liên Xô). Lại được cơ quan giao nhiệm vụ từ phó phòng, trưởng phòng, phó giám đốc và Giám đốc Bảo tàng. Nhân dịp này tôi tỏ lòng biết ơn đối với các đồng chí lãnh đạo Bộ Văn hóa- Thông tin, biết ơn cả tập thể lãnh đạo và cán bộ viên chức Bảo tàng Hồ Chí Minh đã ủng hộ, giúp đỡ tôi hoàn thành nhiệm vụ.
Tôi xin kính chúc sức khỏe Thứ trưởng Tạ Quang Đông và Ban lãnh đạo Bộ. Tôi có nguyện vọng Bảo tàng Hồ Chí Minh được Bộ quan tâm nhiều hơn nữa, chỉ đạo sát sao hơn nữa để Bảo tàng Hồ Chí Minh luôn luôn phát huy tốt hơn những thành tựu nửa thế kỷ qua, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh và noi theo tấm gương của Người.
Tôi xin chúc Ban lãnh đạo, toàn thể cán bộ. viên chức hệ thống Bảo tàng Hồ Chí Minh trong chặng đường mới vẫn thi đua tiếp tục thực hiện phương châm: Vừa học, vừa làm việc, vừa rút kinh nghiệm để tiến bộ không ngừng; các đồng chí đã nghỉ hưu vẫn tiếp tục học, làm việc nhưng làm việc gì, làm như thế nào cho phù hợp với vị thế của mình, phù hợp với gia đình và cộng đồng xã hội để được vui khỏe, an lành.
Xin trân trọng cảm ơn.