Bảo tàng Hồ Chí Minh được thành lập năm 1970, cho đến nay trải qua hơn 50 năm hình thành và phát triển, nơi đây đã và đang khẳng định vai trò, vị trí của mình trong việc giữ gìn và phát huy những di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, trở thành một trung tâm nghiên cứu, tuyên truyền và giáo dục về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.
Năm 1978, Hội đồng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ thiết kế Bảo tàng Hồ Chí Minh và ngày 15/10/1979, ban hành Nghị định số 375/CP quy định về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh là: “Trung tâm nghiên cứu những tư liệu, hiện vật và di tích lịch sử có quan hệ đến đời sống và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng của Người và tuyên truyền, giáo dục quần chúng về sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức và tác phong của Người thông qua những tư liệu, hiện vật và di tích lịch sử đó”. Việc khánh thành Bảo tàng Hồ Chí Minh ngày 19/5/1990 đã đáp ứng được lòng mong mỏi của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đó là được tận mắt chiêm ngưỡng và tìm hiểu giá trị văn hóa từ những kỷ vật thiêng liêng của Bác Hồ, học tập và làm theo tấm gương cách mạng vĩ đại của Người. Có thể nói Bảo tàng Hồ Chí Minh là một công trình văn hóa lịch sử có giá trị to lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, xứng đáng là một trung tâm tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Nhiệm vụ của Bảo tàng Hồ Chí Minh còn gắn liền với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 27/3/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam “Về đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới”, Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 7/11/2006 của Bộ Chính trị “Về tổ chức cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đặc biệt Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Bảo tàng đã triển khai mạnh mẽ, mở rộng hơn các hoạt động tuyên truyền, đón nhiều đoàn khách quốc tế và trong nước từ các cơ quan, trường học, đơn vị bộ đội, nhà máy, xí nghiệp… đến Bảo tàng tham quan, học tập. Với thế mạnh là nơi giữ gìn, nghiên cứu và giới thiệu di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã góp phần tích cực việc tuyên truyền đường lối của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh đến với các tầng lớp nhân dân và khách quốc tế.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và Chính phủ giao phó, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách tham quan, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động duy trì phát triển, đổi mới và nâng cao. Vận dụng những kết quả nghiên cứu khoa học về tư tưởng Hồ Chí Minh vào công tác tuyên truyền, Bảo tàng đã xây dựng các nội dung thuyết minh phù hợp với từng nhóm đối tượng khác nhau, trên cơ sở khai thác sâu các tài liệu, hiện vật trưng bày. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt của đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, giáo dục để không chỉ khách tham quan trong nước mà cả khách quốc tế đến Bảo tàng đều có thể được nghe giới thiệu trực tiếp bằng tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Trung Quốc. Cung cấp thêm những thông tin rộng hơn phù hợp với khách từ các châu lục, các nước khác nhau, để họ thấy được mối quan hệ hợp tác hữu nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nước, góp phần tăng cường sự hiểu biết, tình đoàn kết quốc tế.
Song song với việc hướng dẫn khách tham quan tại khu trưng bày cố định, Bảo tàng đã xây dựng và phát triển thêm những hình thức, nội dung thuyết minh theo chuyên đề để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập của các đối tượng là các cán bộ, sĩ quan chính trị, học viên các trường quân đội, bồi dưỡng đảng viên mới, nhất là sinh viên ở nhiều trường đại học và nhiều đối tượng khác có nhu cầu nghiên cứu chuyên sâu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh. Với những nội dung thuyết minh chuyên đề này, Bảo tàng đã thật sự trở thành “giảng đường” để học tập tư tưởng của Người một cách thiết thực và hiệu quả. Ngoài ra, Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng tổ chức các hình thức tuyên truyền giáo dục khác như: Cung cấp thông tin, tư liệu qua Trang thông tin điện tử Bảo tàng (website), phục vụ khai thác tài liệu nghiên cứu tại phòng đọc Tư liệu, Thư viện. Nhóm đối tượng nghiên cứu sâu, tìm hiểu hiện vật gốc có thể khai thác hồ sơ tài liệu, hiện vật tại Kho Cơ sở Bảo tàng. Tại đây, khách có thể xem kỹ bản thảo có bút tích của Bác và tìm hiểu câu chuyện đằng sau những trang viết của Người. Kho cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh đã phát huy tác dụng tốt trong việc phục vụ nghiên cứu, học tập và tuyên truyền tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh,...
Xây dựng hình ảnh Bảo tàng Hồ Chí Minh là một cơ quan có truyền thống tốt đẹp, không ngừng sáng tạo, đổi mới và giữ vững khối đoàn kết là mong muốn chung của mỗi viên chức, người lao động của Bảo tàng. Để làm được điều đó, công tác truyền thông của Bảo tàng Hồ Chí Minh có vai trò ý nghĩa rất quan trọng. Hiện nay, Bảo tàng ngày càng chú trọng hơn đến công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh của mình qua các ấn phẩm, diễn đàn, website quảng bá du lịch có uy tín như: Tạp chí Viet Nam Tourist Guide book; Tạp chí Lonely Planet; Cẩm nang Du lịch Việt Nam; Diễn đàn Trip Advisor; Website Tổng cục Du Lịch Việt Nam; Facebook; Youtube; Fanpages... Tổ chức các buổi thuyết trình, tọa đàm với các chủ đề liên quan đến Hệ thống trưng bày thường xuyên, trưng bày chuyên đề và các sưu tập hiện vật bảo tàng; Liên kết với các bảo tàng, di tích và các công ty du lịch tổ chức truyền thông đưa khách đến bảo tàng, tổ chức các hoạt động sự kiện bằng nhiều hình thức khác nhau để Bảo tàng tiếp cận sâu rộng hơn tới công chúng cũng như công tác giới thiệu, quảng bá về lịch sử, văn hóa Việt Nam, về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các hoạt động của bảo tàng với bạn bè quốc tế hiệu quả hơn.
Trưng bày online: Người đi tìm hình của nước trên website Bảo tàng Hồ Chí Minh
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang mang đến cho Bảo tàng Hồ Chí Minh nhiều cơ hội để đổi mới chính mình. Công nghệ số trong Bảo tàng không chỉ tạo ra các bản sao điện tử của các hiện vật để đưa lên mạng internet mà còn tạo ra các kênh thông tin giúp sự giao tiếp hai chiều giữa khách tham quan và hiện vật được thông suốt hơn, đưa thông điệp của trưng bày hiện vật đến với công chúng hiệu quả hơn. Vừa qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Việt Nam tạm dừng mở cửa đón du khách nước ngoài nên sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến lượng khách tham quan của bảo tàng. Song, Bảo tàng vẫn triển khai các hoạt động sưu tầm, bảo quản, lưu giữ các tư liệu liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và tổ chức các triển lãm trưng bày chuyên đề, giáo dục, quảng bá, phát huy lâu dài giá trị di sản văn hóa, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện bảo tàng ảo 3D, xây dựng thư viện media, tổ chức trưng bày online trên website với các chuyên đề phong phú, đặc sắc để công chúng có thể tiếp cận tìm hiểu, nghiên cứu được nhanh chóng, thuận tiện hơn dù không thể tham quan trực tiếp. Điều này cũng đã góp phần khẳng định thương hiệu và tên tuổi của Bảo tàng Hồ Chí Minh trong hệ thống các bảo tàng tại Việt Nam.
Trần Công Minh