Bức tranh có hình vẽ “Bác Hồ với thiếu nhi” được treo trang trọng trên nóc Nhà thông tin thành phố, số 93 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã có mặt gần 40 năm nay. Hình ảnh Bác tươi cười hiền hậu ôm em bé bố cục ở chính giữa, bên phải là hình chữ S biểu tượng của bản đồ Việt Nam thống nhất. Nền trắng của tranh là hình chim bồ câu ngậm cành ô liu, mắt chim bồ câu là vầng sao sáng dẫn đường, là Thủ đô Hà Nội, màu cờ Tổ quốc.
Tác giả bức tranh là họa sĩ Trần Từ Thành (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội). Ông sinh ra tại làng quê nghèo thuộc Gia Phố, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh và lớn lên tại thành phố Vinh, Nghệ An. Với hơn 40 năm đứng trên bục giảng của trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, họa sĩ đã được nhận Huy chương vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam.
Tranh cổ động: “Độc lập – Thống nhất – Hòa bình – Hạnh phúc”
Họa sĩ Trần Từ Thành. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh
Câu chuyện được họa sĩ chia sẻ về ý tưởng hình thành nên bức tranh, đó là: Năm 1975, khi đất nước thống nhất, tôi hào hứng tìm đề tài cho bức tranh tham dự Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc đầu tiên tổ chức vào đầu năm 1976 tại khu triển lãm Vân Hồ, TP. Hà Nội. Tôi nghĩ đây chính là dịp để bày tỏ ao ước bấy lâu về chủ đề đất nước hòa bình, thêm vào đó đã từ lâu đối với bản thân tôi, tấm gương của Bác Hồ và những lời dạy và bài viết của Người dành cho lứa tuổi thiếu nhi được xem như một trong những di sản vô giá của dân tộc và thế hệ trẻ nước ta. Những câu chuyện về Bác luôn mang đến tình cảm, niềm xúc động lớn đối với tôi và mọi người... Bác luôn có một sự gắn bó mật thiết, một tình cảm trìu mến, hiền hòa và chu đáo với thiếu nhi. Đó là sự ấm áp vô cùng của một vị lãnh tụ vĩ đại.
Hình ảnh Bác Hồ với thiếu nhi như một biểu tượng của hòa bình, của tấm lòng của Bác với nhân dân. Tôi vô cùng xúc động, tâm huyết lựa chọn hình ảnh Bác với trẻ thơ làm đề tài cho mạch cảm xúc của mình. Ấp ủ về một tình cảm lớn cho ngày hội thống nhất non sông, thôi thúc tôi thể hiện tác phẩm trong thời gian ngắn. Lựa chọn, cân nhắc, cuối cùng tôi quyết định chọn hình thức tranh cổ động, một thể loại dễ hiểu, phổ biến rộng rãi trong cuộc sống.
Ngày 20/4/1976, bức tranh “Bác Hồ với thiếu nhi” và tác phẩm của các họa sĩ khắp 3 miền được trưng bày tại Trung tâm Triển lãm Vân Hồ, TP. Hà Nội, tác phẩm của Ông đã đoạt giải cao.
Họa sĩ Trần Từ Thành kể: Cũng năm đó, để chào mừng Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung sau khi thống nhất đất nước, Xưởng tranh cổ động Trung ương đã cho in hàng vạn bản, phát hành trên cả nước và đề nghị tôi đưa câu khẩu hiệu “Độc lập Thống nhất, Hòa bình Hạnh phúc” vào tranh.
Ngoài ra, tác phẩm còn được treo ở Bảo tàng Lenin ở Matxcơva (Nga), La Habana (Cuba)… bằng phiên bản các chất liệu, kích cỡ khác nhau. Họa sĩ Trần Từ Thành cho biết: Đã có nhiều nhà sưu tập trong nước và quốc tế “dạm mua” bản gốc của bức tranh nhưng họa sỹ đều từ chối, bởi với ông “Đó là kỷ vật riêng vô giá của đời mình”.
Tác phẩm “Độc lập - Thống nhất - Hòa bình - Hạnh phúc” của họa sĩ Từ Thành đã trở thành bức tranh cổ động đi vào lòng người sâu đậm nhất. Bức tranh trở thành biểu tượng của khát khao và ước mơ hòa bình. Đó cũng là lời nhắc nhở về tình yêu thương và gìn giữ hòa bình đến cả những thế hệ mai sau.
Bảo tàng Hồ Chí Minh