Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Khai mạc trưng bày chuyên đề "90 năm - Ngọn cờ Đại đoàn kết toàn dân tộc”
Ngày đăng: 01:41 15/11/2020
Lượt xem: 1.658

Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2020), thực hiện chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sáng ngày 15/11/2020, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã phối hợp với Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Ban Tuyên giáo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Khai mạc trưng bày chuyên đề: "90 năm - Ngọn cờ Đại đoàn kết toàn dân tộc”, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, 19 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội.

 
Tham dự và cắt băng khai mạc trưng bày có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam.
Đến tham dự trưng bày chuyên đề còn có đại diện các đại sứ quán: Liên bang Nga, Cộng hòa Ấn Độ, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Đại sứ quán Malaysia; các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, các vị ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện các cục, vụ Văn phòng Trung ương Đảng; Ban Tuyên giáo Trung ương; Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; Hội Sử học Việt Nam; Các đồng chí lãnh đạo các đơn vị: Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an; Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam; Bảo tàng Phòng không - Không quân; Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam; Bảo tàng Hậu cần; Bảo tàng Báo chí; Bảo tàng Hà Nội cùng các cơ quan phối hợp tổ chức Trưng bày triển lãm chuyên đề... Đến dự và đưa tin về Triển lãm có các phóng viên thông tấn, báo chí; phát thanh truyền hình của Trung ương, của các ngành và Thành phố Hà Nội.
 

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày chuyên đề. Ảnh: BTHCM

 
Với hơn 250 tài liệu, hiện vật và hình ảnh tiêu biểu, trưng bày chuyên đề "90 năm - Ngọn cờ Đại đoàn kết toàn dân tộc” giới thiệu đến công chúng về vai trò, sứ mệnh lịch sử cũng như những thành tựu trong việc tập hợp và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống đoàn kết dân tộc, động viên nhân dân chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn thách thức để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Nội dung Trưng bày chuyên đề gồm 06 phần:

Phần I: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người xây đắp khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, lãnh đạo, rèn luyện Ðảng ta; người khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; người sáng lập nên Mặt trận dân tộc thống nhất và suốt đời xây đắp khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Theo tư tưởng của Người, đại đoàn kết dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định sự thành công của cách mạng. Cách mạng muốn thành công phải có lực lượng đủ mạnh để chiến thắng kẻ thù và xây dựng xã hội mới. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương đoàn kết rộng rãi, chặt chẽ và lâu dài toàn dân tộc thành một khối thống nhất. Ðoàn kết dân tộc kết hợp với đoàn kết quốc tế sẽ tạo ra sức mạnh to lớn để chiến thắng mọi kẻ thù.

Phần II: Đoàn kết toàn dân tộc đấu tranh giành độc lập, tự do (1930 - 1945)

Những hình ảnh, tài liệu, hiện vật của phần này thể hiện một giai đoạn lịch sử oanh liệt từ những ngày đầu thành lập của Hội Phản đế đồng minh, hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam. Mặt trận đã củng cố, tập hợp và lãnh đạo toàn thể nhân dân đấu tranh cách mạng và giành chính quyền về tay nhân dân. Trong 15 năm đấu tranh giành độc lập (1930 - 1945), các hình thức tổ chức của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đã lần lượt ra đời, với những tên gọi, phương pháp đấu tranh khác nhau, phù hợp với sự chuyển biến của tình hình cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam không ngừng phát triển lớn mạnh và hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình, là nơi quy tụ sức mạnh toàn dân tộc đấu tranh lật đổ ách thống trị của thực dân, đế quốc, phong kiến, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, giành quyền làm chủ về tay nhân dân với mốc son chói lọi là Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước toàn thể quốc dân đồng bào và nhân dân thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

Phần III: Đoàn kết toàn dân kháng chiến, kiến quốc (1945 - 1954) 

Việt Nam trong những ngày đầu độc lập đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” bởi cùng lúc đối mặt với nạn đói, nạn dốt, đặc biệt là nạn ngoại xâm. Ở phía Bắc, hơn 20 vạn quân Trung Hoa Dân quốc ồ ạt kéo vào, núp dưới danh nghĩa đại diện Đồng minh giải giáp quân đội Nhật nuôi ý đồ lật đổ chính quyền Cách mạng, dựng lên một chính quyền tay sai. Ở miền Nam, thực dân Pháp đứng sau quân Anh ngày càng lộ rõ dã tâm quay trở lại xâm lược đất nước ta một lần nữa. 
Để bảo vệ chính quyền cách mạng, làm thất bại mọi âm mưu của địch, Đảng ta chuyển vào hoạt động bí mật. Từ đó, vai trò của Việt Minh trong đời sống chính trị của đất nước ngày càng được nâng cao. Năm 1946, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Hội Liên Việt) được thành lập nhằm mở rộng hơn nữa khối đoàn kết dân tộc. Việt Minh và Liên Việt đã cùng nhau trở thành chỗ dựa vững chắc cho việc xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ và công cuộc đấu tranh chống thù trong giặc ngoài. 
 

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các đại biểu tham quan trưng bày chuyên đề. Ảnh: BTHCM

 
Năm 1951, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi vào giai đoạn quyết liệt, yêu cầu cấp thiết cần tập hợp các hình thức tổ chức Mặt trận để đoàn kết toàn dân, tập trung sức người sức của đẩy mạnh công cuộc kháng chiến tới thắng lợi cuối cùng. Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt đã được hợp nhất thành Mặt trận Liên Việt. Mặt trận Liên Việt ra đời đã góp phần cổ vũ, động viên toàn quân, toàn dân lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp, giành những thắng lợi vẻ vang, đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" năm 1954.

Phần IV: Đại đoàn kết toàn dân xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đấu tranh thống nhất nước nhà (1954 - 1975)

Sau năm 1954, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ngang nhiên phá hoại Hiệp định Giơnevơ, với âm mưu chiếm đóng miền Nam và chia cắt lâu dài nước ta. Cách mạng Việt Nam lúc này đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. 
Trong bối cảnh đó, các tổ chức mặt trận lần lượt ra đời: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (10/9/1955), Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12/1960), Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam (20/4/1968). Cả ba tổ chức mặt trận cùng phối hợp chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, tập hợp và phát huy cao nhất sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế, đáp ứng yêu cầu xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đến toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Phần V: Đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước (1975 đến nay)

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc thắng lợi bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc, đi lên chủ nghĩa xã hội. Để đáp ứng yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới, ba tổ chức Mặt trận ở hai miền Nam Bắc nước ta được thống nhất thành một tổ chức Mặt trận Dân tộc thống nhất duy nhất lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, với sự thống nhất ý chí của tất cả các tổ chức của các giai tầng trong xã hội, các cá nhân tiêu biểu của các dân tộc, tôn giáo, tầng lớp, các vị lãnh đạo tiêu biểu cho ý chí đoàn kết của dân tộc, luôn phấn đấu xây dựng khối Đại đoàn kết dân tộc vững mạnh thực hiện lời dạy của Hồ Chí Minh vị lãnh tụ của toàn dân tộc: "Mục đích phấn đấu của Mặt trận Dân tộc thống nhất là xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh".

Phần VI: Kết trưng bày chuyên đề 

Trải qua 90 năm hình thành và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không ngừng lớn mạnh, trở thành một nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và giành những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024 nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tăng cường củng cố liên minh chính trị, xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; tăng cường đồng thuận xã hội, thúc đẩy tinh thần thi đua sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, giữ vững hòa bình, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.” 
 

TS. Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc trưng bày chuyên đề “90 năm - Ngọn cờ Đại đoàn kết toàn dân tộc”. Ảnh: BTHCM

 
Phát biểu tại lễ khai mạc, TS. Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết: “Trưng bày chuyên đề “90 năm - Ngọn cờ Đại đoàn kết toàn dân tộc” giới thiệu đến công chúng vai trò, sứ mệnh cũng như những thành tựu quan trọng trong quá trình tập hợp và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước. Đồng thời, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống đoàn kết, động viên nhân dân chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Trưng bày chuyên đề là hoạt động văn hoá, tư tưởng có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào thành công trong việc thực hiện sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổ chức hoạt động tuyên truyền kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.
Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2020), chúng ta càng tự hào về truyền thống yêu nước, vẻ vang của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, kế thừa và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đó là nhân tố cơ bản để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trưng bày chuyên đề "90 năm - Ngọn cờ Đại đoàn kết toàn dân tộc” mở cửa đón khách tham quan từ ngày 15/11/2020. 
Trong lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành di sản vô giá, truyền thống quý báu của Việt Nam. Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang đó, trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp giành độc lập dân tộc, ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị về thành lập Hội Phản đế đồng minh - hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, nhằm tập hợp và lãnh đạo quần chúng đấu tranh cách mạng. Về sau, ngày này trở thành ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, còn gọi là Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phòng Truyền thông, Bảo tàng Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi