Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Khai mạc trưng bày chuyên đề “Hiệp định Paris - Cánh cửa hoà bình” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh
Ngày đăng: 09:04 16/01/2023
Lượt xem: 1.293

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/01/1973 - 27/01/2023);  thực hiện sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Chiều ngày 16/01/2023, tại Hà Nội,  Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Hiệp định Paris - Cánh cửa hòa bình”.

Tham dự trưng bày chuyên đề có: Đồng chí Đinh Thị Mai, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền; đồng chí Hoàng Thanh Hải, Vụ phó Vụ Lý luận Chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đồng chí Đào Quyền Trưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Đối ngoại Unesco, Bộ Ngoại giao; đồng chí Phạm Văn Hiếu, Phó Chính ủy, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng chí Nguyễn Văn Dương, Phó Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; đại diện các Đại sứ quán: Liên Bang Nga, Cộng hòa Ấn Độ, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Israel,... các đồng chí lãnh đạo cơ quan đơn vị trong khối bảo tàng, di tích... cùng cán bộ, viên chức, người lao động Bảo tàng Hồ Chí Minh. Đặc biệt, trưng bày còn có sự có mặt của đồng chí Lê Nam Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (con trai của cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ) và một số thành viên trong gia đình. Đến dự và đưa tin về sự kiện có các phóng viên thông tấn, báo chí; phát thanh truyền hình của Trung ương và Thành phố Hà Nội.
 

TS. Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc trưng bày chuyên đề “Hiệp định Paris - Cánh cửa hòa bình”. Ảnh: BTHCM

 
 Phát biểu khai mạc trưng bày, đồng chí Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết: “Trải qua gần 5 năm với những cuộc đấu trí đầy bản lĩnh, Hiệp định Paris do 4 bên được ký kết ngày 27/01/1973. Đây là thắng lợi tổng hợp của cuộc đấu tranh trên các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao; là đỉnh cao và mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng thời đại Hồ Chí Minh. Trưng bày chuyên đề “Hiệp định Paris - Cánh cửa hòa bình” được tổ chức nhằm giúp công chúng hiểu rõ hơn về bối cảnh, diễn biến Hội nghị Paris và ý nghĩa của việc ký kết Hiệp định Paris đối với Việt Nam và thế giới. Triển lãm cũng góp phần tôn vinh, tri ân các thành viên Phái đoàn đàm phán, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân, bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới... đã làm nên thành công của Hiệp định. Với gần 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật, trong đó có những hiện vật lần đầu tiên được đưa ra trưng bày và giới thiệu trên chuyên mục hiện vật kể chuyện của Bảo tàng Hồ Chí Minh, hy vọng trưng bày chuyên đề có sức lan tỏa sâu rộng, qua đó khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc; củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay”. 
 

Đồng chí Đinh Thị Mai, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh; đồng chí Olam Chanthavilay, Bí thư thứ hai Đại sứ quán Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; đồng chí Lê Nam Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (con trai của cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ) cắt băng khai mạc trưng bày chuyên đề  “Hiệp định Paris - Cánh cửa hòa bình”. Ảnh: BTHCM

 
 Trưng bày chuyên đề "Hiệp định Paris - Cánh cửa hòa bình" giới thiệu đến công chúng trong nước và quốc tế về bối cảnh, quá trình, kết quả đàm phán Hội nghị Paris, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trên mặt trận ngoại giao, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hiệp định Paris là thắng lợi của cuộc đấu tranh ngoại giao dài nhất, khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam ở thế kỷ XX. Đặc biệt, trưng bày chuyên đề “Hiệp định Paris - Cánh cửa hòa bình” còn giới thiệu những hiện vật độc bản, nguyên gốc có giá trị về nhiều mặt hiện đang được lưu giữ tại bảo tàng Hồ Chí Minh.
Nội dung Trưng bày chuyên đề gồm 03 phần:

Phần I: Vạch đường tới hòa bình

Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, Việt Nam chớp thời cơ vùng lên giành độc lập, thoát khỏi ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật bằng cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời chưa được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại tái lập chế độ thực dân ở Việt Nam và Đông Dương. Đế quốc Mỹ từ chỗ không quan tâm tới sự trở lại của Pháp đã quay sang ủng hộ Pháp, từng bước can thiệp sâu vào Việt Nam và tiến tới trực tiếp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới ở miền Nam Việt Nam. 
Trước tình hình Mỹ leo thang chiến tranh, cả nước Việt Nam đã kiên cường kháng chiến chống lại đế quốc Mỹ xâm lược. Đi đôi với đấu tranh quyết liệt trên mặt trận chính trị, quân sự, Việt Nam ngày càng chú trọng và nâng vị thế của mặt trận ngoại giao lên tầm chiến lược, chủ trương mở đường cho Mỹ đi vào thương lượng theo hướng có lợi nhất cho ta. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã buộc Mỹ phải chấp nhận đi tới hội nghị đàm phán với tinh thần “tìm kiếm một nền hòa bình trong danh dự”.

Phần II: Mở cánh cửa hòa bình

Theo sáng kiến của Việt Nam, Paris được chọn làm địa điểm tiến hành cuộc hội đàm. Những kinh nghiệm và bài học đắt giá từ Hiệp định Genève năm 1954 đã quyết định ngay từ đầu lập trường cương quyết và đường lối thương thuyết của Việt Nam tại Hội nghị Paris. Gắn liền với diễn biến trên chiến trường và tình hình quốc tế, Hội nghị Paris thể hiện sự mạnh mẽ, tự chủ của Việt Nam trong việc lựa chọn thời điểm lẫn hình thức tiến hành đàm phán và nội dung thỏa thuận. 
 

Các đồng chí đại biểu tham quan trưng bày chuyên đề “Hiệp định Paris - Cánh cửa hòa bình”. Ảnh: BTHCM

 
Hội nghị Paris trở thành sự kiện ngoại giao chưa từng có tiền lệ trong lịch sử thế giới, với những cuộc đấu lý, đấu trí quyết liệt và gay cấn kéo dài. Để cuối cùng, chiến thắng đã thuộc về công lý và cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Hiệp định Paris được ký kết vào ngày 27/1/1973 là đỉnh cao của Mặt trận ngoại giao thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và mở ra cánh cửa hòa bình cho nhân dân Việt Nam.
Phần III: Tiến tới hòa bình
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ - Ngụy vẫn ngoan cố phá hoại hiệp định, không thực hiện đầy đủ các điều khoản đã quy định, đẩy mạnh bình định lấn chiếm, tiếp tục thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” với âm mưu “dùng người Việt trị người Việt”. Mặc dù với việc ký kết Hiệp định Paris - cánh cửa hòa bình đã mở ra nhưng quân và dân Việt Nam phải tiếp tục những bước chông gai để “đánh cho ngụy nhào”, tiến tới hòa bình, thống nhất đất nước.
 

Đại biểu tham quan và nghe giới thiệu về 04 chiếc bút ký Hiệp định Paris 1973. Ảnh: BTHCM

 
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, ta đã kiên quyết đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Paris, đẩy mạnh và kết hợp chặt chẽ đấu tranh trên ba mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao và liên tiếp giành những thắng lợi vang dội. Đặc biệt, với tinh thần tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quân và dân ta đã làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Hòa bình thực sự được lập lại trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Qua Trưng bày “Hiệp định Paris - Cánh cửa hòa bình”, công chúng hiểu rõ hơn ý nghĩa của Hiệp định Paris đối với cách mạng Việt Nam và tiến trình để đi đến hòa bình của đất nước ta. Sự kiện này là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc Việt Nam, từ đó, khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc; củng cố, bồi đắp niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay.
Trưng bày chuyên đề được tổ chức tại Bảo tàng Hồ Chí Minh từ ngày 16/01/2023 đến đầu tháng 5/2023.
 

Phòng Truyền thông, Bảo tàng Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi