Sáng 15/5, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tổ chức cuộc gặp mặt kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và giới thiệu đến công chúng ba cuốn sách mới xuất bản.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh: “Cuộc gặp mặt hôm nay là dịp để chúng ta thêm một lần bày tỏ những tình cảm biết ơn, yêu kính Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các bậc tiền bối của cách mạng của giới báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ; cùng nhau đoàn kết, sáng tạo, thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và di chúc thiêng liêng của Người, biến những nỗ lực ấy thành kết quả thiết thực và tiến bộ trong công việc và cuộc sống hàng ngày”.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc VOV, Chủ tịch Hội đồng
Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương phát biểu tại cuộc gặp mặt.
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, ba cuốn sách được giới thiệu đến công chúng đều theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhất là những lời căn dặn của Người với tư cách là người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam, người thầy của những người làm báo Việt Nam. Bác căn dặn những người làm báo cần quan tâm đến đời sống của nhân dân, viết như thế nào, viết cho ai, viết những vấn đề gì để phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc.
3 cuốn sách được giới thiệu tại cuộc gặp mặt này là: "Bác Hồ - người có nhiều duyên nợ với báo chí" của Nhà báo lão thành Phan Quang; "Tiếng nói cùng năm tháng" và bộ Kỷ yếu Hội thảo "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng" gồm 2 tập.
Cuốn sách “Bác Hồ – Người có nhiều duyên nợ với báo chí” của nhà báo Phan Quang tập hợp 35 bài báo, bài viết ghi lại những cảm xúc chân thực, những câu chuyện có thật và những cảm nhận về những lời dạy của Bác với báo chí Cách mạng Việt Nam. Là người được đi theo Bác Hồ trong những chuyến công tác, nhà báo Phan Quang được Người khuyên bảo về việc bước vào nghề báo, nghề văn như thế nào. Trong cuốn sách của mình, nhà báo Phan Quang đã dành nhiều trang để thuật lại những điều Bác Hồ dạy người làm báo Việt Nam hôm nay. Cho đến nay, những lời dạy đó đối với người làm báo hoặc đang học nghề làm báo, vẫn còn nguyên giá trị.
Trò chuyện tại buổi gặp mặt, nhà báo Phan Quang bày tỏ: “Cuốn sách chỉ tập hợp hơn 30 bài báo nhỏ nói lên lòng kính nhớ của tôi, dù vậy, tôi coi đây là tác phẩm xuyên suốt cuộc đời cầm bút của mình vì từ bài đầu tiên đến bài gần đây nhất cách nhau những 65 năm. Mặt khác đằng sau biểu trưng lòng biết ơn Bác Hồ, nó còn là chút tâm tình của một người làm báo về cuối đời muốn sẻ chia cùng đồng nghiệp”.
Nhà báo Hồ Quang Lợi đánh giá, cuốn sách “Bác Hồ - Người có nhiều duyên nợ với báo chí” là những tình cảm chân thành, yêu kính của nhà báo Phan Quang và của những người làm báo Việt Nam với lãnh tụ - nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh. Cuốn sách có ý nghĩa thiết thực cả về lý luận và thực tiễn đối với những người làm báo, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học cả nước. Cuốn sách còn cho thấy sự từng trải, sức làm việc miệt mài, năng lực sáng tạo thật đáng ngưỡng mộ của nhà báo Phan Quang.
Cuốn sách "Tiếng nói cùng năm tháng" giới thiệu về nghề phát thanh viên và những giọng phát thanh viên tiêu biểu của Đài TNVN trong 74 năm qua, đã đi vào tâm khảm của các thế hệ bạn nghe Đài cả trong nước và quốc tế.
Nhà báo Vĩnh Trà (Trần Đức Nuôi) - nguyên Trưởng Ban Thư ký Biên tập giới thiệu cuốn sách "Tiếng nói cùng năm tháng" viết về nghề phát thanh viên và những giọng phát thanh viên
tiêu biểu của VOV đã đi vào tâm khảm của các thế hệ bạn nghe Đài cả trong nước và quốc tế.
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, năm 1946, khi đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, Bác đã đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ở hang chùa Trầm. Đài TNVN, trong đó có đội ngũ phát thanh viên đã vinh dự góp phần vào những thắng lợi chung của toàn dân tộc, thực hiện tâm nguyện của Bác Hồ. Bác cũng rất nhiều lần đến Đài TNVN, quan tâm đến những người phát thanh viên. Bác nói, phát thanh viên làm sao giọng đọc, cách nói năng của mình truyền đạt thông tin đến với công chúng nhân dân vừa rõ ràng, vừa mạch lạc, vừa biểu cảm. Bác căn dặn nhiều điều cho những người làm báo nói chung. Trong 74 năm qua, các thế hệ cán bộ, phóng viên, phát thanh viên, nghệ sĩ, kỹ thuật viên của Đài TNVN luôn làm theo những lời chỉ bảo chân tình, những lời dạy của Bác, để trở thành những nhà báo Cách mạng, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở những người làm báo về văn phong báo chí, cần “giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, hoạt bát…” khi chuyển tải thông tin và cần phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Hai tập sách kỷ yếu Hội thảo "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng” được giới thiệu hôm nay với gần 100 bài viết công phu, chất lượng là kết quả từ Hội thảo khoa học toàn quốc do VOV, Hội Nhà báo Việt Nam và Hội ngôn ngữ học Việt Nam phối hợp tổ chức cuối năm 2017. Sử dụng ngôn ngữ thế nào trên các phương tiện thông tin đại chúng luôn là câu chuyện được những người làm báo, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và công chúng quan tâm. Vì thế, bộ sách rất có giá trị cả về lý luận và thực tiễn với những người làm báo chí, truyền thông, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học.
Những cuốn sách được giới thiệu và ra mắt hôm nay là những tài liệu quý để những người làm báo và truyền thông tiếp tục học tập và làm theo những lời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh để báo chí thực hiện sứ mệnh phục vụ Cách mạng, phụng sự nhân dân, đồng hành cùng dân tộc.
Theo VOV