Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh và những năm tháng ở Vladivostok, Liên bang Nga
Ngày đăng: 03:31 11/10/2019
Lượt xem: 6.690

Đất nước Liên Xô trước kia và Liên bang Nga ngày nay có sự gắn kết đặc biệt với Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Người đã sống, học tập, làm việc tại đây trong suốt một thời gian dài. Sự gắn bó cả về thời gian, công việc, đã tạo nên tình cảm thân thiết giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với những nhà lãnh đạo và nhân dân Liên Xô. Trong quãng thời gian này, Người đã đến nhiều nơi trên đất nước của Lênin, sống và làm việc ở nhiều thành phố. Đến nơi đâu Người cũng để lại những tình cảm tốt đẹp với người dân. Trong đó, không thể không nhắc tới thành phố Vladivostok. 

Vladivostok là trung tâm hành chính của Primorsky Krai, tọa lạc gần biên giới Nga-Trung Quốc và Bắc Triều tiên nơi hệ thống xe lửa xuyên Siberia được xây dựng nối nước Nga với châu Âu. Hệ thống đường sắt này chạy từ Moskva đến Vladivostok thông qua nhiều thành phố lớn của Nga. 
Trong những năm 1924, 1927 và 1934, Nguyễn Ái Quốc đã nhiều lần đến và đi về từ nhà ga Vladivostok. Có thể kể đến như: Tháng 10 năm 1924, Nguyễn Ái Quốc khởi hành từ ga Yaroslav Moscow đi tầu đến Vladivostok. Vào thời đó, mỗi tuần có một chuyến tàu Moscow-Vladivostok và hành trình mất khoảng ba tuần. Thông thường thì hành trình không dưới 16 ngày nhưng cũng không quá một tháng. Khi đến Vladivostok, đại diện của Quốc tế Cộng sản tại Vladivostok đã gặp Nguyễn Ái Quốc và tổ chức chuyến đi tới Trung Quốc. Từ Vladivostok, Nguyễn Ái Quốc đi bằng đường biển trên 1 con tàu của Liên Xô qua Nhật Bản để đến Quảng Châu. Từ Vladivostok đến cảng Modzi của Nhật Bản mất 3 ngày đêm, tầu đi từ Nhật Bản đến Quảng Châu phải mất bốn ngày đêm. Và trong thư gửi Quốc tế Cộng sản ngày 12/11/1924, Nguyễn Ái Quốc viết rằng Người đến Quảng Châu vào ngày 11/12/1924. 
Tháng 5/1927, Nguyễn Ái Quốc đi từ Hồng Kông đến Thượng Hải, sau đó, từ Thượng Hải đến Vladivostok (1) và cuối cùng đi tiếp đến Moscow. Người đến Moscow vào ngày 15/6/1927. Năm 1934, Người cũng đến Vladivostok từ Thượng Hải (2). 
Để ghi nhớ việc Người từng tới Vladivostok vào những năm 20-30 của thế kỷ XX, tại nhà ga đường sắt ở Vladivostok, ngày 19/5/2009, nhân dịp kỷ niệm 119 năm ngày sinh của Người, Chính quyền thành phố Vladivostok đã gắn biển lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nội dung trên biển đề: “Trong những năm 1924, 1927 và 1934, Hồ Chí Minh-nhà hoạt động xuất sắc của phong trào giải phóng dân tộc, anh hùng giải phóng nhân dân Việt Nam, nhà văn hóa nổi tiếng, người đã dựng nên cơ sở vững chắc của tình hữu nghị Nga-Việt, đã nhiều lần đến và đi về từ nhà ga này”. 
Tại Lễ gắn biển, Ông Alekxandr Sokolovsky, Thư kí Hội hữu nghị Nga-Việt ở thành phố Vladivostok đã phát biểu: “Với tư cách một nhà cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng tới Vladivostok vào những năm 20-30 thế kỉ trước. Người yêu mến thành phố của chúng tôi và từng nhắc rằng thành phố đã không chỉ một lần cứu thoát Người”. Đây cũng là một hình thức tưởng niệm phổ biến để các thế hệ trẻ ghi nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh những tháng ngày gắn bó với nước Nga.
 

 
Tháng 7/2019 vừa qua, tượng đồng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được khánh thành tại thành phố Vladivostok, nâng số công trình tượng và tượng đài tưởng niệm Người tại Liên bang Nga lên 4 công trình. Mẫu tượng do nhà điêu khắc Piot Trêgođaev thiết kế, sử dụng hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đang đứng trên bục giảng, hai tay của Bác đặt lên một cuốn sách. Vị trí tượng được đặt tại vườn hoa trên đường phố Borisenko, thành phố Vladivostok, Liên bang Nga. 
Trên bệ tượng có đề dòng chữ bằng hai thứ tiếng Nga và Việt. 
Chủ tịch Hồ Chí Minh
1890-1969
Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam
Nhà văn hóa kiệt xuất
 
Việc xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đây là nguyện vọng từ lâu của cộng đồng người Việt Nam tại Viễn Đông và của những người bạn Nga luôn mong muốn củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt - Nga. Vì vậy, quá trình xây dựng tượng Bác tại vườn hoa trên phố Borisenko đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía Chính quyền thành phố Vladivostok. Đây sẽ trở thành một địa điểm tham quan nổi tiếng, là nơi giao thoa của tình hữu nghị đặc biệt giữa Nga và Việt Nam. 
Công trình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Vladivostok đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống giữa Liên bang Nga và Việt Nam trong Năm chéo Nga - Việt (2019 - 2020), nhân kỷ niệm 25 năm ký kết Hiệp ước về các nguyên tắc cơ bản trong quan hệ hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga vào năm 2019 và hướng tới 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2020./.
---
(1) Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, Tập 1 (1890-1929), Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, 2016, tr.298-299
(2) Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, Tập 2 (1930-1945), Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, 2016, tr.51

               Huyền Trang

 
 
Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi