Di tích lưu niệm Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên – nơi huấn luyện những cán bộ đầu tiên cho cách mạng Việt Nam, công trình được tu bổ và khánh thành vào ngày 30 tháng 4 năm 2002 nhân dịp kỷ niệm 112 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Di tích lưu niệm Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại căn nhà số 13 (nay là 248 – 250) đường Văn Minh, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc là địa danh gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quảng Châu từ năm 1924 đến năm 1927. Căn nhà số 13 là trụ sở của Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, và ra tờ báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Hội. Tại đây, Nguyễn Ái Quốc đã mở ba lớp huấn luyện chính trị, đào tạo cán bộ cách mạng Việt Nam, với tổng số 75 người. Người trực tiếp phụ trách và là giảng viên chính. Những bài giảng của Người được tập hợp lại và xuất bản thành cuốn “Đường Kách mệnh”, cẩm nang hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, một trong những văn kiện lý luận đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 1971, căn nhà số 13 đường Văn Minh được Nhà nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quyết định giữ gìn làm Di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, lấy tên là “Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên”. Di tích thuộc quyền quản lý của Bảo tàng Lịch sử Cách mạng Quảng Đông, đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hoá quốc gia Trung Quốc.
Căn nhà số 13 (nay là 248 – 250) đường Văn Minh, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh)
Năm 2002, Chính quyền thành phố Quảng Châu đã đầu tư tu sửa toàn diện Di tích và khánh thành Di tích vào ngày 30/4/2002 nhân dịp kỷ niệm 112 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong nhiều năm qua, Bảo tàng Lịch sử Cách mạng Quảng Đông, Cục Văn hoá Quảng Châu đã giữ gìn và phát huy tác dụng Di tích lịch sử này. Di tích trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên gồm: Lớp học, phòng Bác ở, phòng ở của các học viên, bếp và gian trưng bày các tư liệu về thời kỳ Bác hoạt động ở Quảng Châu những năm 1924 – 1927.
Phòng in kiêm Ký túc xá nữ và Lớp học – nơi Bác từng giảng dạy cho cán bộ, thanh niên Việt Namtại Di tích lưu niệm Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh)
Đã gần một thế kỷ trôi qua kể từ khi Nguyễn Ái Quốc sống và hoạt động tại Quảng Châu, căn nhà số 13 đường Văn Minh với những kỷ vật thiêng liêng như vẫn còn mang hơi ấm của Người. Di tích là địa chỉ đỏ quan trọng cho những người dân Việt Nam tới thăm mỗi khi đến Quảng Châu, là một minh chứng sống động cho những năm tháng hoạt động sôi nổi của Nguyễn Ái Quốc trên đất bạn và cũng là hiện thân cho tình hữu nghị giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc.
Minh Giang