Trong chiến lược phát triển văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2035, mục tiêu xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” trở thành nhiệm vụ trọng tâm. Văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định phương hướng: “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của thành phố mang tên Bác”[1]. Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh là nhiệm vụ chung, quan trọng, nhiệm vụ này cũng là trách nhiệm lớn lao đối với đoàn viên, thanh niên thành phố.
Hòa cùng không khí của cả nước và Thành phố kỷ niệm 111 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911 - 05/6/2021), nhằm phát huy hơn nữa sức trẻ và trí tuệ của mỗi đoàn viên, thanh niên, vào ngày 04/6/2021, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm “Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp, hiến kế góp phần hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 - 2027”.
Tọa đàm vinh dự được đón tiếp các đồng chí: Phạm Phương Thảo - nguyên phó Bí thư Thành ủy, nguyên chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố; Đồng chí Lâm Hữu Đức - Trưởng phòng văn hóa, văn nghệ Ban Tuyên giáo Thành ủy; Đồng chí Trương Minh Tước Nguyên - Phó Bí thư Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, cùng sự có mặt của 50 gương thanh niên tiên tiến Thành phố Hồ Chí Minh làm theo lời Bác năm 2022 và các cơ quan thông tin báo đài. Đoàn đại biểu đã dâng những nén hương thơm tỏ lòng thành kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tọa đàm đã nêu lên một số vấn đề quan trọng đề xuất đại biểu tham dự diễn đàn tập trung trao đổi để việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh được triển khai hiệu quả và thành công trong đoàn viên, thanh, thiếu nhi Thành phố:
- Thứ nhất, là tầm quan trọng và ý nghĩa của việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên địa bàn Thành phố nói chung và tại cơ quan, đơn vị nói riêng. Từ đó, đề xuất giải pháp tham mưu cho cấp ủy, lãnh đạo đơn vị về phương án thực hiện phù hợp với điều kiện của từng cơ quan, đơn vị và gắn với chức năng, nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực.
- Thứ hai, giải pháp trong công tác nghiên cứu và sưu tập chất liệu để xây dựng không gian văn hoá Hồ Chí Minh.
- Thứ ba, giải pháp trong việc xây dựng không gian văn hóa vật chất, các công trình kiến trúc và xây dựng, việc lan toả không gian văn hóa tinh thần trên các trang mạng xã hội hoặc các nền tảng khác của đơn vị.
- Thứ tư, giải pháp tổ chức các hoạt động phong trào góp phần trong việc xây dựng, phát triển không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
-Thứ năm, không gian văn hóa Hồ Chí Minh cần được bồi đắp bằng chính những tấm gương, câu chuyện đẹp trong quá trình công tác, học tập và sinh hoạt thường ngày; những giải pháp hiệu quả, cách làm hay trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh góp phần truyền cảm hứng và lan tỏa những giá trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến mọi người.
Trong hơn 3 giờ diễn ra tọa đàm, các đại biểu làm việc với tinh thần nghiêm túc, sáng tạo, đã có nhiều ý kiến thảo luận, hiến kế góp phần hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 - 2027, nổi bật: xây dựng không gian 3D tái hiện chân thực hình ảnh Bác tại Bến cảng nhà Rồng; Xây dựng không gian văn hóa phù hợp với hội viên phụ nữ; dự án xây dựng quảng trường Hồ Chí Minh v..vv, đây sẽ là những chất liệu hết sức cụ thể và thực tế để đưa vào văn kiện Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2022 - 2027, đồng thời góp ý tưởng, hiến kế góp phần xây dựng thành công không gian văn hoá Hồ Chí Minh tại Thành phố theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI.
Theo Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh