Nằm trong khuôn khổ hoạt động Trưng bày chuyên đề “Hồ Chí Minh – Góc nhìn từ tranh cổ động.1969 – 2011", do Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức, ngày 10 tháng 5 năm 2019, Cô và trò Trường THCS Nguyễn Tri Phương (Hà Nội) đã tham gia chương trình trải nghiệm in tranh khắc gỗ về Bác Hồ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Khu vực trải nghiệm in tranh khắc gỗ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Tầng 2, Gian Trưng bày chuyên đề, Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: BTHCM
Hoạt động trải nghiệm lần này có sự tham gia của hơn 20 thầy cô giáo, học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương (Hà Nội). Tại đây, thầy cô giáo và các em học sinh được chiêm ngưỡng 60 bức tranh cổ động về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có 40 tác phẩm gốc, các tác phẩm được sáng tác và phát hành sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Những tác phẩm này có giá trị nghệ thuật lớn, mang ý nghĩa sâu sắc, khắc họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa vĩ đại, thanh cao nhưng cũng rất giản dị, gần gũi.
Các em học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương chăm chú lắng nghe cán bộ Phòng Giáo dục giới thiệu Trưng bày chuyên đề “Chân dung Hồ Chí Minh – Góc nhìn từ tranh cổ động” (1969 – 2011). Ảnh: BTHCM
Cô giáo Tôn Thị Thúy Diệu và 20 học sinh lớp 6A1 Trường THCS Nguyễn Tri Phương (Hà Nội) chụp ảnh kỷ niệm cùng Họa sĩ Trần Từ Thành. Ảnh: BTHCM
Trong số những tác phẩm có giá trị đó, Bảo tàng Hồ Chí Minh tiến hành hoạt động trải nghiệm in tranh khắc gỗ về Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 3 bức tranh: “Độc lập – Thống nhất – Hòa bình – Hạnh phúc” của Họa sĩ Trần Từ Thành, “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do” của Họa sĩ Lê Huy Trấp và “Bác bảo thắng là thắng” của Họa sĩ Lê Nhường.
“Độc lập – Thống nhất – Hòa bình – Hạnh phúc”, Họa sĩ Trần Từ Thành. Ảnh: BTHCM
“Không có gì quý hơn Độc lập Tự do”, Họa sĩ Lê Huy Trấp. Ảnh: BTHCM
“Bác bảo thắng là thắng”, Họa sĩ Lê Nhường. Ảnh: BTHCM
Họa sĩ Lê Nhường bên bức tranh do chính ông sáng tác. Ảnh: BTHCM
Điểm đặc biệt độc đáo của hoạt động trải nghiệm này là chất liệu dùng in, vẽ tranh đều được lấy từ tự nhiên và truyền thống gồm giấy điệp và mực in tranh, được dùng trong nghề in tranh Đông Hồ - một làng nghề ở xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh với bề dày lịch sử mấy trăm năm tồn tại và phát triển.
Các cán bộ Phòng Giáo dục hướng dẫn các em học sinh thực hiện thao tác trải nghiệm in tranh khắc gỗ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: BTHCM
Chị Tôn Thị Thúy Diệu – Giáo viên Trường THCS Nguyễn Tri Phương bày tỏ: “Mình rất vinh dự, tự hào cùng các con tham dự triển lãm này, đặc biệt là được tham gia hoạt động trải nghiệm in tranh khắc gỗ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mình cảm thấy đây là một hoạt động ý nghĩa dành cho lứa tuổi của các con, giúp các con hiểu hơn về truyền thống lịch sử của ông cha ta, đồng thời là cơ hội cho các con được thể hiện tình cảm của mình đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mình mong rằng Bảo tàng sẽ có nhiều hoạt động trải nghiệm hơn nữa, để mỗi khi đến với Bảo tàng, các con không chỉ được học tập kiến thức mà còn được hoạt động trải nghiệm, rèn luyện, phát triển bản thân để làm sao cho xứng với những gì mà Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời mong muốn.”
Em Đỗ Hoàng Việt Anh, lớp 6A1, Trường THCS Nguyễn Tri Phương vô cùng háo hức tham gia trải nghiệm, em nói: “Con thấy mình thật may mắn là một trong 20 bạn được mời đến tham gia hoạt động trải nghiệm này. Con được tự mình in tranh Bác Hồ trên giấy điệp, rất đẹp và bổ ích. Sau này, con muốn quay lại Bảo tàng để được trải nghiệm nhiều hơn".
Sau khi hoàn thành việc in và tô màu tranh, các em học sinh còn được đóng dấu logo của Bảo tàng Hồ Chí Minh, được ký tên vào tranh của mình và mang tác phẩm về nhà như một món quà kỷ niệm.
Cô, trò Trường THCS Nguyễn Tri Phương đã có một buổi trải nghiệm vô cùng thú vị. Ảnh: BTHCM
Thông qua hoạt động trải nghiệm in tranh khắc gỗ, các em học sinh được thêm sự hiểu biết về tranh cổ động đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, các em được bồi dưỡng kiến thức, phát triển kỹ năng, sức sáng tạo; tăng cường khả năng cảm thụ nghệ thuật về các tác phẩm hội họa, góp phần động lực cho các em rèn luyện, học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hoạt động trải nghiệm in tranh tại không gian Trưng bày “Chân dung Hồ Chí Minh – Góc nhìn từ tranh cổ động.1969 – 2011" được thực hiện đến hết tháng 05/2019, sau thời gian đó các em học sinh và du khách sẽ tiếp tục tham gia trải nghiệm tại phòng Khám phá của Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Nhân dịp Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 – 2019), tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 – CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và hướng tới kỉ niệm 129 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/05/1890 - 19/05/2019). Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề “Chân dung Hồ Chí Minh – Góc nhìn từ tranh cổ động.1969 – 2011". Trưng bày mở cửa đón khách tham quan từ ngày 10 tháng 5 năm 2019 đến 10 tháng 10 năm 2019 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, số 19 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội.
|
Phòng Giáo dục, Bảo tàng Hồ Chí Minh