Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Bức ảnh kỷ niệm Ngày hội toàn dân cách đây 45 năm
Ngày đăng: 05:12 22/05/2021
Lượt xem: 2.158

Hướng tới ngày Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, xin giới thiệu với bạn đọc về nội dung bức ảnh “Công nhân nhà máy dệt Nam Định nô nức tham gia bầu cử, ngày 25 tháng 4 năm 1976”.

Trong gian trưng bày phần trọng tâm 1975 “Tổ Quốc thống nhất” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, bên cạnh những bức ảnh về không khí vui mừng của Ngày hội chiến thắng, một sự kiện trọng đại của dân tộc Việt Nam- Tổ quốc Việt Nam thống nhất, Bắc-Nam xum họp một nhà, có một bức ảnh được trưng bày phía trên cao đã thu hút được sự chú ý của rất nhiều du khách tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh ngay từ những ngày đầu bảo tàng được thành lập, đặc biệt là những người thuộc giai cấp công nhân và người dân địa phương tỉnh Nam Định. Đó là bức ảnh: Công nhân Nhà máy Dệt Nam Định nô nức tham gia bầu cử Quốc hội chung của cả nước, ngày 25 tháng 4 năm 1976. Bức ảnh thuộc chủ đề VIII “Mãi mãi đi theo con đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
 

Công nhân Nhà máy Dệt Nam Định nô nức tham gia bầu cử Quốc hội chung của cả nước, ngày 25 tháng 4 năm 1976. Ảnh: BTHCM

 

Sau Ngày chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định tổ chức Lễ mừng chiến thắng trong cả nước vào ngày 15 tháng 5 năm 1975. Nhiều hoạt động như mít tinh, diễu hành, biểu diễn văn nghệ, thể thao... được diễn ra tại các thành phố lớn và tất cả các địa phương trong cả nước chào mừng thắng lợi thống nhất đất nước, non sông thu về một mối.
Tháng 1 năm 1976, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam quyết định tiến hành Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất vào ngày Chủ nhật, ngày 25 tháng 4 năm 1976. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam quyết định thành lập Hội đồng bầu cử toàn quốc. Hội đồng do đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch, đồng chí Phạm Hùng làm Phó Chủ tịch.
Bẩu cử Quốc hội chung của cả nước là khẳng định ý chí thống nhất nước nhà của dân tộc ta, khẳng định chân lý: “Dân tộc ta là một, nước Việt Nam là một”(1) “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi(2).”
Ngày 25 tháng 4 năm 1976 là ngày hội hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp thống nhất nước nhà. Vào ngày này hôm đó, cả nước có hơn 20 triệu cử tri đi bỏ phiếu. Hà Nội có 99,82 % số cử tri đi bỏ phiếu, thành phố Sài Gòn: hơn 95% số cử tri đi bỏ phiếu. Kết quả bỏ phiếu đã có 492 đại biểu được bầu vào Quốc hội chung của cả nước. Bức ảnh là hình ảnh một trong những đơn vị hoàn thành việc bỏ phiếu ngay sáng 25 tháng 4, đó là Nhà máy Dệt 8-3, thành phố Nam Định. Các công nhân Nhà máy Dệt Nam Định đã hoàn thành quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của một công dân, sáng suốt lựa chọn các đại biểu có đủ tâm, đủ tầm vào Quốc hội chung của đất nước. Khuôn mặt các cô công nhân Nhà máy Dệt đang rạng ngời phấn chấn. Bức ảnh đen trắng mộc mạc, giản dị này do phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam chụp tại Nam Định, ghi lại tinh thần phấn khởi, hồ hởi của công nhân nhà máy trong Ngày hội toàn dân thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng Nhà nước những năm đầu thống nhất đất nước.  
Nhà máy Dệt Nam Định thuộc tỉnh Nam Định, từng là nhà máy lớn nhất Đông Dương. Sự ra đời của nhà máy đã tạo điều kiện cho phong trào cách mạng trong giai cấp công nhân hình thành và lớn mạnh không ngừng. Nhà máy Dệt lụa Nam Định, tiền thân là một cơ sở nghiên cứu về tơ lụa, do Toàn quyền Đông Dương De Lanessan dùng ngân sách Đông Dương lập ra. Đến năm 1898, Toàn quyền Paul Doumer đồng ý cho Dadre, với danh nghĩa là phái viên nghiên cứu vấn đề tơ lụa Đông Dương, lập một nhà máy tơ chạy bằng hơi nước có sáu lò (basines) đặt ngay tại thành phố. Năm 1900, một số tư bản Pháp trong Công ty bông, vải, sợi Bắc Kỳ, đứng đầu là Dupré, hùn vốn với một tư sản người Hoa là Bá Chính Hội cùng kinh doanh. Cùng năm này, Xưởng sợi A và Xưởng cơ khí được xây dựng. Năm 1924, số công nhân có 6.000 người. Năm 1929, Nhà máy Tơ Nam Định đã có 135 máy dệt. Đến cuối năm 1939, nhà máy đã có 3 nhà xưởng sợi, 3 nhà xưởng dệt, 1 xưởng nhuộm, 1 xưởng chăn, 1 xưởng cơ khí, 1 xưởng động lực. Sau năm 1954, Dệt lụa Nam Định được Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp quản từ tay tư bản Pháp. Do ảnh hưởng chiến tranh và sự phá hoại của tư bản Pháp nên máy móc còn lại ít, đa phần bị hỏng. Sau thời gian tiếp quản, xí nghiệp phục hồi lại một số máy móc và tiếp tục hoạt động. Được sự trợ giúp của Nhà nước và nguồn hàng viện trợ, xí nghiệp đã nâng cấp nhà máy và được giao nhiệm vụ sản xuất lụa đen phục vụ cho thị trường miền Bắc. Thời đó, hầu hết phụ nữ miền Bắc đều mặc quần đen. Lụa đen là một trách nhiệm mà Nhà nước phải lo cho 1/2 dân số, gần 10 triệu người. Mỗi người phụ nữ được quyền mua 2 mét lụa đen trong số 4 mét vải/năm trên tem phiếu. Cũng vì vậy mà sản phẩm của xí nghiệp làm ra bao nhiêu đều được Nhà nước tiêu thụ hết, sản phẩm dù tốt hay xấu đều được chấp nhận, vì cung vẫn thấp hơn cầu. Ngoài số lượng lụa sản xuất trong nước, Nhà nước còn xin viện trợ để nhập thêm lụa đen về mới tạm đủ. Do vậy, trong suốt giai đoạn này nhà máy hoạt động tương đối bình thường, không có những khó khăn, ách tắc lớn. Thời kỳ này, Nhà máy Dệt Nam Định là một trong những nhà máy đi đầu về sản xuất, là một trong những nhà máy điểm, điển hình thời đó. Nhà máy Dệt Nam Định cùng với Tháp Phổ Minh là hai địa danh tiêu biểu của tỉnh Nam Định đã được in trên tờ tiền 2000 đồng và 100 đồng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ngày 24 tháng 4 năm 1957, Nhà máy Dệt Nam Định đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm. Sau khi đi thăm một số phân xưởng, thăm bệnh xá, nhà trẻ và khu tập thể của Nhà máy, tại Câu lạc bộ của Nhà máy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy. Sau khi biểu dương thành tích, nhắc nhở một số khuyết điểm, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Mình là chủ phải làm thế nào cho xứng đáng là chủ. Phải theo gương công nhân các nước bạn yêu máy như yêu con, yêu nhà máy như nhà mình. Đó là làm chủ xứng đáng. Cái gì lợi cho nhà máy là ích lợi cho mình, cái gì hại cho nhà máy là hại cho nhà mình. Đó là thái độ của người làm chủ, làm chủ nước nhà, làm chủ nhà máy(3)''. Về chế độ quản lý và điều hành sản xuất của Nhà máy, Người khẳng định: “Chế độ làm khoán là một điều kiện của chủ nghĩa xã hội, nó khuyến khích người công nhân luôn luôn tiến bộ, cho nhà máy tiến bộ. Làm khoán là ích chung và lại lợi riêng(4)”. Người căn dặn cán bộ công nhân viên nhà máy phải đoàn kết, cố gắng học tập chính trị, kỹ thuật để đạt nhiều thành tích hơn nữa.
Tấm ảnh về công nhân Nhà máy Dệt Nam Định nô nức tham gia bầu cử  được trưng bày ở chủ đề VIII “Mãi mãi đi theo con đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh” là tấm ảnh tiêu biểu cho ngày hội lớn của toàn dân tộc sau Ngày thống nhất. Nhìn lại sau hơn 45 năm Ngày thống nhất Tổ Quốc, Bắc Nam sum họp một nhà, Đảng và Nhà nước ta đang nỗ lực từng bước đưa đất nước phát triển. Quốc hội Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò và vị thế của mình đối với công cuộc xây dựng đất nước. Bức ảnh đã có tuổi đời hơn 45 năm này càng có ý nghĩa hơn khi cả nước đang tưng bừng chuẩn bị đón ngày hội lớn của dân tộc, ngày thể hiện quyền và trách nhiệm của công dân. Ngày 17/11/2020 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 133/2020/QH14 về Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia. Theo Nghị quyết của Quốc hội, Ngày bầu cử sẽ được tiến hành vào ngày Chủ nhật, 23 tháng 5 năm 2021.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức vào thời điểm cả nước đã giành được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực theo các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đã đặt ra đối với cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Cuộc bầu cử cũng diễn ra đúng vào thời điểm các Bộ, Ngành, địa phương tập trung triển khai và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Ngày 23/5/2021, cử tri cả nước sẽ nô nức tham gia bỏ phiếu Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là một sự kiện chính trị lớn có ý nghĩa quan trọng đối với đất nước, qua đó phát huy tinh thần yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
-------
Chú thích
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.674.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.280.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 10, tr. 533,534. 
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 10, tr. 537.

ThS. Trần Thị Thanh Hằng

Bảo tàng Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Tặng phẩm hữu nghị Lào-Việt
13/10/2022
1.096 lượt xem
Tấm áo Bạch Liên của Bác Hồ
02/05/2020
3.860 lượt xem
Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi