Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Giới thiệu tác phẩm mỹ thuật "Nguồn Cốc Bó" của họa sỹ Trần Văn Cẩn và tác phẩm "Đêm Nguyên Tiêu" của họa sỹ Nguyễn Thụ
Ngày đăng: 04:39 20/12/2022
Lượt xem: 5.168

Được sự đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sau một thời gian nghiên cứu, khảo sát và thực hiện quy trình mua hiện vật theo Thông tư số 11/2013/TT-BVHTTDL ngày 16 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về sưu tầm hiện vật của bảo tàng công lập. Ngày 07 tháng 12 năm 2022, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tổ chức tiếp nhận và bàn giao hai tác phẩm mỹ thuật Nguồn Cốc Bó của cố họa sỹ Trần Văn Cẩn và Đêm Nguyên Tiêu của họa sỹ Nguyễn Thụ từ chủ sở hữu của hai tác phẩm cho Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Ông Trần Ngọc Lâm, chủ sở hữu hai tác phẩm mỹ thuật Nguồn Cốc Bó của cố họa sỹ Trần Văn Cẩn và Đêm Nguyên tiêu của họa sỹ Nguyễn Thụ, bàn giao Hợp đồng và Biên bản giao nhận cho đồng chí Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh.

1. Tác Phẩm mỹ thuật Nguồn Cốc Bó của họa sỹ Trần Văn Cẩn

 

Họa sỹ Trần Văn Cẩn (1910 - 1994) là một họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam, được mệnh danh là một trong bộ tứ danh họa hàng đầu của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, ông được giới họa sỹ phong trong bộ tứ: Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn(1) ( ). Ông sinh ra tại thị xã Kiến An, tỉnh Kiến An (nay là quận Kiến An, thành phố Hải Phòng), trong một gia đình trí thức nghèo, cha là một công chức bưu điện. Thuở nhỏ, chịu ảnh hưởng từ mẹ, người cậu vốn là nghệ nhân làm nghề thủ công nặn tò he và vẽ đèn giấy, ông sớm có biểu lộ năng khiếu và sự ham thích với ngành hội họa. Năm 1925, ông thi đỗ vào trường Bách Nghệ Hà Nội, học khoa Vẽ Mẫu đăng ten và Thiết kế đồ gỗ. Năm 1930, ông tốt nghiệp Trường Kỹ nghệ thực hành, về làm việc ở Sở cá Nha Trang. Tại đây, ông được tiếp xúc với cuộc sống của những người đi biển, đồng thời gặp gỡ và làm quen với một họa sĩ người Pháp đến giúp Viện xây dựng mô hình để tham dự Hội chợ triển lãm ở Paris, cũng từ đây, ông bắt đầu làm quen với kỹ thuật hội họa phương Tây - những tác phẩm hội họa đầu tay của ông mang chủ đề biển cả. 
Sau đó, Trần Văn Cẩn ra Hà Nội, học lớp dự bị do họa sỹ Nam Sơn hướng dẫn và thi đỗ vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, khóa VI (khóa học chỉ có 6 sinh viên trong đó có Trần Văn Cẩn và Nguyễn Gia Trí). 
Năm 1943, FARTA mở phòng tranh tại nhà Khai Trí Tiến Đức, Trần Văn Cẩn gửi tham gia 2 bức “Em Thúy” (Sơn dầu) và “Gội đầu” (khắc gỗ) đều đoạt giải. Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945, Trần Văn Cẩn cùng một số họa sĩ đã dựng hàng chục tranh cổ động quanh hồ Hoàn Kiếm, bức tranh “Nước Việt Nam của người Việt Nam” được căng trên tòa Địa ốc Ngân hàng (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam). Năm 1946, Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc lần đầu tiên được mở dưới chế độ mới, bức “Xuống đồng” của Trần Văn Cẩn được trao giải nhất.
Tháng 7/1948, tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc, Trần Văn Cẩn được bầu vào Ban thường vụ Hội Văn nghệ Việt Nam. Tháng 6/1954, Tô Ngọc Vân hy sinh, Trần Văn Cẩn thay thế đảm nhiệm vai trò Hiệu trưởng trường Mỹ thuật và giữ cương vị này trong 15 năm (1954 - 1969). Ông cũng là Tổng thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam nhiệm kỳ thứ nhất (1958 - 1983); Chủ tịch hội nghệ sĩ tạo hình Việt Nam nhiệm kỳ 2 (1983 -1989). Từ năm 1978, ông trở thành cộng tác viên của Viện Hàn lâm nghệ thuật Cộng hoà Dân chủ Ðức. 
Với khả năng sáng tác của mình, họa sỹ đã để lại cho nền hội họa hiện đại Việt Nam một gia tài phong phú các tác phẩm nghệ thuật ở nhiều thể loại khác nhau. Tác phẩm của ông được trưng bày tại một số bảo tàng lớn của Việt Nam. Ngoài ra, những tác phẩm của ông cũng được rất nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tìm kiếm và sưu tầm. Những tác phẩm tiêu biểu của họa sỹ Trần Văn Cẩn: “Em Thuý” - sơn dầu (1944); “Gội đầu” - khắc gỗ; “Xuống đồng” - lụa ...
Trong cuộc đời sáng tác của mình, Trần Văn Cẩn đã có vinh dự nhiều dịp được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và được trực tiếp vẽ Người, những lần gặp Bác đã để lại nhiều kỷ niệm trong ông. Cảm nhận của ông khi sáng tác các tác phẩm về Người: “Đúng là Bác Hồ kính yêu của chúng ta lúc nào cũng thanh thản, ung dung. Vẽ và nặn tượng Bác cho được cái thần thái ấy quả là không dễ. Cho đến nay chúng tôi cảm thấy tranh mình chưa thể hiện và lột tả được hết những nét riêng đáng quý đó của Bác, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc”(2) ( ). Các tác phẩm tiêu biểu của ông về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chân dung Bác (Sơn dầu, 1961); Hồ Chủ tịch đi công tác (Sơn dầu, 1961); Nguồn Cốc Bó (Màu nước, 1969), Bác Hồ bên bờ suối Lê-nin (Bột màu, 1970).
 

Tác phẩm mỹ thuật Nguồn Cốc Bó, tác giả Trần Văn Cẩn, sáng tác năm 1969 (01 bức, bằng chất liệu màu nước, kích thước: 40x55 cm).

Tác phẩm Nguồn Cốc Bó của họa sỹ Trần Văn Cẩn được sáng tác vào năm 1969 bằng chất liệu màu nước trên giấy. Tác phẩm lấy bối cảnh hang Cốc Bó, một trong những địa danh lịch sử thuộc bản Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, đây là nơi hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn đầu trở về Tổ quốc lãnh đạo Cách mạng từ năm 1941 đến năm 1945 với bút pháp chân thực, nhẹ nhàng, họa sỹ đã khắc họa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bộ quần áo ka ki, chân đi đôi dép cao su giản dị, gương mặt của Người toát lên phong thái ung dung, thư thái. Phía xung quanh lấy bối cảnh hang Cốc Bó, bên cạnh Người là dòng suối Lê-nin trong veo, phẳng lặng. Nói về tác phẩm, họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận xét: “Cấu trúc và bố cục cho ý tưởng sáng tác một tác phẩm lớn về Chủ tịch Hồ Chí Minh những năm tháng gian khổ ở chiến khu Việt Bắc trong cuộc kháng chiến 9 năm để làm nên một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Bút pháp chân xác, nhẹ nhõm giàu cảm xúc đã làm nên dấu ấn nghệ thuật hội họa của tác giả Trần Văn Cẩn ngay ở tác phẩm này... Trong thế hệ vàng trường Cao Đẳng Mỹ thuật Trung ương, ông đã cùng với những đồng nghiệp tài năng của thế hệ mình đặt những viên gạch đầu tiên hình thành nền cốt của nền mỹ thuật cách mạng Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đây là tác phẩm rất xứng đáng được sưu tầm, lưu giữ cho bộ sưu tập các tác phẩm mỹ thuật về đề tài lãnh tụ Hồ Chí Minh của Bảo tàng Hồ Chí Minh”. 

2. Tác phẩm mỹ thuật Đêm Nguyên tiêu của họa sỹ Nguyễn Thụ

 

Họa sĩ Nguyễn Thụ sinh năm 1930, quê quán Hoài Đức, Hà Tây (nay là Hà Nội). Năm 1946, ông tham gia thiếu sinh quân tại Thái Nguyên, ông đã bộc lộ tài năng vẽ trên các tờ báo viết tay của Đội thiếu sinh quân trên mọi nẻo đường kháng chiến. Năm 1955, ông được cử đi học trường Mỹ thuật Việt Nam, khóa Tô Ngọc Vân (1955 - 1957). Sau khi tốt nghiệp, ông tiếp tục theo học tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội (1957 - 1962). Trong quá trình học tập, ông có nhiều sáng tác tham gia các triển lãm mỹ thuật, tiêu biểu như các tác phẩm: “Trường mới”; “Trên đồng cỏ”; “Cô giá Tày”; “Tập bắn”; “Qua bản”…
Năm 1962, sau khi tốt nghiệp, ông trở thành giảng viên của trường và giữ cương vị từ Phó Hiệu trưởng và Hiệu trưởng từ năm 1984 đến năm 1991. Họa sỹ Nguyễn Thụ được ghi nhận là thế hệ đầu tiên phát triển tranh lụa ở Việt Nam, nói về tranh lụa của họa sỹ Nguyễn Thụ, nhà phê bình Mỹ thuật Quang Việt viết “Phong cách vẽ lụa của Nguyễn Thụ là một phong cách ở ngoài phong cách, nó nằm giữa mỹ học phương Đông và phương Tây, thậm chí giữa mỹ học phương Đông và Á Đông, Á Đông và Việt Nam. Chất thủy mặc, ở đây, không phải là những vệt loang của màu, của mực, mà được chỉ đạo chặt chẽ bởi các trò chơi điêu luyện về “sắc - độ”… ở Nguyễn Thụ, đôi khi làm dậy lên cả một vị lạ, chỉ mình ông mới có”(3) ( ).
Với các tác phẩm nổi tiếng được giới nghệ thuật trong và ngoài nước đón nhận, họa sỹ Nguyễn Thụ là những người ghi dấu ấn đầu tiên phát triển thành công nghệ thuật tranh lụa Việt Nam. Chủ đề sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh được họa sỹ thể hiện rất thành công, các tác phẩm tiêu biểu: “Bác Hồ đi công tác” (1980); “Đêm Nguyên tiêu” (1990); “Bác Hồ” (1990); “Bác Hồ với đồng bào dân tộc” (2004); “Bác Hồ ở Pắc Bó - Cao Bằng” (2006) “Bác Hồ làm thơ” (2007)...
 

Tác phẩm mỹ thuật Đêm Nguyên tiêu, tác giả Nguyễn Thụ, sáng tác năm 1990 (01 bức, bằng chất liệu lụa, kích thước: 40x60 cm).

 
Tác phẩm Đêm Nguyên tiêu của họa sỹ Nguyễn Thụ được sáng tác trong thập niên 90 của thế kỷ trước. Tác phẩm vẽ hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thuyền trong đêm trăng là một khoảnh khắc giàu cảm xúc tạo hình và chất thơ bình dị của chất liệu lụa truyền thống. Với tâm hồn giàu cảm xúc thơ, ông đã sớm sử dụng chất liệu lụa và khẳng định dấu ấn tài năng nghệ thuật của mình ở chất liệu đặc sắc này. Đánh giá về tác phẩm, PSG, NDND họa sỹ Lê Anh Vân, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho biết: “Bức tranh mô tả Bác Hồ đi thuyền của Nguyễn Thụ là một bức tranh đẹp thể hiện rõ phong cách của tác giả. Bố cục độc đáo không tả Bác Hồ to lớn như nhiều tranh về Bác. Hình tượng Bác đứng trên thuyền nhìn vào khoảng không gian bao la của bầu trời đêm. Hình tượng Bác trông thư thái, bình dị như một nhà thơ. Bố cục đơn giản, màu sắc được tác giả sử dụng hầu như chỉ là sắc đen của mực nho rất gần với tranh Thủy Mặc của Trung Quốc. Không gian của bức tranh với những khoảng thoáng, rộng, màu sắc ghi nhẹ gợi không gian trời nước bao la. Bằng những vệt màu vàng nhẹ sáng lung linh dưới nước, tác giả đã vẽ nên một đêm trăng sáng mà không cần tả trăng. Một vài ngọn lau tác giả cũng tạo nên phong cảnh đêm trăng thanh gió mát. Bác Hồ đứng trên thuyền ngắm cảnh bao la của trời nước mà ra những vần thơ, mà họa sỹ đã ghi bên trên góc trái của tranh. Tác giả sử dụng bút pháp phóng khoáng, màu sắc giản dị, không gian mờ ảo tạo nên chất thơ trong tranh cũng phần nào nói lên tinh thần và con người Hồ Chủ tịch”.
Với những đóng góp của mình cho nền Mỹ thuật Việt Nam, họa sỹ Trần Văn Cẩn đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước: Huân chương Lao động Hạng Nhất; truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về văn học nghệ thuật năm 1996. Đặc biệt năm 2010, tên ông đã được đặt cho một con phố thuộc Khu đô thị Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Với họa sỹ Nguyễn Thụ, ông được phong hàm Phó Giáo sư - Nhà giáo nhân dân, ông đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý: Huân chương Huân chương Lao động hạng Nhì; Huân chương Chiến thắng hạng Ba; Huân chương chống Mỹ hạng Hai; Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Huy chương Vì Sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam; Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục; Huy chương Vì Thế hệ trẻ, Huy chương Chiến sỹ Văn hóa; Năm 2001, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật cho các tác phẩm: Dân quân - khắc gỗ (1960), Đấu vật - khắc gỗ 1960, Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân - tranh cổ động (1970), Bác Hồ đi công tác - lụa (1980), Bác Hồ - lụa (1990); Giải Ba triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1960; Giải Nhất tranh Cổ động năm 1970; 02 Giải Nhì triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1976 và năm 1990; Giải Nhất triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1980; Giải thưởng triển lãm Quốc tế Hội họa Hiện thực Sofia - Bulgarie…
Năm 2020, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát sưu tầm và sở hữu tác phẩm mỹ thuật “Nắm đất Tổ quốc” kèm ba bản phác thảo của gia đình cố họa sỹ Văn Giáo với những giá trị tiêu biểu về mỹ thuật, lịch sử và văn hóa. Việc tổ chức sưu tầm thành công hai tác phẩm mỹ thuật Nguồn Cốc Bó của cố họa sỹ Trần Văn Cẩn và Đêm Nguyên tiêu của họa sỹ Nguyễn Thụ chính là nhằm đẩy mạnh công tác nghiên cứu sưu tầm một cách có hệ thống, tiến tới xây dựng bộ sưu tập tác phẩm mỹ thuật sáng tác về đề tài Hồ Chí Minh của các họa sỹ nổi tiếng của Việt Nam và thế giới, phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày, giáo dục công chúng khi đến với Bảo tàng Hồ Chí Minh, góp phần thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII và Kết luận số 01 ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
----------
Chú thích:
1. Bộ tứ gồm bốn họa sỹ: Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn.
2. Hội Nhà văn Việt Nam: Bác Hồ với văn nghệ sỹ, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội, 1985, trang 249.
3. Đặng Thị Bích Ngân: Họa sỹ Nguyễn Thụ tranh lụa và ký họa trong sưu tập của Yoong Voon Sin, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2016, trang 16, 17.
 

Ths. Hoa Đình Nghĩa

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Tặng phẩm hữu nghị Lào-Việt
13/10/2022
963 lượt xem
Tấm áo Bạch Liên của Bác Hồ
02/05/2020
3.393 lượt xem
Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi