Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Hành trình của con tàu Amiral Latouche Tréville đưa Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước
Ngày đăng: 01:18 05/06/2021
Lượt xem: 88.080

Nhân dịp kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021), 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2021), chúng tôi muốn gửi đến bạn đọc tư liệu thông số kỹ thuật về con tàu Amiral Latouche Tréville, con tàu đã đưa chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước và hành trình của con tàu năm 1911. 

Trưa ngày 2/6/1911, con tàu Amiral Latouche Tréville (tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin) từ Hải Phòng cập cảng Sài Gòn. Người thanh niên Nguyễn Tất Thành xuống tàu và gặp viên thuyền trưởng Lui E-du-a Mai-sen xin việc làm. Ngày 3/6/1911, anh chính thức xuống tàu bắt đầu làm phụ bếp, nhận thẻ nhân viên của tàu với tên mới là Văn Ba(1), mức lương 45 Franc Pháp/tháng. Đây là một trong 6 chiếc tàu cỡ lớn chuyên chạy tuyến đường Pháp - Đông Dương, tàu vừa chở hàng vừa chở khách thuộc quyền sở hữu của hãng Năm Sao, đang chuẩn bị rời cảng Sài Gòn đi Mácxây (Marseille), Pháp.
 

Ảnh con tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin (Amiral Latouche Tréville)

 
Ngày 5/6/1911, trên con tàu Amiral Latouche Tréville, từ bến cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Về mục đích ra đi của mình, năm 1923, Người đã trả lời một nhà báo Nga rằng: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp Tự do, Bình đẳng, Bác ái... Tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy”(2). Một lần khác trả lời một nhà văn Mỹ, Người nói: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”(3). 

1. Tư liệu về thông số kỹ thuật của con tàu

Trong quá trình nghiên cứu kết hợp với tài liệu của khu lưu niệm Nhà rồng, Giám đốc Nhà máy Ba Son thuộc Cục Kỹ thuật Hải quân đã cung cấp những thông số kỹ thuật chủ yếu của con tàu. Tài liệu này do Pháp trang bị cho Nhà máy từ đầu thế kỷ XX(4). Theo hồ sơ trong cuốn Danh mục sơ lược về các thương thuyền của các nước trên thế giới - bản in lần thứ 58 (năm 1927 - 1928) của cơ quan đăng kiểm Pháp: tàu Amiral Latouche Tréville được đóng tại vùng Saint Nazaire của nước Pháp do xưởng đóng tàu Chantiers de La Loire đóng. Tàu được hạ thủy vào ngày 21/9/1903, thuộc hãng tàu Des Charguers Réunis, đăng ký lần đầu tại cảng Le Havre năm 1904, mang số hiệu 1233, mang cờ hiệu hàng hải của Pháp, Việt Nam gọi là hãng Năm sao (vì trên ống khói con tàu có in hình ngôi sao 5 cánh). Tàu bị phá hủy vào ngày 10/3/1929 tại xưởng phá tàu Dunkerque(5).
Tàu có khả năng chứa hàng và người: 3.436 tấn. Tàu có hai dàn cột cầu. Vỏ tàu bằng sắt, có một chân vịt, có 8 hầm kín nước, 1 hầm nước dằn tàu và hai boong. Toàn bộ hệ thống chiếu sáng bằng điện.
Động lực chính của tàu: Tàu dùng máy hơi nước (máy chính), tàu chạy mức bình thường: 337 mã lực; chạy mức tối đa: 2600 mã lực. Vận tốc: 13 hải lý/h. Máy chính của tàu dùng xi lanh 3 cấp. Đường kính của xi lanh là 25 ½ inch, 42 ½inch, 68 ½ inch; chu trình của pitông là 51 inch. Áp lực máy LSB/ inch (13kg/cái). Đây là một trong những tàu cỡ lớn đầu thế kỷ XX vừa chở hàng, vừa chở người.
Trên cơ sở dữ liệu với thông số kỹ thuật của con tàu, Nhà máy Ba Son thuộc Cục Kỹ thuật Hải quân đã thiết kế xây dựng mô hình con tàu và tặng Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bến cảng Nhà Rồng (nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh) toàn bộ thiết kế mô hình cùng bản trích lai lịch những thông số cơ bản của con tàu. 

2. Hành trình của con tàu 

Cũng theo hồ sơ về con tàu và các sổ cập cảng trưa ngày 5/6/1911, con tàu Amiral Latouche Tréville đã rời bến sông Sài Gòn với 72 thủy thủ trên tàu. Sau đó, tàu di chuyển từ Sài Gòn tới Singapore trong 3 ngày. Ngày 8/6/1911, tàu cập cảng Keppel của Singapore. Từ cảng Keppel, Singapore, tàu lại tiếp tục hành trình của mình trên Ấn Độ Dương để tới Quốc đảo Sri Lanka. Vượt qua phần còn lại của Ấn Độ Dương, tàu đi vào vùng biển đỏ, qua tiếp kênh đào rồi cập cảng Said phía Bắc Ai Cập. Từ cảng Said, Ai Cập, tàu lại tiếp tục hành trình vượt qua Địa Trung Hải để tới cảng Mác Xây (Marseille) Pháp ngày 6/7/1911. Tàu Amiral Latouche Tréville không dừng lại ở Mác Xây, nó phải tiếp tục hành trình về phía Bắc của nước Pháp. 
 

Sổ nhập cảng của tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin (Amiral Latouche Tréville) đến Doong kéc ngày 26.7.1911

 
Ngày 15/7/1911, tàu cập cảng Lơ Havơrơ (Le Havre), cảng chính ở phía Bắc nước Pháp. Con tàu còn di chuyển đến cảng Cảng Đoong kec (Dunkerque) và dừng chân ở đó đồng thời kết thúc 40 ngày lênh đênh trên biển. 
Cùng với hành trình của con tàu, làm công việc phụ bếp, anh Văn Ba phải dậy từ 4h sáng đến 9h đêm. Anh làm việc với cường độ liên tục: quét dọn sạch sẽ nhà bếp lớn trên tàu, rồi đốt lửa trong các lò, đi khuân than, xuống hầm lấy rau, thịt, cá, nước đá… Công việc khá nặng nhọc vì dưới bếp thì rất nóng và trong hầm rất rét, nhất là phải vác một bao tải nặng, vừa leo lên những bậc thang trong khi con tàu tròng trành. Xong công việc ấy, anh còn phải dọn cho chủ bếp Pháp ăn, sau đó lại nhặt rau, rửa chảo nồi, đun lò.
 Nhà bếp chăm lo cho 7, 8 trăm người cả nhân viên và hành khách: Những chiếc chảo bằng đồng lớn và nặng quá, anh Ba phải kéo lê trên sàn. Những cái nồi cao quá phải leo lên ghế để chùi nồi. Gọt củ cải, khoai tây, măng tây. Có lần anh Ba suýt chết đuối do gặp biển nổi sóng dữ dội, may bị sóng đẩy vào giữa cột buồm và dây xích nên đã thoát chết(6). 
Chính vì công việc dưới tàu cực khổ nhiều nguy hiểm, nên 14 thủy thủ, nhân viên của tàu đã bỏ nghề lên các bến dọc đường. Khi tàu đến Le Havre, tổng số người làm trên tàu chỉ còn có 58 người, trong đó có anh Văn Ba. Anh Văn Ba đã thắng sóng gió và điều kiện làm việc cực nhọc dưới tàu biển để khởi đầu cho hành trình tìm đường cứu nước. 
Không những thế, vào lúc 9h đêm khi công việc kết thúc, mọi người đánh bài, nghỉ ngơi, anh Ba lại đọc, viết đến 11h hoặc nửa đêm(7).
Như vậy, theo hành trình con tàu Amiral Latouche Tréville, anh Văn Ba - Nguyễn Tất Thành có điều kiện dừng chân tại 6 bến cảng của 4 quốc gia: Singapore, Srilanca, Ai Cập, Pháp. Đến mỗi nơi, Người lại có điều kiện tìm hiểu về cuộc sống, đất nước, con người những nơi đây. Từ đó, hiểu và thông cảm với số phận của những người dân.
Theo hành trình của con tàu, anh Văn Ba lại trở về Sài Gòn. Trong sổ lĩnh lương của tàu Amiral Latouche Tréville (bản chụp lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh) ghi rõ anh Văn Ba đã nhận lương tại Sài Gòn, ngày 16/10/1911, có chữ ký(8). Ngày 31/10/1911, từ Sài Gòn Nguyễn Tất Thành gửi thư cho Khâm sứ Trung Kỳ nhờ chuyển số tiền 15 đồng cho cha là Nguyễn Sinh Huy. Số tiền trên đã được ông Nguyễn Sinh Huy ký nhận ngày 9/11/1911(9). Sau 4 tháng con tàu lại đưa Nguyễn Tất Thành trở về Sài Gòn. Nhưng anh đã không dừng lại, cũng không trở về mà tiếp tục cuộc hành trình tiếp theo.
Trên con tàu, hành trình của anh Nguyễn Tất Thành mới kết thúc một chặng thứ nhất và chuẩn bị cho một chặng thứ hai trên một chiếc tàu của hãng vận tải hợp nhất Sácgiơ Rêuyni sẽ đi vòng quay châu Phi, châu Mỹ. Đến khoảng 1914 anh trở về Anh và cuối năm 1917 từ Anh trở lại Pháp, Người bắt đầu hoạt động yêu nước của mình.
Hành trình vạn dặm đi tìm chân lý của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh ấy kéo dài 30 năm (1911 - 1941) qua 3 đại dương, 4 châu lục, 28 quốc gia, qua hàng trăm thành phố lớn nhỏ, gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều dân tộc. Tư liệu về con tàu cùng với hành trình của nó không chỉ là vật chứng cho chặng đường đầu tiên thực hiện hoài bão để nối tiếp những năm tháng hoạt động sôi nổi, oanh liệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà cho đến thời điểm hiện nay, các địa danh trên hành trình của con tàu chính là những địa chỉ đỏ, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, là giá trị truyền thống kết nối dân tộc Việt Nam với thế giới trên con đường hội nhập. Nhân dịp kỷ niệm 110 năm, ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, cung cấp đến bạn đọc rõ hơn về tư liệu và hành trình của con tàu để nhớ về ngày ý nghĩa lịch sử ấy.

Th.s Trần Thị Thanh Hằng

---------------------
1. Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, 2016, T.1, tr.29. 
2. Báo Ogoniok, số 39, ngày 23/12/1923
3. Báo Nhân dân, ngày 18/5/1965
4. Bài viết của Giám đốc nhà máy Ba Son (19/5/1986)
5. Trong cuốn Répertoire générale de la marine marchandée de tour lespays (Danh mục sơ lược về các thương thuyền của các nước trên thế giới - bản in lần thứ 58 của năm 1927 - 1928 của cơ quan đăng kiểm Pháp, tr.34, số thứ tự 963)
6. Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Thanh Niên, 2012, tr.16, 17.
7. Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Thanh Niên, 2012, tr.17.
8. Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, T1, tr. 33
9. Hồ sơ của Chánh mật thám Trung Kỳ lập tại Huế, ngày 12-1-1923.
 

 

Các bài viết khác

Tặng phẩm hữu nghị Lào-Việt
13/10/2022
960 lượt xem
Tấm áo Bạch Liên của Bác Hồ
02/05/2020
3.385 lượt xem
Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi