Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Ký ức về Cây Mít cổ thụ của Ông bà ngoại Bác Hồ!
Ngày đăng: 01:50 04/05/2020
Lượt xem: 2.891

Có lẽ ai đã từng một lần về thăm quê hương Bác đều rất ấn tượng khi được tận mắt nhìn ngắm, chiêm ngưỡng cây mít cổ thụ hơn 130 tuổi gắn bó với tuổi thơ của Bác cùng gia đình được trồng trong khuôn viên quê ngoại của Bác. Bây giờ, hình ảnh ấy đã đi vào ký ức của chúng ta với sự tiếc nuối khôn nguôi.

 

Khách tham quan chụp ảnh lưu niệm tại cây mít cổ thụ - Di tích Hoàng Trù

 
Thân cây mít khá to, sần sùi. Tỏa bóng mát một góc sân. Mỗi lần mít chín thơm, chúng tôi thường hái và dâng lên bàn thờ cúng các cụ Tổ tiên dòng họ Hoàng Xuân và ông bà ngoại Bác với sự biết ơn sâu sắc. Vào những năm trước khi cây bị chết, quả thưa dần và có mùa cây không còn ra quả nữa. Thân cây bị mục dần, lá ngày càng ít đi. Với nhiều sự cố gắng của các chuyên gia về cây trồng nhưng đã không cứu được. Tính đến nay (4.2020), theo hồ sơ di tích được lưu giữ tại Khu di tích Kim Liên, cây Mít này đã hơn 130 tuổi. Nó nhiều hơn tuổi Bác Hồ, cây duy nhất có từ thời Bác còn sống. Thời gian Bác sống ở mảnh đất Hoàng Trù cùng với ông bà, bố mẹ, anh chị và dì An. Bác thường cùng anh chị em vui đùa, trò chuyện bên gốc mít phía sau nhà này. Một không gian yên bình, mát mẻ lưu giữ những kỷ niệm êm đềm của gia đình Bác. Năm 1961, lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ ra đi tìm đường cứu nước, Bác trở về thăm quê ngoại, thắp hương cho ông bà tổ tiên bên ngoại, thăm những kỷ vật trong ngôi nhà của ông bà ngoại và của gia đình mình, những kỷ niệm tuổi thơ như ùa về trong Bác. Bác rất ngạc nhiên khi nhìn thấy cây mít ngày xưa của ông bà ngoại vẫn còn, xúc động Bác nói “Cây mít ngày xưa của ngoại mà nay vẫn còn đây à?” “Cây này ngày trước, quả sai nhiều múi, cùi mỏng nhưng rất ngọt”. Bác nhớ rõ vị ngon của nó, tuổi thơ ngọt ngào của Bác cùng anh chị đã gắn bó với cây mít này rất nhiều. Theo thời gian, phần thân lớn của nó đã bị gãy, phần thân cây sau này chúng ta nhìn thấy chính là cái chồi của nó mọc lên.
Không hiên ngang như những cây cổ thụ khác, cây mít đứng thu mình ở góc vườn phía sau nhà ông ngoại Bác. Hiền hòa nhưng rất đỗi thân thương. Không biết bao nhiêu lần, tôi đã giới thiệu về nó trong sự ngưỡng mộ, quan tâm, tò mò và đầy yêu thương của khách thăm quan. Không biết có quá không khi tôi có cảm giác “Cụ mít” này như một người bạn già rất đáng kính. Cụ đứng đó, lặng im và lắng nghe chúng tôi kể chuyện về gia đình Bác, đôi khi về những tâm sự cuộc đời, những bí mật thầm kín của một thời thanh xuân. Sẻ chia và đồng cảm cùng chúng tôi vào những ngày hè oi bức, những đợt gió lào bỏng rát. Có ai đó đã từng nói “Im lặng cũng là một thứ ngôn ngữ không lời”. Thứ cảm giác ngọt ngào đó không phải ai cũng cảm nhận được. Phải chăng vì quá yêu quý mà tôi đã nghĩ về Cụ như vậy. Thực ra trong cuộc đời của chúng ta, những điều thân quen luôn là một phần trong ký ức. Bản thân tôi, thường xuyên được nhìn thấy Cụ 15 năm nay, bây giờ sự hiện hữu đó không còn nữa, cảm giác những ngày hè chói chang, vẫn là nơi đó, góc vườn thân quen nhưng không được xoa dịu bởi những tán lá của cụ, cảm giác hụt hẫng, trống vắng và chạnh lòng. Nhớ!
Sống và mất là quy luật của cuộc đời, cỏ cây hoa lá cũng vậy, đều có tuổi thọ riêng của nó. Hơn 130 năm không phải là ít, nhưng những gì gắn bó vẫn luôn muốn được níu giữ. Không biết có phải là một điều tốt lành muốn được lưu truyền hay không. Ngay tại gốc mít già đã mọc lên một cây mít nhỏ, chúng tôi đang chăm sóc chu đáo. Với hy vọng, nó sẽ thế chỗ vào gốc mít cũ, lại tươi xanh, đâm chồi nảy lộc, đơm hoa kết trái cho những điều tốt đẹp nhất.
Mất đi trong sự tiếc nuối nhưng những gì đã lưu lại trong kí ức của du khách vẫn còn mãi với thời gian. Nhớ về Bác, về quê hương của Bác luôn có hình ảnh của cây mít cổ thụ này. Giờ cây Mít đã trở thành một kỷ vật thiêng liêng và đáng nhớ, từng chứng kiến những đổi thay một phần của cuộc đời Bác và của mảnh đất Hoàng Trù – Nơi vị anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời.

Phan Quý

Phòng Tuyên truyền giáo dục

Các bài viết khác

Tặng phẩm hữu nghị Lào-Việt
13/10/2022
1.095 lượt xem
Tấm áo Bạch Liên của Bác Hồ
02/05/2020
3.855 lượt xem
Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi