Với quan điểm “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(1), Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc tuyên dương gương người tốt, việc tốt, khen ngợi những điển hình xuất sắc trong các phong trào thi đua. Vì vậy, Người đã đặt ra nhiều phần thưởng cho các cá nhân và tập thể đạt thành tích như Huy hiệu Bác Hồ, ảnh chân dung có chữ ký của Người,… Những phần thưởng đó là nguồn động viên lớn lao để các ngành, các giới hăng hái thi đua trong lao động sản xuất và chiến đấu.
Riêng với ngành giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh có sáng kiến về một giải thưởng tặng cho giáo viên giỏi, học sinh giỏi. Đó là cuốn sổ “Giải thưởng của Bác Hồ” - một hình thức thưởng thiết thực nhất để các cháu vừa có phần thưởng, vừa có giấy để viết. Theo ông Trần Văn Vượng (cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch từ năm 1958 đến 1969), cuốn “Giải thưởng của Bác Hồ” lúc đầu chỉ là sổ giấy trắng không kẻ dòng, Người xem và góp ý: Sổ phải có dòng kẻ để các cháu dễ viết, in tên trường, lớp, họ tên để các cháu được thưởng khỏi nhầm sổ của nhau. Người còn dặn in thêm vào trang đầu 5 điều Bác dạy thiếu nhi, thư Bác Hồ gửi giáo viên, học sinh nhân ngày khai trường (năm 1945) để các cháu mở sổ là thấy ngay những điều Người dặn dò. Sau đó, xuất phát từ thực tế có những hiện tượng tiêu cực, Người nói in thêm câu “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Đến những năm tháng đánh Mỹ ở cả hai miền, để đáp ứng yêu cầu của cách mạng, Bác lại đề nghị in thêm vào sổ câu “Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân”.(2)
Sau khi đặt ra giải thưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn yêu cầu ngành giáo dục xác định tiêu chuẩn cụ thể để đạt giải thưởng. Ngành giáo dục đề ra tiêu chuẩn rất cao: phải học giỏi, các môn phải đạt điểm 10, đạo đức tốt mới được thưởng. Nhận thấy tiêu chuẩn này rất khó với các em học sinh vùng dân tộc, Người đề nghị hạ bớt tiêu chuẩn để các em cũng có thể có điểm 9 vẫn được tặng sổ “Giải thưởng của Bác Hồ”. Việc tặng thưởng bắt đầu từ năm 1959. Đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào thi đua “Hai tốt” (tháng 10/1961), hàng năm, ngành giáo dục lựa chọn một số giáo viên giỏi và học sinh tiêu biểu cho phong trào thi đua này để Người tặng giải thưởng. Cho đến hết năm học 1967-1968, ngành giáo dục đã nhận được 6.210 giải thưởng, trao tặng cho 423 giáo viên giỏi và 5.787 học sinh giỏi.
Trong số những học sinh tiêu biểu được nhận “Giải thưởng của Bác Hồ” thời kỳ đó, có một người vinh dự hai lần được thưởng là ông Nguyễn Tiến Sỹ, sinh năm 1957, trú quán xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Lần đầu tiên ông Sỹ nhận được giải thưởng của Bác vào năm 1967, vì thành tích xuất sắc trong năm học 1965 - 1966; lần thứ hai vào năm 1969, vì thành tích xuất sắc trong năm học 1967 - 1968.. Từ nhỏ, cậu bé Nguyễn Tiến Sỹ đã luôn là cậu học trò chăm ngoan, hiếu học và lập được nhiều thành tích nổi bật ở trường cấp 1 Ninh Hiệp nên hai lần được đi dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ Thủ đô Hà Nội và nhiều lần dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ huyện Gia Lâm. Ông Sỹ rất trân trọng hai cuốn sổ, luôn coi đó là kỷ vật quan trọng của mình.
Cuốn “Giải thưởng của Bác Hồ” đầu tiên được nhận năm 1967, ông Nguyễn Tiến Sỹ dùng để làm sổ ghi nhớ và nhật ký lưu lại những công việc, sự kiện quan trọng trong cuộc đời. Ông xúc động kể lại: “Khi tôi đang học lớp 3B thì cô giáo chủ nhiệm gọi lên bàn cô, trao thưởng cho tôi tại lớp học, cả lớp đều vỗ tay. Lúc đó tôi sung sướng tột độ. Gia đình và bạn bè thấy tôi được giải thưởng cũng chúc mừng. Gia đình tôi có truyền thống hiếu học, rất quan tâm chuyện học hành của con cái, nên khi tôi nhận được phần thưởng này, cả nhà rất phấn khởi và tổ chức liên hoan bằng bữa cơm có rau muống xào và đậu rán.”
Sổ “Giải thưởng của Bác Hồ”, phần thưởng ông Nguyễn Tiến Sỹ nhận được năm 1967.
Nhắc tới người học sinh của mình, dù đã hơn 50 năm, thầy giáo Nguyễn Ích Thọ - giáo viên chủ nhiệm lớp 2 của ông Nguyễn Tiến Sỹ - vẫn có ấn tượng sâu sắc: Đó là một học trò ngoan và học giỏi, gương mẫu và điển hình trong lớp, trong trường nên thầy đã báo cáo thành tích của trò Sỹ lên cấp trên và từng đưa cậu học trò nhỏ đi dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ huyện Gia Lâm. Còn cô giáo Nguyễn Thị Tiệp - giáo viên chủ nhiệm lớp 3 của ông Nguyễn Tiến Sỹ - vẫn nhớ như in hình ảnh cậu lớp trưởng nhỏ thó đeo túi cứu thương ở vai, dũng cảm đứng ở cửa hầm cùng cô che chắn cho các bạn khi có máy bay địch. Nói về “Giải thưởng của Bác Hồ” ông Sỹ nhận được, cả thầy và cô đều rất đỗi tự hào. Cô Nguyễn Thị Tiệp kể: “Hôm ấy là thứ hai đầu tuần, tập trung toàn trường dưới cờ, thầy giáo hiệu trưởng trao cho tôi cuốn sổ. Tôi trực tiếp trao cho em Sỹ, cả lớp vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Bản thân tôi rất sung sướng vì trong lớp có một học sinh được thưởng. Khi phát phần thưởng, thầy giáo hiệu trưởng có nêu thành tích của em Sỹ, từ đó cả lớp, cả trường đều noi gương em Sỹ, thi đua học tập.” Thầy Nguyễn Ích Thọ nhấn mạnh: “Phần thưởng này lúc bấy giờ cực kỳ quý, vì đất nước đang nghèo khổ, chiến tranh, một quyển vở phải tiết kiệm, viết ba lần: lần đầu viết bằng bút chì, sau đó mới viết bằng bút mực, rồi lại viết bằng mực màu khác. Cho nên được quyển vở này với học trò là quý lắm, đồng thời còn có giá trị tinh thần, là nguồn động viên với những nhà giáo như chúng tôi”.
Ông Nguyễn Tiến Sỹ, người được nhận cuốn sổ “Giải thưởng của Bác Hồ” năm 1967 và bà Nguyễn Thị Tiệp, cô giáo chủ nhiệm lớp 3 của ông.
Cuốn sổ “Giải thưởng của Bác Hồ” đã cùng ông Nguyễn Tiến Sỹ trải qua bao chuyện vui buồn trong học tập và cuộc sống, có những dòng nhật ký, ghi chép của ông trong thời gian từ năm 1967 đến năm 1980. Trong đó, một sự kiện ông Sỹ nhớ mãi là khi học lớp 4, ông được đại diện cho toàn trường dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ Thủ đô Hà Nội tổ chức Tết năm 1968. Tại Đại hội, ông kê cuốn sổ “Giải thưởng của Bác Hồ” lên đùi và ghi chép tại chỗ khẩu hiệu của Đại hội, tên các vị lãnh đạo tới dự và nội dung phát biểu của các đại biểu. Ngày 28/2/1968, một tháng sau đại hội, ông nhớ lại và viết vào sổ: “Hôm mình đi dự đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn Thủ đô ấy, mình được bắt tay Bác Tôn Đức Thắng, và được chụp ảnh ba lần trong đó một lần chụp với bác Nguyễn Văn Trân(3)...”.
Trang sổ ông Nguyễn Tiến Sỹ ghi chép khi được dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ Thủ đô Hà Nội, ngày 29/01/1968
Niềm vui của ông Nguyễn Tiến Sỹ được nhân đôi khi đến năm 1969, ông lần thứ hai được nhận “Giải thưởng của Bác Hồ”. Tự thấy mình là một học sinh cấp 1 ở một vùng quê bình thường mà hai lần được gửi giải thưởng về tận nơi, ông rất cảm động. Cuốn sổ “Giải thưởng của Bác Hồ” thứ hai này càng khiến ông Sỹ đặc biệt xúc động bởi thời điểm ông nhận được cuốn sổ là ngày 7/10/1969, mới hơn một tháng sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời.
Lúc mới nhận được cuốn sổ, ông Sỹ chưa biết dùng làm gì, chỉ mở ra ngắm nghía và xem đó là nguồn cảm hứng cho bản thân học tập chăm chỉ, rèn luyện tu dưỡng đạo đức để trở thành học sinh giỏi, gương mẫu. Sau đó, được chị gái gợi ý, ông dùng cuốn sổ làm sổ tay văn học. Ý định của ông là sau này sẽ chép nhiều bài thơ hay, nhưng ngay lúc bắt đầu ông đã quyết định rằng những bài thơ đầu tiên trong cuốn sổ sẽ là những vần thơ về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vậy là ông chép những bài thơ về Bác được sưu tầm từ báo Nhân dân và của người quen sáng tác. Chẳng hạn như bài “Bác Hồ sống mãi” của tác giả Mai Khắc Nghiễm đăng trên báo Nhân dân có hai câu đầu ông Sỹ thuộc ngay khi chép:
“Bốn mươi năm xưa Liên Xô khóc Lê-nin nước mắt đọng thành tuyết
Hôm nay Việt Nam khóc Hồ Chí Minh nước mắt chảy thành sông”.
Sinh ra và lớn lên bên bờ sông Đuống, đọc những câu thơ chất phác dung dị ấy, ông lập tức tưởng tượng ra hình ảnh dòng sông Đuống lững lờ mà nghĩ nước sông đầy bao nhiêu thì tình cảm người dân dành cho Bác nhiều bấy nhiêu. Từng vần thơ được ghi chép trong cuốn sổ như nói thay tấm lòng của ông với Bác. Trong cuốn sổ, ông Nguyễn Tiến Sỹ còn chép một số bài thơ của Bác như các bài “Bốn tháng rồi” và “Chia nước” từ tập “Nhật ký trong tù”... và chép tiểu sử tóm tắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Nhân dân và Di chúc Bác Hồ... Lên cấp 2, cấp 3 rồi đại học, cuốn sổ “Giải thưởng của Bác Hồ” đã trở thành sổ tay ghi chép bên ông suốt thời học sinh, sinh viên.
Ông Nguyễn Tiến Sỹ tâm sự rằng ông rất tự hào là trong thời học sinh, có bốn kỷ niệm đặc biệt gắn với những phần thưởng, danh hiệu mang tên Bác Hồ là hai lần nhận “Giải thưởng của Bác Hồ” vào các năm 1967, 1969 và hai lần đi dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ Thủ đô Hà Nội vào các năm 1968, 1970. Đó là động lực cho ông nỗ lực hết mình trong quá trình học tập và công tác, bất kể là khi học phổ thông, lúc học đại học Kiến trúc, trong 2 năm tình nguyện nhập ngũ phục vụ trong quân đội hay hơn 30 năm công tác ở Viện Khoa học và công nghệ Mỏ - Luyện kim. Trong cuộc sống thường ngày, không tránh khỏi có lúc bị hoàn cảnh tác động và những người khác lôi kéo, trong đầu ông bất chợt nảy ra ý định làm những việc không đúng đắn. Nhưng nghĩ đến những phần thưởng, danh hiệu mang tên Bác mình từng được nhận, ông Sỹ lập tức từ bỏ những suy nghĩ tiêu cực và càng nhận thức rõ ràng hơn rằng mình chỉ có thể làm những điều xã hội cho phép, tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Có thể nói, chính những lần được nhận “Giải thưởng của Bác Hồ”, là đại biểu Cháu ngoan Bác Hồ Thủ đô đã giúp ông trở thành công dân tốt, tiếp sức cho ông hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Với ông Nguyễn Tiến Sỹ, hai cuốn sổ “Giải thưởng của Bác Hồ” có ý nghĩa đặc biệt như vậy nên luôn được ông nâng niu, giữ gìn. Tuy nhiên, ông không đủ điều kiện để bảo quản hai kỷ vật nguyên vẹn trước sự khắc nghiệt của thời gian và khí hậu. Như khi xảy ra lụt lớn ở phía Bắc sông Đuống, nhà ngập cao 2m, ông Sỹ chỉ có thể cất sổ lên cao, tránh bị ướt. Trải qua thời gian, cuốn sổ trước rất đẹp, nay bị cũ mốc, khiến ông Sỹ không yên lòng. Vì vậy, sau nhiều năm cất giữ, vào năm 2017 và năm 2020, ông Nguyễn Tiến Sỹ đã lần lượt tặng hai cuốn sổ “Giải thưởng của Bác Hồ” cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ông tin tưởng rằng với phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại, Bảo tàng Hồ Chí Minh sẽ bảo quản lâu dài và phát huy tốt giá trị hiện vật để các thế hệ mai sau được biết về một giải thưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng riêng cho học sinh.
Là một phần thưởng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra để khuyến khích sự nghiệp trồng người, sổ “Giải thưởng của Bác Hồ” đã thể hiện rõ tình cảm yêu mến, sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho ngành giáo dục, đặc biệt là các em học sinh, những chủ nhân tương lai của đất nước. Cùng với Huy hiệu Bác Hồ, ảnh chân dung có chữ ký của Người,... sổ “Giải thưởng của Bác Hồ” là nguồn động viên lớn lao cho thầy và trò trong các phong trào thi đua dạy tốt, học tốt. Đó cũng là kỷ vật vô giá, là động lực để phấn đấu trong cuộc đời và sự nghiệp của những người từng được nhận phần thưởng như ông Nguyễn Tiến Sỹ.
-----------------
(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, năm 2011, tập 1 trang 284.
(2) Chuyện kể của những người giúp việc Bác Hồ, NXB Thông tấn, Hà Nội, năm 2003, trang 82.
(3) Ông Nguyễn Văn Trân (1916 – 2018): Bí thư Thành ủy Hà Nội từ năm 1968 đến năm 1974.
Nguyễn Hà Hạnh
Bảo tàng Hồ Chí Minh