Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Phiếu Công trái quốc gia của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 8-3-1951 lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh
Ngày đăng: 03:50 24/02/2022
Lượt xem: 2.218

Ngay sau khi được thành lập, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải đối mặt với nhiều khó khăn: Kinh tế bị ảnh hưởng bởi sự đô hộ lâu dài của đế quốc Pháp và phát xít Nhật, ngân khố quốc gia trống rỗng, nạn đói năm 1945 làm gần 2 triệu người chết chưa được khắc phục, hơn 90% dân số mù chữ, tệ nạn xã hội còn nhiều, các thế lực phản động ra sức hoạt động chống phá ở cả hai miền Nam - Bắc... Vận mệnh dân tộc rơi vào hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”. Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đề ra nhiều quyết sách nhằm thay đổi đời sống kinh tế, xã hội của đất nước: Tổ chức Tổng tuyển cử, xóa bỏ các loại thuế, giảm tô, mở lớp bình dân học vụ, phát động các phong trào thi đua tăng gia sản xuất, xây dựng “Quỹ độc lập” và phát động phong trào “Tuần lễ vàng” để huy động sự đóng góp tự nguyện của nhân dân. Đặc biệt, Chính phủ còn phát hành công trái nhằm huy động nguồn tiền trong nhân dân để xây dựng đất nước.

Tháng 7-1946, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát hành công trái lần đầu tiên và Nam Bộ là địa bàn được chọn để phát hành đợt công trái đầu tiên của cả nước. Thay mặt Chính phủ, Huỳnh Thúc Kháng[1] ký Sắc lệnh số 122-SL, ngày 16-7-1946 cho phép Ủy ban Hành chính Nam Bộ phát hành tại Nam Bộ một loại công trái được gọi là công thải[2] (vay của dân) để huy động tiền dùng trong Nam Bộ. Số tiền vay nhiều nhất là năm triệu đồng bạc (5.000.000), phát hành dần làm 5 kỳ, mỗi kỳ một triệu (1.000.000), với lãi suất là một trăm bạc một năm, tức là không quá năm phần (5%). Tuy số lượng phát hành tiền chưa lớn nhưng có vai trò, ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội to lớn, mở đầu cho quá trình thực hiện chủ trương phát hành công trái của Đảng, Chính phủ nhằm tạo ra nguồn lực tài chính phục vụ đắc lực cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc.

Đến ngày 14-4-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 160-SL, cho phép phát hành chính thức trong toàn quốc một loại trái phiếu gọi là “Công phiếu kháng chiến” với tổng số tiền dự kiến phát hành là 5 triệu đồng. Những người mua một lần từ 10.000 đồng trở lên sẽ được thưởng bằng danh dự. Sắc lệnh nêu rõ, trong những trường hợp và theo những thể thức do Bộ Tài chính ấn định, công phiếu kháng chiến sẽ lưu hành và có giá trị như giấy bạc, theo đúng số tiết ghi ở trên phiếu. Công phiếu cũng được miễn tất cả các thứ thuế hiện có hoặc sẽ đặt ra, kể cả thuế trước bạ mỗi khi chuyển dịch. Việc phát hành loại công phiếu này được diễn ra trong khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam bước vào giai đoạn kháng chiến toàn dân, toàn diện. Chính vì vậy, Chính phủ muốn kêu gọi tổng động viên nhân tài, vật lực cho cuộc kháng chiến. Công phiếu phát hành trong giai đoạn này cũng được chỉ rõ với hai mục đích: Thứ nhất là huy động số tiền nhàn rỗi trong dân để phục vụ sản xuất và chiến đấu; Thứ hai là dùng công phiếu kháng chiến như một thứ tiền dự trữ của Chính phủ.

Ngày 19-9-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Sắc lệnh số 139-SL, cho phép phát hành trong toàn quốc loại “Công trái quốc gia” ghi mệnh giá bằng thóc, và thu bằng tiền hoặc thóc, với lãi suất 3% có thời hạn 5 năm. Tổng số công trái phát hành của kỳ này là 100.000 tấn thóc. Sau đó, việc phát hành công trái được tiếp tục duy trì trong nhiều năm tiếp theo: 1951, 1952, 1958, 1964...

                   

Sắc lệnh số 139-SL phát hành trong toàn quốc “Công trái quốc gia”, do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 19-9-1950. Nguồn ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là một tấm gương sáng trong việc nói đi đôi với làm, bản thân Người luôn dùng hành động để mọi người dân học tập và noi theo. Người cho rằng: “Mỗi ngày cố làm một việc lợi cho nước (lợi cho nước tức là lợi cho mình), dù là việc nhỏ, thì một năm ta làm được 365 việc. Nhiều lợi nhỏ cộng thành lợi to. Cả 20 triệu đồng bào đều làm như vậy, thì nước ta nhất định mau giàu, dân ta nhất định được nhiều hạnh phúc”[3]. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ động viên các tầng lớp nhân dân mua công trái để xây dựng đất nước, mà chính Người cũng trực tiếp thường xuyên tham gia mua công trái. Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện đang lưu giữ ảnh chụp phiếu Công trái quốc gia của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 8-3-1951. Theo đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mua một phiếu “Công trái quốc gia” ngày 8-3-1951, tại tỉnh Tuyên Quang, với giá trị phiếu công trái là 100 kilô thóc. Trên tờ công trái của Chủ tịch Hồ Chí Minh có các thông tin như: Số công trái là CVB/TQ 1731, Công trái quốc gia (Sắc lệnh số 139-SL, ngày 19-9-1950); Lãi đồng niên 3%; Hạn 5 năm; Loại C; Người mua phiếu: Hồ Chủ tịch; Ngày mua phiếu: 8-3-1951. Trên công trái còn ghi một số thông tin khác như giá trị của một kilôgam thóc thời đó là 100 đồng, công trái 100 kilô tính thành tiền là 10.000 đồng, đây là giá trị quy thành tiền tài chính khi đó. Giữa phiếu công trái có đóng một dấu triện hình vuông với bốn chữ: Hồ Chí Minh ấn. Tại góc trái của tờ công trái quốc gia, bên dưới số hiệu tờ công trái có dòng chữ: Theo sắc lệnh của Chính phủ, người nào làm giả hoặc có hành động phá hoại công trái này sẽ bị truy tố trước tòa án Quân sự. Hai bên tờ công trái có chữ ký của Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh bán công trái và chữ ký của Bộ trưởng Bộ Tài chính khi đó.

Bên dưới của tờ công trái Chủ tịch Hồ Chí Minh mua ngày 8-3-1951còn có các thông tin về phiếu lãi và phiếu thưởng cho người tham gia mua công trái bằng thóc và có số hiệu của tờ công trái trong từng mục gồm: Phiếu lãi số 1 (6 kilô), phiếu lãi số 2 (3 kilô), phiếu lãi số 3 (3 kilô) và phiếu thưởng của 100 kilô thóc.

Phiếu “Công trái quốc gia” Chủ tịch Hồ Chí Minh mua ngày 8-3-1951. Nguồn ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Như vậy, dù đây là một hình thức vay tiền trong nhân dân, nhưng nhà nước vẫn trả lãi cho dân như là một hình thức tiết kiệm kinh tế và cũng là một hoạt động vừa ích nước vừa lợi nhà. Sau khi mua phiếu Công trái 100 kilô thóc được ba ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài Phong trào mua công trái với bút danh C.B, đăng trên báo Nhân dân, số 1, ngày 11-3-1951. Trong bài viết, Người khẳng định: “Phong trào mua công trái lại là một dịp để chứng tỏ lòng nồng nàn yêu nước của đồng bào ta”[4]. Đồng thời, Người tuyên dương đồng bào và nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã hăng hái thi đua mua công trái, đây là một hành động thiết thực và có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với việc xây dựng đất nước. Người khẳng định: “Ở Tuyên Quang như thế, chắc ở các tỉnh khác, chắc khắp cả nước đều như thế”[5]. Người cũng khuyến khích toàn thể nhân dân trong cả nước mua công trái vì: “Mua công trái là một việc đã ích cho nước (giúp kháng chiến), lại lợi cho nhà (Chính phủ sẽ trả vốn và lãi)”[6]. Tuy Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khuyến khích nhân dân hăng hái thi đua mua công trái nhưng Người cũng không quên căn dặn: “Cán bộ địa phương cần ghi nhớ lời Hồ Chủ tịch dạy: Phải cố gắng thi đua mua công trái. Nhưng đồng thời chớ để cạn vốn tăng gia sản xuất của nhân dân”[7]. Nhân dân tích cực hưởng ứng mua công trái khiến Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ rất cảm động, điều đó thể hiện sự đồng lòng của nhân dân cùng Chính phủ xây dựng và bảo vệ đất nước trước mọi thế lực thù địch.

Công trái quốc gia Chủ tịch Hồ Chí Minh mua ngày 8-3-1951 tại tỉnh Tuyên Quang giúp chúng ta hiểu thêm về một giai đoạn phát triển kinh tế của đất nước, cũng như những ứng biến linh hoạt trong lĩnh vực kinh tế của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn đầu xây dựng đất nước. Thông qua phiếu công trái quốc gia của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như qua những hành động thực tiễn, những việc làm cụ thể, bình dị và gần gũi của Người, chúng ta càng thấy rõ tấm gương nói đi đôi với làm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người sẽ luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ người dân Việt Nam học tập và noi theo./.

ThS. Nguyễn Thị Thu Hường

 


[1] Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (giai đoạn từ 31-5-1946 đến 21-10-1946).
 
[2] Tên gọi này đã được sử dụng qua các đợt phát hành công trái của thực dân Pháp trước đó tại Việt Nam.
 
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 6, tr. 130.
 
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 7, tr. 52.
 
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 7, tr. 52.
 
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 7, tr. 52.
 
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 7, tr. 52.

 

Các bài viết khác

Tặng phẩm hữu nghị Lào-Việt
13/10/2022
1.194 lượt xem
Tấm áo Bạch Liên của Bác Hồ
02/05/2020
4.089 lượt xem
Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi