Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Về bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tướng Trung Hoa Quốc Dân Đảng - Trần Tu Hòa
Ngày đăng: 03:20 10/01/2019
Lượt xem: 7.298
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời đã gặp muôn vàn khó khăn, ví như “Ngàn cân treo sợi tóc”. Cùng một lúc, chính phủ cách mạng non trẻ phải đối mặt với vô vàn những khó khăn về kinh tế, xã hội và văn hóa do chế độ thực dân gây ra. Sự khó khăn, phức tạp và bất lợi cho công cuộc bảo vệ chính quyền, giữ gìn độc lập cho dân tộc lại được nhân lên bởi các thế lực thù trong, giặc ngoài đang rắp tâm phá hoại thành quả cách mạng. Đối với quốc tế, chưa có nước nào công nhận nền độc lập và đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Sự mất còn của vận mệnh dân tộc là trọng trách nặng nề mà dân tộc đã giao phó cho Đảng, Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Và, trên mặt trận đấu tranh ngoại giao trong giai đoạn lịch sử đặc biệt này đã xuất hiện một thiên tài ngoại giao - Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người cầm lái vĩ đại đưa con thuyền cách mạng đến bến bờ thắng lợi.
Có rất nhiều tài liệu thể hiện phong cách, tài ngoại giao khôn khéo của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1945-1946, bài viết này xin giới thiệu một tài liệu mới sưu tầm được, đó là bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tướng Trần Tu Hòa - viên tướng cấp cao của Quốc dân Đảng Trung Hoa ngày 19-12-1945.
Tướng Trần Tu Hòa lúc ấy là đại biểu của Tổng bộ Lục quân Quốc dân Đảng Trung Quốc giữ chức vụ Phó trưởng phòng phòng 5 của Bộ Tư lệnh quân đội Trung Quốc tại Việt Nam, phụ trách công tác đối ngoại (Trưởng phòng 5 do Lư Hán kiêm chức).
Theo luật bầu cử của Chính phủ lâm thời công bố ngày 8-9-1945, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ tổ chức Tổng tuyển cử vào ngày 23-12-1945. Các tổ chức phản động như Việt Nam Quốc dân Đảng, Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội đã tìm mọi cách để phá hoại. Chúng tổ chức những cuộc biểu tình thị uy, công kích Chính phủ lâm thời đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, yêu cầu Chính phủ lâm thời phải từ chức. Chúng còn tổ chức các hoạt động ám sát, bắt cóc, gây rối trong xã hội. 
Trước tình hình đó, ngày 18-12-1945, tướng Trần Tu Hòa thay mặt Bộ Tư lệnh quân đội Tưởng Giới Thạch ở Việt Nam gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày về đề nghị: Bộ Tư lệnh quân đội Tưởng Giới Thạch ở Việt Nam sẽ đứng ra "điều đình", thông qua hiệp thương giữa các đảng phái thành lập một Chính phủ liên hiệp lâm thời có đại biểu các tầng lớp tham gia để tổ chức cuộc Tổng tuyển cử và đề nghị Chủ tịch lui thời hạn tiến hành bầu cử lại hai tuần. 
Chấp nhận đề nghị của Trần Tu Hòa, cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 76 về việc hoãn ngày Tổng tuyển trong toàn cõi Việt Nam đến ngày 6-1-1946 và gia hạn nộp đơn ứng cử kéo dài đến hết ngày 27-12-1945. 
Ngày hôm sau, 19-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tự tay viết một bức thư bằng chữ Hán gửi tướng Trần Tu Hòa. 
Bút tích thư chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tướng Trần Tu Hòa, 19-12-1945
 
Bức thư dài 2 trang chữ Hán, được viết bởi nét mực xanh cửu long. Nội dung bức thư như sau:
THƯ GỬI TƯỚNG TRẦN TU HÒA 
Kính gửi: Trần Tướng quân, 
Tôi xin nói rõ: 
1- Về việc tổ chức Tổng tuyển cử, đã theo ý kiến của tiên sinh, hoãn lại 2 tuần. 
2- Việt Nam độc lập Đồng minh, không phải là một đảng mà là một mặt trận toàn dân, bao gồm các đảng phái (Đảng Dân chủ, phái Xã hội), các phần tử Quốc dân Đảng, Đảng Cộng sản (đã tự động giải tán) và các đoàn thể yêu nước không đảng phái như Hội Thanh niên cứu quốc, Hội Phật giáo cứu quốc, Hội Cơ đốc giáo cứu quốc, v.v.. 
3- Chính cương của Việt Minh: 
A- Liên hiệp lực lượng cả nước để giành lại quyền độc lập, xây dựng một nước Dân chủ Cộng hòa. 
Nhân dân có các quyền tự do, dân chủ; nam nữ bình đẳng. 
Xây dựng quốc phòng.
B- Về kinh tế: Xoá bỏ mọi thứ thuế má nặng nề do người Pháp, người Nhật đặt ra, thi hành việc thu thuế công bằng và thấp. Phát triển nông nghiệp và thủ công nghiệp, thành lập Ngân hàng quốc dân, thực hiện tự chủ về quan thuế, v.v.. 
C- Về xã hội: Thiết lập nhà dưỡng lão, nhà trẻ, mở nhiều nhà thương, cứu tế những người thất nghiệp, cấm chỉ bán dâm, lập nhà hộ sinh. 
D- Về văn hoá: Thực hành chế độ giáo dục bắt buộc, mở nhiều trường học, rạp hát, tổ chức các lớp bình dân học vụ, giúp đỡ những người nghèo mà hiếu học. Phát triển thể dục, đức dục, bãi bỏ học phí nhập học do người Pháp đặt ra. 
E- Về ngoại giao: Tranh thủ sự giúp đỡ của các nước Đồng minh, trước hết là Trung Quốc. Liên lạc và hỗ trợ các dân tộc bị áp bức. 
F- Khẩu hiệu của Việt Minh: liên Hoa, kháng địch, độc lập. 
4- Tổ chức của Chính phủ lâm thời Việt Nam: 
4- Tổ chức của Chính phủ lâm thời Việt Nam: 
Chủ tịch: Hồ Chí Minh
Cố vấn: Nguyễn Vĩnh Thụy (Bảo Đại)
Ngoại giao: Hồ Chí Minh (kiêm)
Giáo dục: Vũ Đình Hoè
Nông lâm: Cù Huy Cận
Tư pháp: Vũ Trọng Khánh
Lao động: Lê Văn Hiến
Giao thông: Đào Trọng Kim
Nội vụ: Võ Nguyên Giáp
Tài chính: Phạm Văn Đồng
Cứu tế: Nguyễn Văn Tố
Quân huấn: Trương Trung Phụng 
Thanh niên: Dương Đức Hiền
Kinh tế: Nguyễn Mạnh Hà
Quân chính: Chu Văn Tấn
Tuyên truyền: Trần Huy Liệu
Y tế: Phạm Ngọc Thạch.
5- Tổ chức các địa phương: 
Mỗi thôn, mỗi huyện có một Hội đồng nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra. Hội đồng nhân dân bầu ra một ủy ban chấp hành, phụ trách công việc của địa phương đó. 
6- Sau Tổng tuyển cử toàn quốc, những người trúng cử sẽ triệu tập Quốc hội (từ lúc bầu cử xong đến khi họp Quốc hội, thời gian không được quá một tháng). Chính phủ lâm thời sẽ lập tức từ chức toàn thể, Quốc hội sẽ bầu ra một Chính phủ chính thức và quyết định các vấn đề như Quốc kỳ, Quốc huy, v.v.. 
7- Xin gửi theo một danh sách ứng cử (chỉ có 11 tỉnh Bắc Kỳ, các nơi khác chưa in ra). 
Chúc sức khoẻ Tướng quân. 
4 giờ 30 chiều, ngày 19 tháng 12
HỒ CHÍ MINH 
Trong thư, Người thông báo quyết định của Chính phủ Việt Nam sẽ lùi ngày Tổng tuyển cử trong toàn quốc lại hai tuần. Đồng thời, Người cũng giải thích rõ thêm một số vấn đề như tổ chức và thành phần Mặt trận Việt Minh, Cương lĩnh chính trị của Mặt trận Việt Minh, về tổ chức chính quyền ở địa phương, về việc triệu tập Quốc hội sau khi Tổng tuyển cử toàn quốc. Người còn gửi kèm theo bức thư là một danh sách ứng cử viên tham gia Tổng tuyển cử của 11 tỉnh Bắc Kỳ…
Ngày 1-1-1946, các đảng phái đã hiệp thương với nhau và thành lập Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, Nguyễn Hải Thần làm Phó Chủ tịch. Ngày 6-1-1946, bất chấp khủng bố của kẻ thù, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của chế độ mới đã diễn ra thành công trong cả nước, khẳng định niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Như vậy, trong những ngày khó khăn để bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, trước vận mệnh của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhạy bén và sáng suốt đưa ra một quyết định phù hợp, nhằm giải quyết kịp thời những nhiệm vụ vô cùng phức tạp và bình tĩnh chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt bao ghềnh thác hiểm nguy. Bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh viết gửi tướng Trần Tu Hòa ngày 19-12-1945 là một trong nhiều tài liệu thể hiện tài ứng xử khôn khéo của Người. 
Hơn nửa thập kỷ đã trôi qua, bức thư trên đã được gia đình tướng Trần Tu Hòa lưu giữ cẩn thận. Nhân dịp sang thăm Việt Nam, con gái tướng Trần Tu Hòa là bà Trần Tố Dung đã tặng bức thư này cho GS.TS Ngô Đức Thọ. Ngày 25-2-2014, GS. TS Ngô Đức Thọ đã trao tài liệu này cho Bảo tàng Hồ Chí Minh để lưu giữ và phát huy tác dụng. 
Phí Thị Hồng Vân
Bảo tàng Hồ Chí Minh
 

Các bài viết khác

Tặng phẩm hữu nghị Lào-Việt
13/10/2022
961 lượt xem
Tấm áo Bạch Liên của Bác Hồ
02/05/2020
3.390 lượt xem
Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi